Câu chuyện về “Văn hóa xe buýt”còn dài

“Văn hóa xe buýt” tưởng là câu chuyện nhỏ nhưng lại không nhỏ chút nào, cho nên mới được nhiều người quan tâm và nhiệt tình tham gia thảo luận trên Diễn đàn Dân trí, muốn bàn cho ra nhẽ và xác định rõ trách nhiệm của những người có nhiệm vụ quản lý hệ thống xe buýt.

1. Vâng. Tôi hoàn toàn đồng ý với những ý kiến trao đổi về “Văn hóa xe buýt” trên Diễn đàn Dân trí. Trong lần về quê dịp 30/4 vừa rồi, tôi có đi xe buýt qua tuyến Cầu Giấy và đã không một ai mua vé mà được xé vé. Đấy là tuyến xe buýt 16. Bọn họ làm như thế để chia nhau tiền, nhà nước thì thất thu, còn những người dân như tôi có mua vé mà không được xé vé, thử hỏi nếu tai nạn xảy ra liệu chúng tôi có được bảo hiểm không?
 
Đây là một lỗi làm ăn tắc trách, vô trách nhiệm và gian lận không thể chấp nhận được. Khi tôi đưa tiền và đòi xé vé, nhân viên phụ xe không những không xé vé cho tôi và những người khác trên xe mà còn cười khẩy: "vé mà làm gì?". Tôi rất bức xúc khi đi 2 tuyến xe hôm ấy đều như thế. Tôi đề nghị các báo nên có bài điều tra về vụ việc này để tránh tình trạng đó tiếp tục xảy ra. Số ĐT của tôi là: 0989830101, tôi hay bạn bè tôi đi trên chuyến xe ấy sẵn sàng làm chứng.

thienbinhbooks@fpt.vn

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

2. Tôi cũng rất hoan nghênh việc trao đổi ý kiến về “Văn hóa xe buýt”, một vấn đề được nhiều người quan tâm và xảy ra hằng ngày trứơc mắt mọi người.

Là một sinh viên sống với điều kiện kinh tế eo hẹp, tôi thấy rất mừng là có được xe buýt công cộng mà đi, nhưng lại thấy rất buồn vì bị lái xe, phụ xe coi chẳng ra gì, cứ như là đi nhờ họ không bằng và họ ban ơn cho đến đâu hay đến đó!.

Theo tôi nghĩ, đây là chính sách ưu tiên của nhà nước đối với sinh viên và tôi phải mua thẻ đi xe hẳn hoi tuy được giảm giá nhiều, nhưng không vì thế mà các nhân viên xe buýt có quyền lên mặt với bọn tôi, trong khi họ không làm tròn nhiệm vụ phục vụ hành khách cho chu đáo, nhất là đối với ông bà già, trẻ em và phụ nữ đang bụng mang dạ chửa.

Tôi có thể nêu điển hình như các tuyến xe 32 và 29, phụ xe rất hách dịch và coi hành khách chẳng ra gì, không đậu xe đúng bến đỗ. Cụ thể như tuyến xe 32. Nhiều khi trên xe chỉ có 5-7 người, nhưng đến bến thì xe không đỗ lại để đón thêm khách, mà khách muốn xuống cũng không xuống được đúng bến. Có lần tôi cũng lên tiếng nhắc nhở nhưng tài xế liền bảo “không phải việc của mày!”. Nghe vừa bực mình mà vừa buồn, không hiểu tại sao cũng mang danh là “nhân viên nhà nước” mà sao có người chày bửa như vậy, không biết những người lãnh đạo cấp trên của họ có biết không. Tại sao lại tuyển dụng những loại người như thế vào làm nhân viên phục vụ xe buýt, một phương tiện giao thông công cộng tiếp xúc hằng ngày hằng giờ với biết bao nhân dân.

Bên cạnh những nhân viên xe buýt tệ hai như vậy, cũng còn không ít những lái xe và phụ xe chỉn chu và cần mẫn làm việc, lại có thái độ cư xử với khách vừa hòa nhã vừa tận tình. Nhân Diễn đàn này, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các anh lái xe và phụ xe các tuyến 27, 38, 07. Tôi nghĩ những điển hình tiên tiến như vậy cần được phát huy và biểu dương kịp thời.

Pham Van Huan
(DHGT)

3. Tôi đi chuyến xe buýt hôm ấy, có một hành khách cũng đã nhiều tuổi đưa cho người phụ xe 100.000 đồng để mua vé, anh ta không nhận và nặng lời bắt bẻ vì sao đi xe mà không chuẩn bị sẵn tiền lẻ và bắt phải xuống xe đổi tiền lẻ. Thế là ông hành khách bực mình to tiếng nói lại, liền bị anh phụ xe đến chỗ người lái xe rút ra một đoạn ống tuýp nước để dọa đánh và chửi bới thậm tệ người hành khách đáng tuổi cha chú mình. Trông hành động đó chẳng khác gì một thằng lưu manh, côn đồ. Mọi hành khách có mặt hôm đó đều phải ra sức can ngăn.

Tôi đã nhiều lần đi xe buýt phải chứng kiến những cảnh đối xử tàn tệ của nhân viên phục vụ xe. Có những lần về quê, đi tuyến xe 58, tôi thấy không những phụ xe đối xử với hành khách không ra gì, còn ngang nhiên không đưa vé xe cho khách mua vé.

Chuyen Le

4. Tôi là một người Mỹ, nhưng vì yêu Việt Nam cho nên đã cố gắng học tiếng Việt và tự đặt cho mình một cái tên Việt Nam. Hồi tháng 1/2008, tôi vừa sang Việt Nam chơi. Tất cả người Việt mình rất mến khách làm cho mỗi lần trở lại Việt Nam tôi rất vui. Nhưng có một câu chuyện làm tôi không vui.
 
Lần ấy, tôi mượn một chiếc mô tô của anh bạn để đi ra phố chơi, gặp một chiếc xe buýt do một người thanh niên lái. Khi tôi đang chạy bên phải xe ô tô, thì chiếc xe đó ngoặt gấp qua mặt tôi để vào bến rước khách, nếu tôi không hãm phanh kịp thì chắc là đã “toi” rồi! Sau đó, chiếc xe buýt lại từ bến rước khách ngoặt sang bên trái để đi vào luồng xe ô tô, chỉ một chút xíu nữa là tông vào chiếc xe máy của người phụ nữ đi bên trái. Nhìn thấy cảnh tượng đó, tôi hoảng quá và tự hỏi: tại sao Việt Nam mình coi thường an toàn giao thông như vậy, để cho những chiếc xe buýt kềnh càng chạy trên phố xá đông người mà còn phóng nhanh vượt ẩu như thế thì nguy hiểm quá.

Đọc Diễn đàn Dân trí, tôi thấy có trao đổi về chuyện này, cho nên cũng tham gia ý kiến với mong muốn Việt Nam mình xây dựng được nền nếp giao thông văn minh hơn để ngăn ngừa những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra như trường hợp tôi đã phản ánh.

tramtran59@yahoo.com

5. Tôi cũng thường xuyên đi xe buýt. Chuyện các bạn kể không thấm thía vào đâu so với thực tế những gì đã diễn ra, Chuyện các lái xe và phụ xe có cách hành xử vô văn hóa diễn ra như cơm bữa hằng ngày. Mà hình như các lái xe và phụ xe cậy thế ta đây là lái loại xe được ưu tiên, lại có hộ khẩu Hà Nội và là con em trong ngành, cho nên muốn làm gì thì làm. Ăn nói cộc lốc thiếu lịch sự đã đành, nhiều khi có chuyện gì không vừa lòng còn gây chuỵện chửi rủa khách, dọa đánh hành khách; thường xuyên cho xe chạy nhanh vượt ẩu, chèn ép xe khác, nhất là xe máy; khách chưa kịp lên đã cho xe chạy làm khách nháo nhào bám theo, thật không an toàn và nguy hiểm...
 
Cách điều khiển xe và thói ứng xử cửa quyền như vậy khiến cho người ta nghĩ rằng bao nhiêu thói hư tật xấu hình như đều hội tụ vào các “tay anh chị” lái xe và phụ xe buýt hay sao!? Tôi thiết nghĩ nếu như các cơ quan quản lý vận tải xe buyt không chấn chỉnh cách ứng xử cho những người làm nhiệm vụ lái xe và phụ xe thì thật đáng xấu hổ đối với truyền thống văn minh, lịch sự của người thủ đô ta.

Knowstheyself@yahoo.com

6. Sáng mồng Một Tết Âm lịch 2007, chúng tôi đi máy bay từ Huế ra Hà Nội. Ra khỏi sân bay, chúng tôi vội vàng đến bến đón xe 07 về trung tâm thành phố, vì thời gian ngày Tết vô cùng quý giá, ai cũng muốn về nhanh với gia đình. Nhưng đợi mãi, đợi mãi đến 45 phút mà không thấy xe số 07 rời bến. Có chiếc rời bến thì lao vút đi không đón khách. Một hành khách rút điện thoại gọi đường dây nóng phàn nàn, nhưng … không có gì thay đổi.

Kỳ lạ hơn, chúng tôi thấy các xe buýt của các tuyến khác nhau ở bến Nội Bài quây quần lại, lái xe phụ xe tập trung lên cùng một xe rồi đóng cửa lại. Vừa bực mình vừa tò mò, chúng tôi đến gần, nhìn vào trong xe thì hỡi ơi khi thấy các nhân viên xe buýt đang … sát phạt bên các quân bài!!!

Cả nhóm hành khách cảm thấy uất ức. Những người nhân viên an ninh sân bay lại gần tỏ vẻ thông cảm, vì dường như chuyện này đối với họ là chuyện thường ngày.

Cuối cùng chúng tôi không chờ được, phải chung tiền nhau thuê taxi về thành phố. Cô sinh viên người Trung Quốc đi cùng nói: ở Trung Quốc em chưa bao giờ gặp chuyện tương tự. Không thể tưởng tượng nổi!

Còn nhóm người Việt Nam chúng tôi thì buồn và xấu hổ trước bạn bè quốc tế.

Cho dù chúng tôi đã gặp một số lái xe và phụ xe lịch sự, nhẹ nhàng, nhưng chỉ một kỷ niệm buồn nói trên quả đã xóa sạch ấn tượng tốt đẹp ban đầu về xe buýt Hà Nội.

Đức Hiền - Hương Lan
44 Nguyễn Văn Trỗi, Hà Đông, Hà Tây

LTS Dân trí - Qua nhiều ý kiến bạn đọc phản ánh, chúng ta có cảm tưởng những chiếc xe buýt hoạt động như những chiếc xe vô chủ, không ai quản lý, không ai giám sát, lái xe và phụ xe muốn làm gì thì làm, trong khi đó ngân sách Hà Nội đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn hằng năm để bù lỗ cho hệ thống xe buýt nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại trong thành phố, giảm lưu lượng xe máy, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Mục đích tốt đẹp ban đầu đó đến nay hầu như đã bị bóp méo, do những người lái - phụ xe thiếu ý thức trách nhiệm, càng không có ý thức phục vụ nhân dân, lại có tác phong “anh chị”, nói tục chửi bậy, làm ô nhiễm bầu không khi văn minh của Thủ đô mà chúng ta đang ra sức xây dựng.

Có một điều đáng trách là tình hình hết sức đáng quan tâm đó của những người lái và phụ xe buýt không được các cơ quan quản lý phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Ai chịu trách nhiệm trong công việc này? Nếu có sự quan tâm của UBND TP Hà Nội thì chắc chắn sẽ tìm ra thủ phạm của tình trạng “xuống cấp” toàn diện của xe buýt, trong đó đáng lưu ý nhất là sự “xuống cấp” cả tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt khiến cho đông đảo hành khách phải bất bình.

Hy vọng rằng trong tương lai gần, Thủ đô của chúng ta sẽ xây dựng được những tuyến xe buýt được gắn biển “Xe buýt văn hóa” không những làm vừa lòng hành khách trong nước mà cả du khách nước ngoài mỗi khi có dịp đến thăm thủ đô thanh lịch của chúng ta.