Chương trình 3 Phút cùng Luật sư:

Cha mẹ cũng không có quyền tước đoạt mạng sống của con!

(Dân trí) - Ngày 18/10, dư luận xôn xao, bàng hoàng trước thông tin một bé sơ sinh vừa chào đời bị rơi xuống đất từ tầng 31 của một chung. Cháu bé đã tử vong ngay sau đó.

Trong trường hợp bé mất ngay sau khi lọt lòng, mẹ có quyền “vứt” con không

Khi cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu vụ việc, đã xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của đứa bé lại xuất phát từ mgười mẹ máu lạnh! Trong chương trình 3 phút cùng luật sư của Bạn đọc Dân trí kỳ này, cùng “mổ xẻ” vấn đề này.

Người mẹ máu lạnh này là sinh viên một trường đại học. Sau khi có con cùng người yêu, bị người yêu bỏ rơi vào thời điểm thai cũng đã lớn, không thể áp dụng các biện pháp bỏ thai  và đành mang thai, tự sinh con. Rồi sau đó đã ném đứa trẻ sơ sinh.

Theo những lời khai đầu tiên của người mẹ với công an: Vì tự sinh con trong nhà vệ sinh nên khi sinh con ra bé đã chết. Vì quá hoảng loạn,  nên dẫn đến hành động vứt bỏ con. Vậy, thưa luật sư, với góc nhìn của Pháp luật, Bà nhìn nhận sự việc này thế nào? Trong trường hợp bé mất ngay sau khi lọt lòng, mẹ có quyền “vứt” con không? Nếu  vụ việc như thế này, có tình tiết giảm nhẹ nào không?

Đầu tiên, chúng ta không nên kết luận cô gái có tội hay không, vì một người chỉ được xem là có tội khi bị tòa án tuyên là phạm tội. Ta chỉ có thể gọi là nghi can. Giả sử bé mất ngay sau khi lọt lòng. Và nguyên nhân cái chết của bé là do bệnh lý chứ không phải đến từ các hành vi của người mẹ, thì người mẹ cũng không có quyền “vứt” (mà chính xác là ném) con mình như sự việc đã xảy ra. Vì theo Bộ luật hình sự 2015 Quy định về Tội xâm phạm thi thể, mồ mả hài cốt tại Điều 319, ghi rõ: Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Cụ thể, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội ở mức độ nguy hiểm hơn, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Cha mẹ cũng không có quyền tước đoạt mạng sống của con! - Ảnh 2.

Luật sư Lam Điền tư vấn pháp luật cùng chuyên mục 3 phút Luật sư của báo Dân trí.

Thưa luật sư, theo kết luận mới đây của cơ quan chức năng, khi khám nghiệm tử thi xác định: Bé gái sơ sinh xấu số này sinh ra có cân nặng 2,7kg. Cơ thể bé đã thể hiện đã có sự lưu thông không khí trong phổi… Và điều quan trọng, bé chết vì chấn thương sọ não. Điều này chứng tỏ rằng khi ra đời, em bé vẫn có khả năng sống sót nếu được chăm sóc và can thiệp kịp thời.  Vậy, với chứng cứ điều tra này, liệu người mẹ vi phạm ở mức độ nào? Sẽ phải đối mặt với mức án ra sao? 

Người mẹ vi phạm ở mức độ nào? Sẽ phải đối mặt với mức án ra sao?

Vấn đề ở đây là phải xác định đứa bé vào thời điểm cô gái ném qua cửa sổ còn sống hay đã chết. Việc này không thể chỉ căn cứ theo lời khai của cô gái hay của nhân chứng, mà phải được giám định pháp y để biết chính xác.

Nếu bé chưa chết trước khi người mẹ ném, và nguyên nhân dẫn đến tử vong là do hành vi ném bé của người mẹ thì rõ ràng người mẹ đã có hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1 Điều 124. Bộ luật hình sự năm 2015 Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Theo đó, có từng mức độ cụ thể sau:

Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu bé đã chết trước khi cô gái ném đứa bé thì cần giám định pháp y về nguyên nhân cái chết để tiếp tục xác định người mẹ có tội hay không. Nếu xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của bé là do mẹ gây ra (dù vô tình hay cố ý) thì mới có thể áp dụng Khoản 1 Điều 124 BLHS 2015. Trong trường hợp bé tử vong trước khi ném do nguyên nhân bệnh lý thì người mẹ không phạm tội, và việc vứt bỏ thân thể/xác của bé sơ sinh lại thuộc vấn đề đã nêu trước đây.

Ngoài ra, chúng ta cần hiểu thêm rằng, dù kết luận điều tra nguyên nhân cái chết là do chấn thương sọ não thì cũng chưa thể kết luận ngay việc chấn thương sọ não này là do hành vi ném bé từ tầng 31 xuống đất của người mẹ. Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục điều tra xem việc chấn thương sọ não này là từ đâu rồi mới có thể kết luận.

Thưa luật sư, giả định nếu bà mẹ này không giữ đứa bé cho đến khi sinh, lại tiếp tục nạo phá thai một lần nữa, nhưng người Mẹ bị Chết do tai biến y khoa,  thì người cha của đứa bé có phải chịu trách nhiệm gì không?

Không! Pháp luật hiện hành chưa có quy định về vấn đề ép người khác phá thai, vấn đề này thuộc về phạm trù đạo đức. Do đó việc người đàn ông ép người mẹ phá thai chưa thể xử lý được. Tuy nhiên, nếu như người đàn ông có hành vi đe dọa, đánh đập, giam giữ và ép buộc người mẹ phải đến cơ sở y tế để phá thai thì tùy theo mức độ, tính chất hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người mẹ tự vẫn theo con nhưng không chết thì có bị truy cứu trách nhiệm?

Từ sự việc đau lòng này, có một góc nhìn khác nữa, đó là việc có một vài trường hợp sau khi “giết con” thì người mẹ cũng tự vẫn. Tuy nhiên,  chỉ có con Chết và Mẹ lại được cứu sống. Vậy với trường hợp này, người Mẹ phải đối mặt với tội danh và mức án như thế nào, thưa luật sư?

Việc mẹ được cứu sống là ngoài ý muốn của người mẹ và không liên quan gì đến việc phải  bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi “giết con” của mình. Tội danh và mức án sẽ căn cứ vào hành vi và hậu quả của hành vi phạm tội, quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 nếu con chỉ trong vòng 7 ngày tuổi kể từ lúc sinh. Còn sau 7 ngày tuổi trở đi thì người mẹ sẽ bị truy cứu Ttrách nhiệm hình sự theo điều luật khác: Điều 123. Tội giết người

Theo đó, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, gồm: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong điều 123 cũng quy định một số hành vi phạm tội giết người khác, như:  Che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức và tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn.

Ngoài ra, nếu phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 123 đã nêu trên sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm. Hoặc trong trường hợp người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

Xin cám ơn luật sư.

Việt Khuê thực hiện