Cần tạo ra bước đột phá lập lại trật tự giao thông

(Dân trí) - Đã từng xảy ra trường hợp, một số phương tiện truyền thông cũng như nhiều người đi xe máy không đồng tình với việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, nhưng qua thời gian chứng minh, việc đội mũ bảo hiểm là đúng. Xã hội đã đồng tình, dù chẳng thấy ai khen!

 

Không phải ai cũng có đủ khả năng thấy hết được những rủi ro tiềm ẩn cho mình và cho người khác, thường thì chỉ thấy cái lợi cục bộ trước mắt. Lịch sử đã từng chứng minh, số đông chưa chắc đã đúng.
 

Chúng ta đều biết ý tưởng mang tính đột phá thường là những ý tưởng có tính thay đổi triệt để hoặc tạo sự tích cực một việc mà trước đó ít ai nghĩ tới, hoặc nghĩ tới nhưng không dám làm. Nên ý tưởng đột phá thường tạo sự e dè, nghi kỵ. Và khi ý tưởng không đạt được như mong muốn, thì rất dễ biến thành mảnh đất màu mỡ cho lòng đố kỵ và sự xuyên tạc. Nhưng hãy coi đó như một bài học lớn góp sức cho sự thành công sau này. Vì thường ranh giới giữa thành công mang tính đột phá và vực thẳm của thất bại chỉ là một lằn ranh rất mỏng manh. Nếu thấy quyết định có lợi cho cộng đồng, thì người lãnh đạo cần quyết đoán và dám chịu trách nhiệm, không để bị tác động bởi một số ý kiến cục bộ, phải chấp

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

nhận đối đầu với thách thức, trở lực, mới tạo được cho xã hội những chuyển biến tích cực và có lợi.

Vừa qua, Bộ GTVT đã có những giải pháp mang tính cấp bách và quyết đoán trong giải quyết vấn nạn giao thông. Thiết nghĩ đây là những ý kiến đáng trân trọng vì nó phù hợp với những thành phố lớn, đang thường xuyên xảy ra nạn kẹt xe, có tính cấp bách và giải quyết trước mắt những vướng mắc cục bộ về giao thông, đường sá. Chúng ta đừng vì lợi ích cục bộ, những thiệt thòi riêng lẻ mà quên đi lợi ích chung của xã hội. (Có thể giải pháp trên chưa phải là bài toán tối ưu, nhưng nó giải quyết được tình trạng cấp bách trước mắt. Về lâu dài sẽ cùng nhau đóng góp, để có những giải pháp tốt hơn, khi đường sá được phát triển đồng bộ).

"Thống kê của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, 6 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 23.065 vụ tai nạn, làm chết 5.662 người, bị thương 25.662 người. Tính riêng từ 1 – 30/6, trên địa bàn cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ TNGT đường bộ, làm chết 890 người, bị thương 778 người." (LĐ 20.7.2011)

Một máy bay rơi, cả thế giới bàng hoàng, tai nạn hầm mỏ làm một vài chục người thiệt mạng, cả thế giới chú ý, xúc động. Thử nhẩm tính một máy bay có sức chở trung bình 200 người, thì chỉ riêng trong tháng 6/2011 nước ta đã rơi trên tám máy bay, làm chết và bị thương trên 1.600 người. Ấy vậy mà chưa thấy một tình trạng khẩn cấp nào được ban bố, chưa có một động thái tích cực nào nhằm giải quyết tình trạng này.

Mới đây Bộ GTVT đã có những quyết định nhằm giảm bớt tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông, đó là một việc làm cần thiết và cấp bách. Đây là sự đánh động bước đầu, tạo sự chú ý, quan tâm của cộng đồng, nhằm cùng nhau góp phần tích cực trong ý thức chấp hành tốt luật lệ giao thông.

Nhưng để giảm nạn kẹt xe và tình trạng vi phạm luật giao thông, cũng cần xem lại các vấn đề sau:

1/ Kiểm tra và bổ sung qui trình dạy và cấp bằng lái xe hai bánh và bốn bánh. Hiện nay còn nhiều bất cập và sơ hở. Nên loại bỏ hẳn nơi tổ chức lấy bằng lái xe chỉ vì lợi nhuận, gian lận. Vì lái xe là một hoạt động có tác động trực tiếp đến sự an nguy của bản than người lái và xã hội.

