Chặn đường làm rạp cưới: Cần tuân thủ pháp luật, không được có ngoại lệ

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu chưa được cơ quan quản lý cho phép, việc lấn chiếm hành lang đường bộ để làm rạp cưới là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Những ngày cuối năm, khi mọi người thường trêu đùa rằng xã hội bước vào "mùa cưới", một vấn đề nhức nhối nhiều năm nay lại quay lại, đó là việc người dân tự ý chặn đường để tổ dựng rạp đám cưới, gây cản trở đời sống sinh hoạt, khiến nhiều người vô cùng bức xúc. 

Đơn cử như trường hợp xảy tại khu vực quận 12 (TPHCM) những ngày qua, nhiều người dân cũng không khỏi bất bình khi một rạp đám cưới dựng dưới lòng đường Trung Mỹ Tây 17A cản trở giao thông. Rạp đám cưới dài hơn 100m, chiếm hết nửa mặt đường lưu thông hai chiều. Các phương tiện qua khu vực phải lấn sang làn đường ngược lại di chuyển, nguy cơ xảy ra tai nạn.

Trên đây là tình huống tiêu biểu trong số hàng loạt trường hợp mà lòng đường hay các khu vực công cộng bị trưng dụng để phục vụ các mục đích cá nhân, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người khác. 

Chặn đường làm rạp cưới: Cần tuân thủ pháp luật, không được có ngoại lệ - 1

Ô tô phải đi ngược chiều vì rạp đám cưới chiếm nửa lòng đường (Ảnh: A.H).

Bình luận về sự việc trên, bạn đọc Thảo Lê bức xúc viết: "Có ý kiến cho là không sao, thông cảm vì đoạn đường này ít xe qua lại, thật là mắc cười. Trường hợp này nếu thông cảm thì người khác rồi cũng làm nữa, lại định thông cảm nữa sao? Thật chán cho ý thức". 

"Vô ý thức, chỉ nghĩ cho bản thân. Tiết kiệm tiền để gây nguy hiểm cho gia đình, bạn bè, người thân", anh Tuan Le bất bình. 

"Nhà nước nên cấm hẳn chuyện lấn chiếm đường phố kiểu này, không có xin xỏ gì hết. Rất bất tiện cho xã hội, một người vui nhưng cả khối người buồn. Vừa không an toàn, vừa mất mỹ quan đô thị. Nhà hàng tiệc cưới nhiều, thêm chút chi phí làm tiệc cho chu toàn, vừa bài bản lại không phiền hà tới ai không phải tốt hơn sao?", độc giả Hồ Văn Nhân cho rằng cần có các biện pháp cứng rắn để giải quyết thực trạng này. 

Vậy theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân có được quyền tự ý trưng dụng đường xá, nơi công cộng để phục vụ các hoạt động nhằm mục đích riêng hay không? 

Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận việc tổ chức các sự kiện công cộng trên các trục đường giao thông và xảy ra việc tự ý cấm đường, hạn chế giao thông là điều thường xuyên xảy ra. Dưới góc độ xã hội, những người xung quanh có thể thông cảm khi gia đình có việc nhưng dưới góc độ pháp lý, mọi người dân đều phải tuân theo các quy định của pháp luật và không có trường hợp ngoại lệ. 

Trích dẫn khoản 1, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ để tiến hành hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức. Trường hợp cần hạn chế giao thông hoặc cấm đường thì cơ quan quản lý đường bộ phải ra thông báo phương án phân luồng giao thông; cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ phải thực hiện việc đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

UBND nơi tổ chức hoạt động có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tổ chức phân luồng, bảo đảm giao thông tại khu vực diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.

Cảnh sát giao thông tại địa phương có trách nhiệm chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông. Trường hợp có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp tổ chức giải thể thao, các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức giải thi đấu thể thao còn phải thông báo với Phòng Văn hóa và Thông tin; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục Thể dục thể thao tùy theo phạm vi của giải thi đấu theo quy định tại các Điều 7,8,9 Thông tư số 09/2012/TT - BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. 

"Như vậy, trường hợp các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu tổ chức các hoạt động trên đường giao thông thì phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản, không được tự mình thực hiện các hoạt động kể trên. Trường hợp được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì mới được tổ chức dưới sự điều phối, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền", ông Tuấn phân tích. 

Chặn đường làm rạp cưới: Cần tuân thủ pháp luật, không được có ngoại lệ - 2

Một rạp đám cưới khác được dựng lấn chiếm lòng đường cạnh tuyến metro tại TPHCM (Ảnh: Tôi là dân quận 9).

Trong trường hợp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà vẫn cố ý tổ chức các hoạt động xâm phạm tới hành lang đường bộ, cá nhân, tổ chức hoạt động có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt có thể áp dụng là phạt tiền 2-3 triệu đồng (cá nhân) và 4-6 triệu đồng (tổ chức). 

Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy mà gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt cơ bản của tội danh này là phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm