Cần loại bỏ cái ác ra khỏi cộng đồng!

Gần đây, dư luận xôn xao, nhức nhối về việc một phụ nữ đứng tuổi đi mót cà phê bị người quản lý của trang trại này xua đàn chó dữ cắn chết, mặc dù nạn nhân đã cầu xin khẩn thiết.

Cái chết thương tâm của người phụ nữ khốn khổ đó diễn ra ngay trước mắt những người cùng đi mót cà phê nhưng đành phải khoanh tay vì phải vội trèo lên cây cao để tránh đàn chó béc giê đang lồng lộn tìm người để cắn xé.

Chiều ngày 21/1/2010, bà Phạm Thị Ngắn và một số người phụ nữ vào trang trại của Cty TNHH Trường Ngọc thuộc buôn H’drát và buôn Huê, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột để mót cà phê thì bị một con chó béc-giê quật ngã. Lúc đó, người quản lý trang trại là ông Nguyễn Đình Sơn đi đến, mặc dù bà Ngắn và những người khác đã khẩn khoản cầu xin nhưng ông Sơn chỉ lạnh lùng nói: “Cho cắn chết. Ai nhủ vào?” rồi bỏ đi. Ngay sau đó, xuất hiện thêm 5 con chó cùng lao vào cắn xé bà Ngắn. 25 phút sau, khi bà Ngắn đã chết, ông Sơn mới trở lại huýt sáo gọi đàn chó về.

Sự việc đã gây công phẫn sâu sắc trong dư luận vì tính chất vô cảm, phi nhân tính trong hành động của ông Nguyễn Đình Sơn. Ông ta tự cho mình cái quyền coi mạng người như cỏ rác. Việc ông ta quản lý đàn chó và xua đàn chó cắn chết người là hành vi giết người, với tính chất tàn ác, man rợ hiếm có. Dư luận bàng hoàng đặt câu hỏi, liệu ông Sơn có phải là con người nữa không? Và tại sao trong xã hội ngày nay vẫn tồn tại những kẻ không còn mảy may tình người và lương tri như vậy? Pháp luật cần trừng trị nghiêm khắc những hành vi tàn ác để lọai bỏ cái ác ra khỏi cộng đồng.

Dư luận càng bức xúc hơn khi được biết đây không phải là lần đầu tiên đàn cho dữ của Cty TNHH Trường Ngọc cắn xé người. Đàn chó này là nỗi khiếp đảm của người dân địa phương. Một năm trước, đàn chó này đã tấn công bà Võ Thị Cúc ở tổ 6, buôn Huê khi mẹ con bà vào mót cà phê rơi vãi. Bà Cúc phải khâu đến 25 mũi, điều trị một tuần tại BVĐK tỉnh Đắk Lắk. Khi ông tổ trưởng dân phố đến đề nghị người chủ đàn cho là ông Phạm Ngọc Thành giúp đỡ bà Cúc ít tiền thuốc men, đã bị ông Thành đuổi về và doạ suỵt chó cắn.

Vì vậy, đã có ý kiến cho rằng bên cạnh việc xử lý, trừng phạt những cá nhân liên quan, cần tiêu diệt đàn chó này để ngăn chặn chúng tiếp tục gây tai hoạ. Chúng tôi cho rằng ý kiến này là có cơ sở bởi vì đàn cho này đã được huấn luyện để tấn công người, thậm chí giết người. Việc huấn luyện chó nghiệp vụ cần công phu, kĩ lưỡng. Ngay cả chó nghiệp vụ của các lực lượng vũ trang cũng chỉ được huấn luyện kĩ năng khống chế tội phạm, không bao giờ được huấn luyện với mục đích tấn công, giết người. Chó nghiệp vụ một khi đã được “lập trình” nhiệm vụ tấn công người thì sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, cần phải tiêu diệt để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.     

Đám vệ sỹ của ông Phạm Ngọc Thành cũng là những kẻ “đầu trâu mặt ngựa” hung hãn. Ngày 21/3/2009, chỉ vì vô tình đi lạc vào trang trại Trường Ngọc, ông Nguyễn Văn Thọ và cháu là anh Nguyễn Huy Hoàng đã bị nhiều vệ sỹ của công ty này bắt, tra tấn dã man. Đến nay, ông Thọ đang phải sống đời sống thực vật, còn anh Hoàng cũng bị thương tích vĩnh viễn 10%. Ngày 29/12/2009, TAND thành phố Buôn Ma Thuột đã tuyên phạt 6 công nhân, vệ sỹ tham gia vụ hành hung tổng cộng 37 năm 6 tháng tù.       

