Cần thực sự quan tâm đến quyền lợi người bệnh

(Dân trí) - Cuộc sống người dân vốn đã chật vật, khó khăn trước tình hình lạm phát, thông tin về khung giá viện phí mới sẽ được áp dụng trong thời gian tới khiến cho nhiều người, nhất là người nghèo không khỏi lo lắng.

Lo bệnh, lo tiền...

 

Để chuẩn bị cho lộ trình tăng giá viện phí, gần 1 năm trước, ngày 20/7/2010, Bộ Y tế đã thông báo về dự thảo đề án điều chỉnh tăng viện phí. Sẽ có gần 400 hạng mục dịch vụ trên tổng số 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện ở các bệnh viện nằm trong diện điều chỉnh.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong số này có: 220 dịch vụ tăng 2,5 lần, 60 dịch vụ tăng tối đa 5 lần, 70 dịch vụ tăng tối đa 7-10 lần. Một số dịch vụ có mức tăng cao, chẳng hạn như: mức giá giường nằm hiện hành ở bệnh viện hạng 1 và đặc biệt là 12.000 đồng/ngày/giường (mức tổi thiểu) và 18.000 đồng/ngày/giường (mức tối đa), mức giá đề xuất tăng gấp 10 lần lên 100.000 đồng/ngày/giường (mức tối thiểu) và 180.000 đồng/ngày/giường (mức tối đa)…  

 

Với mức đề xuất tăng cao đột biến này, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn, liệu tăng viện phí ở mức cao như vậy có tỷ lệ thuận với chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và có tạo ra gánh nặng chi phí đối với người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo, có thu nhập thấp khi họ phải bất đắc dĩ đến bệnh viện?

 

Trước những băn khoăn của người dân về mức đề xuất điều chỉnh tăng viện phí đưa ra được cho là quá cao, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân, nhất là những người nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp, Bộ Y tế cho rằng: việc điều chỉnh giá về cơ bản sẽ không làm ảnh hưởng đến khoảng 53 triệu người đã có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 62% dân số cả nước. 
 

Tuy nhiên, trên thực tế, số người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi đề án viện phí mới được áp dụng. Bởi khi giá dịch vụ y tế tăng thì với mức chi trả là 5% hoặc 20% số tiền mà nhiều người bệnh có bảo hiểm y tế phải trả cũng sẽ tăng lên theo.

 

Trong khi đó, có không ít trong số những người sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh là người nghèo, người thuộc diện cận nghèo mang bệnh nặng, vượt quá khả năng chi trả của bản thân và gia đình.

 

Chẳng hạn, chi phí giường bệnh mà mỗi bệnh nhân phải chi trả trước đây là 18.000 đồng (tối đa), nay tăng lên 180.000 đồng. Như vậy, nếu phải nằm viện 10 ngày, trước đây bệnh nhân đó chỉ phải trả 180.000 đồng, thì nay con số phải bỏ ra là 1,8 triệu đồng. Số tiền này không phải là nhỏ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp.

 

Đó là chưa tính đến các loại chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, tiền mua thuốc, chi phí ăn, ở của người nhà bệnh nhân ở xa đến trông nom, săn sóc. Đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng lại mắc bệnh hiểm nghèo thì tình hình lại càng bi đát hơn. Ví dụ như những bệnh nhân nghèo không may bị suy thận cấp hoặc suy thận mãn, phải chạy thận nhân tạo...

 
Cần thực sự quan tâm đến quyền lợi người bệnh  - 1

Tăng viện phí ở mức cao có tỷ lệ thuận với chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (nguồn ảnh: internet)
 

... vẫn lo chất lượng dịch vụ

 

Cũng theo Bộ Y tế, khung giá của các dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995, đến nay đã qua 15 năm chưa được điều chỉnh nên không phù hợp với tình hình giá cả và các chi phí thực tế để thực hiện dịch vụ hiện nay.

