Cẩn thận với hệ lụy từ phẫu thuật kéo dài chân

Sau khi kéo dài chân, H không dám mặc váy hay quần soóc bởi chân bị sẹo do hàng đinh định vị để lại. Còn A thì sau phẫu thuật, chân trở nên yếu, thường xuyên bị đau nhức nên không đủ sức khoẻ để thi vào làm tiếp viên hàng không...

Cẩn thận với hệ lụy từ phẫu thuật kéo dài chân  - 1

Với mơ ước sở hữu đôi chân dài, nhiều cô gái tìm đến phương pháp phẫu thuật kéo dài chân. Tuy nhiên, tiềm ẩn trong phương pháp phẫu thuật này là khá nhiều nguy cơ rủi ro.

 

Mơ ước...

 

Với nguyện vọng có đủ chiều cao tiêu chuẩn là 1m58 để thi tuyển làm tiếp viên hàng không, trong khi chiều cao của bản thân chỉ 1m55, nên bạn Nguyễn Thu A (phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) đã tìm đến với phương pháp phẫu thuật kéo dài chân. Bỏ ra một số tiền khá lớn để phẫu thuật, cộng thêm ở nhà hơn nửa năm để “tĩnh dưỡng”, đến nay A đã có được chiều cao “mơ ước” bấy lâu nay của mình là 1m60.
 
Khác với A, bạn Trần Thanh H (phố Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) mặc dù đã cao 1m64, nhưng vẫn tìm đến phương pháp phẫu thuật này để muốn có đôi chân dài và chiều cao lý tưởng của một người mẫu...

 

Kéo dài chân là phương pháp phẫu thuật khó, tốn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

 

Qua tìm hiểu, đây là phương pháp phẫu thuật kéo dài cẳng chân hoặc đùi. Các bác sĩ sẽ cắt xương và gắn vào xương một bộ dụng cụ có thể làm tăng dài xương. Khi xương được kéo dãn ra với tốc độ chậm phù hợp, sẽ có sự tái tạo xương mới lấp đầy vào khoảng trống đó dần dần. Đồng thời các tế bào gân cơ, mạch máu và thần kinh cũng tạo tương xứng. Kết quả, cuối cùng là có được một cẳng chân (hoặc đùi) mới dài hơn với đầy đủ các cấu trúc cũng như chức năng như bình thường.

 

Với chi phí từ 20 - 30 triệu đồng cho một ca phẫu thuật ở VN, hoặc hàng chục nghìn USD nếu phẫu thuật ở nước ngoài, đổi lại sau khi phẫu thuật thì chiều cao sẽ tăng từ 7 - 10cm (đối với xương đùi), với cẳng chân thì sẽ dài thêm từ 5 - 7cm. Ngoài ra, cũng tùy vào từng người bác sĩ sẽ cho lời khuyên kéo dài thêm bao nhiêu là vừa đủ, miễn sao là đảm bảo được yếu tố “chân dài” và không đau đớn. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật người bệnh phải nằm cố định trong thời gian khá dài, thậm chí là vài tháng để chân được định hình, gây nhiều khó khăn, vất vả trong sinh hoạt.

 

Hậu quả khôn lường

 

Sau khi kéo dài chân, H không dám mặc váy hay quần soóc bởi chân bị sẹo do hàng đinh định vị để lại ở chân; còn A thì sau phẫu thuật chân trở nên yếu, thường xuyên bị đau nhức, nhất là vào những ngày trở trời, nên không đủ sức khoẻ để thi vào làm tiếp viên hàng không...

 

Theo các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật kéo dài chân là một trong số những loại hình phẫu thuật thẩm mỹ khá phức tạp và tốn kém, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người.

 

Cụ thể, ngay sau mổ có thể xảy ra triệu chứng tụ máu trong bắp chân gây đau nhức, căng cứng bắp chân. Nếu để trễ có thể làm hoại tử chi do thiếu máu, hay có thể bị viêm chân đinh (thiết bị được gắn vào chân để kéo dài) gây đau nhức - mà ở đây nguyên nhân thường là do thay băng không đúng kỹ thuật như việc rửa chân đinh bằng ôxy già, cồn gây hoại tử tế bào sống quanh chân đinh. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc kiểm tra xem cơ thể có bị dị ứng với thuốc hay không, bởi nếu dị ứng với kháng sinh, thuốc giảm đau... có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

 

Trong quá trình kéo dãn xương, người bệnh tăng chỉnh khung định vị chân quá nhanh, quá dài cũng có thể dẫn tới hiện tượng hoại tử chi. Biến chứng nguy hiểm là bệnh nhân tự ý tăng nhanh tốc độ căng dãn xương, khiến thần kinh và mạch máu không theo kịp hoặc căng dãn quá mức cơ thể chịu đựng được, khiến người bệnh sẽ bị liệt bàn chân, co rút gân cơ, trật khớp.

 

Theo lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa, nếu muốn phẫu thuật kéo dài chân thì người bệnh cần tìm đến những cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa có thể tiến hành phẫu thuật; đồng thời cần tìm hiểu xem mình có phù hợp với kéo dài chân hay không.

 

Theo Phi Long
Báo Lao động