Chán học vì không có hứng thú học
Sáng nay vào Dân trí Điện tử, vô tình em đọc bài báo nói về cách dạy học của người thầy: “Tạo ra hứng thú cho học trò - Cái cốt yếu của việc dạy”. Em rất đồng tình với tác giả bài báo này và muốn tham gia một số ý kiến.
Việc người dạy học ở phổ thông cũng như đại học nếu người thầy không tạo ra sự hứng thú cho học sinh (hay sinh viên) thì quả thật giờ học ít đem lại hiệu quả. Không ít người thầy nắm vững chuyên môn và có tâm huyết thì dạy những môn khó và khô khan vẫn thu hút được người nghe bằng sự gợi mở và kích thích sự tò mò, muốn khám phá cái mới của tuổi trẻ.
Ngược lại, có những người thầy coi việc dạy là nghĩa vụ bắt buộc, bản thân không hề có hứng thú trong công việc ấy, cho nên hầu như không quan tâm nhiều tới chất lượng bài giảng cũng như sinh viên có hào hứng nghe thầy giảng hay không. Họ chỉ cần làm sao cho số sinh viên của mình qua được kỳ thi quá nửa lớp là được. Hoặc không đạt yêu cầu đó thì lại nâng điểm lên để kết quả không đến nỗi quá tồi.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Hiện nay em đang ở trong tình trạng chán học nhiều môn học, chỉ thích thú những môn nào thầy dạy hay, có sự kích thích gợi mở cho sinh viên tìm tòi sáng tạo; những môn khác thì giảng dạy theo kiểu thầy đọc trò chép rồi học thuộc lòng để đi thi thì em đã bỏ qua cho nên thi trượt, rồi thi lại trường cũng cho qua hết, nhưng dạy và học theo kiểu như vậy thì chất lượng và hiệu quả không thể đạt yêu cầu mong muốn.
Nhà em còn có chút lưng vốn có thể lo công việc làm ăn cho em sau nay, nên em cũng không lo lắm. Nhưng với những bạn nhà nghèo thì đành cắm cúi học tập dù chẳng thích thú gì nhưng cố nhét cho đầy đầu những điều thầy giảng và phải học để cốt sao kiếm được mảnh bằng rồi tính sau, đến đâu lo đến đấy.
Học tập trong tình trạng thầy dạy như vậy và rất thiếu máy móc, thiết bị để thực hành, không được đi thực tập đến nơi đến chốn, hầu như rất nhiều sinh viên tuy học đại học đấy nhưng đều không biết tương lai mình sẽ làm gì trong xã hội này, đều hoang mang không tìm được hướng lập nghiệp, cho nên nhiều người sinh ra buông thả cho cuộc sống đến đâu thì đến, không quan tâm ngày tháng.
Tất cả những điều giảng dạy trong nhà trường chỉ là lý thuyết, nào là định hướng đầu ra cho sinh viên, nào là gắn nhà trường với cơ sở sản xuất, với nhà tuyển dụng… Nhưng em nghĩ điều quan trọng trước hết là nhà trường cần dạy cho sinh viên những điều mà cuộc sống và thực tiễn sản xuất đang cần và không thể chỉ dạy lý thuyết xuông buồn tẻ, cần tạo cho sinh viên hào hứng học tập bằng việc lý thuyết gắn với thực hành, từ đấy giúp họ nhìn rõ tương lai nghề nghiệp của mình.
Em còn muốn nói nhiều điều nữa nhưng đã đến giờ đi học rồi. Chỉ mong rằng nhà trường cũng như các cấp quản lý ngành giáo dục hiểu cho nguyện vọng của chúng em là được học những điều thiết thực mà cuộc sống đang cần để đến khi tốt nghiệp tìm được việc làm và có điều kiện ứng dụng những điều đã được học và tiếp tục trau dồi thêm chuyên môn nghề nghiệp.
Phạm Xuân Thìn
LTS Dân trí - Bài viết ngắn trên đây phản ảnh tâm trạng chung của nhiều sinh viên và qua đó cho thấy chất lượng đáng lo ngại của việc dạy và học ở các trường đại học.
Tâm trạng chán học của sinh viên không phải vì các em vốn lười học, vì nếu lười học thì không thể đỗ đại học, mà có nguyên nhân từ nội dung giảng dạy không thiết thực, không gắn học với hành và cách giảng dạy không kích thích sự tìm tòi sáng tạo của sinh viên.
Qua ý kiến phản ảnh của chính những sinh viên đang học, chúng ta thấy muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học, cần đổi mới mạnh mẽ cả chương trình lẫn nội dung giáo trình cũng như phương pháp giảng dạy, gắn việc học lý thuyết với thực hành. Chỉ có như vậy thì việc học mới hữu ích cho sinh viên khi bước vào đời, tạo cho các em lòng say mê hứng thú nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường