Cần Thơ: Tòa chấp nhận cả yêu cầu trái pháp luật?

Nguyên đơn đưa ra yêu cầu lãi suất cao hơn cả cho vay nặng lãi nhưng vẫn được tòa chấp nhận khiên bị đơn phải chịu một khoản nợ khổng lồ bất hợp pháp.

Cần Thơ: Tòa chấp nhận cả yêu cầu trái pháp luật? - 1
Công trường lúc đang thi công.
 
“Chết” vì liên danh

Ngày 28/12/2007, Cty Đức Thành, Cty TNHH Xây dựng – Môi trường Hoàng Long An, Cty Băng Dương ký hợp đồng liên danh số 01 để tham gia đấu thầu thi công công trình Cảng Container Quốc tế - SSA (SSA), gói thầu 1000B; Ngày 22/4/2008, 3 Cty trên ký hợp đồng với chủ đầu tư là Cty liên danh dịch vụ Container quốc tế Sài Gòn (SSIT), tổng giá trị hơn 29,5 triệu USD.

Cty Hoàng Long An thực hiện 10% giá trị gói thầu là đóng toàn bộ đất thấm, Cty Băng Dương thực hiện 20% giá trị gói thầu cung cấp 30% lượng cát san lấp còn Cty Đức Thành thực hiện 70% giá trị gói thầu. Ngày 9/11/2009, liên danh ký tiếp phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư về việc phát sinh 500.000 mét khối cát, giao cho Cty Đức Thành thực hiện. Tuy nhiên, do năng lực của Cty Băng Dương và Hoàng Long An không đủ nên Cty Đức Thành đã tìm thêm đối tác là Cty Nguyễn để thực hiện gói thầu 1000B.

Ngày 6/6/2008, Cty Đức Thành ký hợp đồng góp vốn thi công số với Cty Nguyễn. Theo đó, Cty Nguyễn góp cho Cty Đức Thành 30 tỷ và được chuyển làm 2 đợt. Cty Nguyễn có nghĩa vụ cung cấp cát và thi công san lấp 70% khối lượng gói thầu. Mặc dù cam kết như vậy nhưng mãi đến ngày 13/6/2008, Cty Nguyễn mới chuyển cho Cty Đức Thành được 2 tỷ tiền mặt. Dự án đang thi công dở, Cty Nguyễn lại không “bơm” thêm tiền buộc Cty Đức Thành phải huy động vốn làm tiếp.

Ngày 24/11/2010 gói thầu 1000B được nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi Cty Đức Thành yêu cầu đối chiếu công nợ và quyết toán (trên 130 tỷ đồng Cty Nguyễn rút từ tài khoản chung 113) nhưng Cty Nguyễn không đồng ý mà khởi kiện đòi Cty Đức Thành phải chi thêm hàng chục tỷ đồng tiền “góp vốn khống” và tính lãi suất 60%/năm.

Ngày 8/9/2011, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Trần Trí Dũng, TAND Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng góp vốn xây dựng và hợp đồng xây dựng” nội dung liên quan đến tranh chấp do nguyên đơn yêu cầu gồm: “1. Nợ tiền góp vốn đầu tư, 2. Nợ tiền cát thi công san lấp, 3. Nợ khác (nợ chi hộ và lãi do chiếm dụng vốn)”.

Trong phần “nợ tiền góp vốn”, TAND Cần Thơ đưa ra chứng cứ: Từ ngày 27/5/2008 đến hết ngày 22/7/2008 Cty Nguyễn góp cho Cty Đức Thành 23,336 tỷ đồng. Trong đó, ngày 23/12/2008 Cty Đức Thành trả vốn 15 tỷ đồng. Ngày 25/12/2008 Đức Thành trả vốn 7 tỷ đồng (tiền mặt). Vậy Cty Đức Thành còn nợ lại  Cty Nguyễn 1,336 tỷ đồng.