2/ Phạt nặng lỗi vi phạm giao thông. CSGT nên thường xuyên di chuyển, thấy vi phạm là thổi phạt, không nên lập trạm để phạt. Chỉ lập trạm khi giao thông bị ùn tắc, như thế mới tạo được tính răn đe tâm lý. Ai cũng biết hiện nay không ít người chỉ đi đúng luật khi có trạm cảnh sát.

3/ Ngành CSGT nên triệt để khắc phục nạn nhũng nhiễu, hối lộ, hình thành ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông trong cộng đồng, loại bỏ tâm lý ỷ lại vào tiền lót tay là được tha. Vòi vĩnh, nhận hối lộ là một vấn nạn có thực đang còn tồn tại rải rác trong lực lượng CSGT, do đó chúng ta không nên chối bỏ và né tránh nó, phải đối diện thực tế, có như thế mới có thể phân tích, nhận dạng để có phương án hạn chế, loại bỏ, tạo niềm tin cho xã hội.
4/ Tín hiệu giao thông phải đồng nhất và chuẩn mực. Tại các trụ tín hiệu đèn, người điều tiết giao thông chỉ phát tín hiệu còi khi có người phạm luật, hoặc cần can thiệp để điều tiết lưu lượng hoặc khi đèn tín hiệu bị tắt. Không nên phát tín hiệu còi khi tín hiệu đèn giao thông hoạt động tốt. Hơn nữa tín hiệu còi không cần thiết sẽ tạo nên tâm lý ỷ lại, khi không nghe tiếng còi, người tham gia giao thông có tâm lí “thoải mái” lấn tuyến hoặc vượt đèn đỏ (vì biết không có CSGT).

5/ Các xe không được thay đổi thiết kế, nhất là còi xe. Đã có nhiều tai nạn xảy ra do dùng còi hơi. Ngoài ra, một số xe buýt gắn còi không phù hợp, dễ gây giật mình, căng thẳng cho người đi đường. Nhất là tiếng còi để quẹo trái phải và để chạy lùi, tần số và tần suất của tiếng còi này không thân thiện với môi trường, người nghe dễ bị căng thẳng. Mà quẹo hoặc chạy lùi đã có tín hiệu đèn của xe, sao lại phải dùng còi?

Chúng ta điều biết, ý thức có được nhờ vào quá trình giáo dục và rèn luyện. Hiện nay ý thức chấp hành luật lệ giao thông ở nước ta quá kém, còn cần được giáo dục, nhắc nhở và rèn luyện thường xuyên mới có thể trở thành ý thức tự giác trong mỗi con người, trong đó rất cần sự chuẩn mực của luật lệ và cần lắm sự chuẩn mực của người thi hành nó.Và trong tình trạng giao thông ở các thành phố lớn như hiện nay, thì việc "thay đổi giờ học, giờ làm" cũng là biện pháp cần thiết và hãy xem đó như là một phép thử (có thể chưa phải là tối ưu), nhưng để từ đó có những quyết định tốt hơn.

Nguyễn Đình Đầy
Tp Hồ Chí Minh

LTS Dân trí - Tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố cũng như tai nạn giao thông xảy ra khá phổ biến ở nước ta quả thật là một vấn nạn xã hội cần sớm khắc phục.

 Gần đây, Bộ trưởng GTVT tỏ rõ có quyết tâm cao và đã đưa ra những biện pháp kiên quyết nhằm đẩy lùi tình trạng này. Tuy nhiên, đấy mới là những biện pháp bước đầu và hơn nữa, còn cần sự đồng tâm hiệp lực của các ngành, các cấp có liên quan, nhất là sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân.

Với ý thức trách nhiệm công dân, tác giả bài viết trên đây để xuất những giải pháp có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần giải quyết vấn nạn giao thông. Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm lưu ý những ý kiến đóng góp của người dân để tổng hợp thành những biện pháp có tính tổng thể nhằm sớm lập lại trật tư và an toàn giao thông ở nước ta.