 

Sẽ có gần 400 hạng mục dịch vụ trên tổng số 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện ở các bệnh viện nằm trong diện điều chỉnh. Trong đó có: 220 dịch vụ tăng 2,5 lần, 60 dịch vụ tăng tối đa 5 lần, 70 dịch vụ tăng tối đa 7-10 lần. Một số dịch vụ có mức tăng cao, chẳng hạn như: mức giá giường nằm hiện hành ở bệnh viện hạng 1 và đặc biệt là 12.000 đồng/ngày/giường (mức tổi thiểu) và 18.000 đồng/ngày/giường (mức tối đa), mức giá đề xuất tăng gấp 10 lần lên 100.000 đồng/ngày/giường (mức tối thiểu) và 180.000 đồng/ngày/giường (mức tối đa)… 

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, chi phí dịch vụ mà nhiều bệnh viện áp dụng từ lâu đã không còn tuân theo bảng giá cũ. Hầu hết các bệnh viện từ tuyến huyện, tỉnh, thành phố đến trung ương đều đã “xé rào” thu mức phí khám bệnh “vào cửa” từ 30.000-50.000 đồng. Mức thu phí này chưa bao gồm chi phí phải trả các dịch vụ ở từng khâu như: xét nghiệm, chiếu, chụp... vốn đã gần như ngang bằng, thậm chí cao hơn so với mức đề xuất mà Bộ Y tế đưa ra.

 

Vấn đề là, những chi phí dịch vụ y tế mà người dân phải nộp lại chưa phải là duy nhất trong quá trình điều trị.

 

Tình trạng tham nhũng trong các bệnh viện công hiện nay đang là một vấn nạn nhức nhối với biểu hiện rõ nhất là khoản “lót tay” của bệnh nhân đối với nhân viên y tế trong bệnh viện. Những khoản tiền “bồi dưỡng” này không ai dám chắc là sẽ không còn khi đề án tăng viện phí được áp dụng.

 

Một vấn đề khác cần quan tâm là, mặc dù hầu hết các bệnh viện ở các tuyến điều trị đã “xé rào” tăng phí các dịch vụ y tế trong thời gian qua nhưng không vì thế mà chất lượng khám chữa bệnh được tăng lên theo. 
 
Trong những thời điểm bệnh viện có đông bệnh nhân, người bệnh đã trả chi phí cho một giường nằm nhưng thực tế vẫn phải chấp nhận cảnh chen chúc nằm đôi, nằm ba, thậm chí có khi người bệnh còn phải nằm vật vạ dưới sàn nhà hay ngoài hành lang của bệnh viện.
 
Thái độ phục vụ, ứng xử với bệnh nhân của một số y, bác sỹ còn chưa đúng chuẩn mực, nặng tính ban ơn và còn mang cơ chế xin – cho. Hiện tượng “phân biệt đối xử” với bệnh nhân có bảo hiểm y tế cũng không phải là cá biệt.

 

Câu hỏi đặt ra là, khi bảng dịch vụ y tế mới mà Bộ Y tế đưa ra chính thức được áp dụng vào thực tiễn thì những tồn tại, bất cập trong chất lượng khám, chữa bệnh nêu trên có được khắc phục?

 
Lộ trình phù hợp
 

Đòi hỏi về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong các bệnh viện đang là vấn đề cấp bách. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Việc điều chỉnh tăng giá viện phí so với khung giá đã ban hành cách đây 15 năm là điều cần thiết. Mặc dầu vậy, dịch vụ y tế trong các bệnh viện công lập hiện nay đều do nhà nước quản lý và bảo trợ về ngân sách.

 

Vì vậy, khi điều chỉnh tăng, cơ cấu giá cho mỗi loại dịch vụ y tế cần phải được tính toán khoa học, công khai đồng thời phải có một lộ trình tăng phù hợp để không trực tiếp ảnh hưởng đến người bệnh và gia đình họ.

 

Bên cạnh đó, với mức viện phí có hạng mục tăng cao đến cả chục lần như đề xuất, nếu không có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp không may mang bệnh nặng phải điều trị lâu dài, sẽ có nhiều bệnh nhân trong số đó không thể đủ tiền chữa bệnh ngay cả khi họ đã có tấm thẻ bảo hiểm y tế “che chở”. Và như thế, lúc đó viện phí sẽ là một gánh nặng vượt quá sức chịu đựng đối với họ. 

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Tăng viện phí là cần thiết nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt, vừa bảo đảm cho việc cân đối ngân sách khám chữa bệnh, vừa không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân không may gặp lúc ốm đau, nhất là đối với người nghèo.

 

Mặt khác, việc tăng viện phí phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như thái độ đối xử với người bệnh. Đấy là yêu cầu chính đáng của người dân và mong rằng ngành y tế quan tâm nhiều hơn khi thực hiện chủ trương tăng viện phí.