Theo Cty Đức Thành, Tòa án đưa ra số tiền góp vốn trên của Cty Nguyễn là dựa vào giấy xác nhận góp vốn liên danh giữa Cty Nguyễn với Cty Đức Thành  mà bên nhận vốn là Cty Đức Thành. Đáng nói, trong giấy xác nhận góp vốn lập ngày 22/7/2008 có danh mục góp vốn 9 lần với số tiền 23,336 tỷ đồng. Nhưng,  theo Cty Đức Thành thực tế đây không phải là tờ xác nhận vốn do hai bên cùng ký mà do Cty Nguyễn  “ngụy tạo” tự ý lập rồi ghép chữ ký của ông Huỳnh Minh Đức, Tổng GĐ Cty Đức Thành.

Tòa chấp nhận cả khối lượng cát khống?

Theo nhận định của Tòa, từ tháng 10 đến tháng 12/2008 Cty Nguyễn đã cung cấp cát cho Cty Đức Thành để thi công san lấp công trình cảng là hơn 543 nghìn mét khối cát, tương đương khoảng 37,8 tỷ đồng. Do thanh toán chậm theo cam kết nên Cty Đức Thành đã đồng ý trả lãi 5%/tháng. Nhưng Cty Đức Thành lại chứng minh thực tế, Cty Nguyễn chỉ cung cấp gần 151 nghìn mét khối cát tơi, đã được chủ đầu tư xác nhận. Như vậy, Cty Nguyễn đã khai khống hơn 392 nghìn mét khối. Số tiền cát thật của Cty Nguyễn chỉ có khoảng 9,1 tỷ đồng.

Trong phần tranh chấp liên quan đến khoản nợ khác giữa hai Cty,  Tòa cho rằng Cty Nguyễn nhiều lần cho Cty Đức Thành mượn tiền và chi hộ cho Cty Đức Thành, với số tiềnlà 8,790 tỷ đồng, trong đó tiền lãi là 2,667 tỷ đồng (tính 5%/tháng), tiền cho mượn và chi hộ 6,122 tỷ đồng.

Với việc tính lãi 5% tháng (tương đương 60% năm) không khác gì cho vay nặng lãi trong khi hai doanh nghiệp không có thỏa thuận về lãi suất nên yêu cầu số tiền lãi 2,667 tỷ đồng Cty Nguyễn đưa ra rõ ràng là không có cơ sở. Vì thế, việc buộc Cty Đức Thành phải trả cho Cty Nguyễn  khoản nợ trên  là thiếu căn cứ. Nhưng, TAND Cần Thơ buộc Cty Đức Thành trả cho Cty Nguyễn số tiền mà nguyên đơn yêu cầu bất hợp lý này.
 
Việc nguyên đơn đòi lãi suất “cắt cổ” đến 60% năm như trên có đúng pháp luật không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Đạo, VPLS Trí Minh về vấn đề này:
 
Thưa Luật sư, trong khi nguyên đơn đòi lãi suất quá cao còn bị đơn không chấp nhận mức lãi suất đó thì pháp luật quy định phải giải quyết như thế nào?
 
Theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự, đối với các khoản vay hoặc nợ có lãi suất thì mức lãi suất mà các bên thỏa thuận không được cao quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định. Thực tế, Tòa án cũng có thể chấp nhận mức lãi suất cao hơn mức trên nếu hai bên không có tranh chấp về lãi suất.
Trường hợp nếu có tranh chấp về lãi suất thì mức lãi suất để làm căn cứ giải quyết tranh chấp là lãi suất theo quy định của pháp luật, không quá 150% lãi suất cơ bản như nên trên.
 
Việc nguyên đơn ấn định mức lãi suất đến 60%/năm cho khoản tiền mà bị đơn còn nợ thì có phải là hành vi cho vay nặng lãi không, thưa ông?
 
Đây không phải là hành vi cho vay nặng lãi vì mức lãi suất trên chỉ là mức lãi suất mà nguyên đơn đưa ra và yêu cầu tòa án chấp nhận đề nghị của nguyên đơn. Trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu về lãi suất bất hợp lý này thì phán quyết của tòa án là trái pháp luật chứ không làm phát sinh trách nhiệm hình sự của tổ chức về hành vi cho vay nặng lãi vì luật hình sự chỉ xem xét trách nhiệm của cá nhân về hành vi này.
 
Xin cảm ơn ông!
Bình Minh (thực hiện)
 
Theo Lê Thanh
  (Pháp luật Việt Nam)