Bạn đọc viết:

Cần mở chuyên đề về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

(Dân trí) - Thực tế hiện nay nhiều người có tâm huyết với ngành GD&ĐT, đặc biệt là những giáo sư, nhà khoa học, nhà giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục đã nghỉ hưu.

Cần mở chuyên đề về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Theo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, mục 3, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có đoạn:

“Xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; quy định chặt chẽ các điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài, đào tạo từ xa, đào tạo tại chức để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục đại học vi phạm điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, không để gây quá tải và áp lực cho học sinh cấp cơ sở.”

Nghị quyết thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, đồng thời  cũng là nguyện vọng chung của toàn Đảng, toàn dân với ngành giáo dục và đào tạo.

Để đạt được những mục tiêu trên, không phải là công việc dành riêng cho ngành GD&ĐT, mà cần có sự góp sức của các ngành, các cấp, mọi công dân trong cả nước.

Thực tế hiện nay nhiều người có tâm huyết với ngành GD&ĐT, đặc biệt là những giáo sư, nhà khoa học, nhà giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục đã nghỉ hưu, muốn đem những kinh nghiệm đúc rút được trong suốt quá trình công tác, nay nghỉ ngơi có thời gian để tập hợp lại, muốn đóng góp giúp cho Bộ GD&ĐT. Đây là kênh thông tin quan trọng, cho lãnh đạo, chuyên viên Bộ GD&ĐT. Người xưa có câu: “Ba ông thợ già bằng một Gia Cát Lượng”.

Đề nghị Bộ GD&ĐT có thể mở chuyên đề hoặc cuộc thi về “Giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT” trên các báo lớn để mọi người được tham gia đóng góp những ý kiến, sau đó Bộ GD&ĐT tổng hợp những giải pháp hay có thể khả thi.

Như vậy vừa phát huy cao độ tính dân chủ, công khai, vừa tổng hợp được nhiều kinh nghiệm quý báu, kết hợp với phương pháp hiện đại, lựa chọn các giải pháp tốt nhất. Đó chính là công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết trên của Quốc hội.

                                                                                Nguyễn Trọng Bân
(Nam Sách, Hải Dương)