Sự việc cho thấy cần cảnh giác với các loại tội phạm, với cái ác trong xã hội. Bên cạnh niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, vào “tính bản thiện” của con người, chúng ta không được lơi lỏng ý thức đề phòng với phần đen tối của xã hội và trong con người, và cần hành động tích cực để đấu tranh loại bỏ cái ác vì một xã hội văn minh.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trồng lúa khó khăn, nhưng cỏ dại không cần ai vun xới vẫn lan tràn. Một thực tế là để nuôi dưỡng, vun trồng cái tốt đẹp, tích cực rất khó khăn nhưng cái ác, cái tiêu cực lại rất dễ lan tràn, bành trướng. Bác Hồ đã từng viết: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu” (Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản thủ đô, ngày 5/9/1954).

Nếu như từ sự việc của bà Võ Thị Cúc bị chó tấn công gây thương tích nặng mà các cơ quan bảo vệ pháp luật nghiêm khắc, quyết liệt vào cuộc thì chắc chắn ông Thành không dám lộng hành, dẫn đến cái chết thương tâm của bà Ngắn.   

Hiện nay, trong thời sôi động của kinh tế thị trường, nhiều người đã giàu lên một cách nhanh chóng, có trong tay một tài sản khổng lồ. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng nới rộng. Một số người đã thuê vệ sỹ, nuôi chó dữ…để bảo vệ bản thân và tài sản. Đành rằng đó là quyền của họ, nhưng không được phép dùng vệ sĩ hay đàn chó dữ để tấn công tàn bạo dân lành. Xã hội ta luôn có chủ, có các lực lượng bảo vệ pháp luật để nghiêm trị những kẻ ỷ vào sự giàu có, trong tay có vệ sĩ và đàn chó dữ mà “coi trời bằng vung!”

Trong xã hội ta ngày nay, có những kẻ trọc phú chơi ngông thuê vệ sỹ, nuôi chó nghiệp vụ…để chứng tỏ “đẳng cấp đại gia” hơn là vì nhu cầu an toàn. Người xưa có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng phú quý sinh ra sự… ngông cuồng và tội ác cũng không hiếm.   

  Điều đáng nói là có những người giàu có tự coi mình là cao sang, coi thường nhân phẩm, tính mạng của người khác, cho rằng đồng tiền có thể làm được tất cả.

Đã có không ít ý kiến phàn nàn về cách ứng xử thiếu văn hoá của một số vệ sỹ của một số cá nhân. Những người này cậy có sức mạnh, chỉ nghe lệnh chủ là sẵn sàng đối xử thô bạo với người khác. Như vậy, đồng tiền có thể biến con người thành cái máy chỉ biết răm rắp tuân lệnh, bất chấp pháp luật, nhân tính. Thậm chí có người còn đe doạ người khác: “Tao giết mày rồi đền vài chục triệu là xong”.

Quan niệm sùng bái đồng tiền sẽ dẫn xã hội đến rối ren, tai hoạ. Người ta sẽ bất chấp tất cả để có tiền, và dùng đồng tiền để thực hiện những mục đích của mình. Những giá trị nhân văn cao quý như trí tuệ, nhân ái sẽ bị rẻ rúng, niềm tin của người dân vào công lý, chính nghĩa sẽ lung lay. Công bằng xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật không được bảo đảm sẽ tạo điều kiện cho những tổ chức mang tính chất xã hội đen xuất hiện. Nếu pháp luật không mạnh tay trấn áp sẽ tạo nên những tiền lệ nguy hiểm.   

Hiện nay, xu hướng “thương mại hoá”, thực chất là vụ lợi, vì tiền đã rất phổ biến, ngay cả trong các lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, y tế, phương hại mục đích tốt đẹp của các lĩnh vực đó. Một số người đã nhầm lẫn, hoặc lợi dụng hoàn cảnh để đánh tráo giữa mục đích và phương tiện của xu hướng “thương mại hoá” trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội. Vì vậy người nghèo càng lép vế, thiệt thòi.

Xã hội cần đấu tranh mạnh mẽ với quan niệm sùng bái đồng tiền và những mặt trái của cơ chế thị trường hiện nay. Cần phát huy truyền thống nhân ái, thân thiện, trọng nghĩa khinh tài của dân tộc, là những phẩm chất tạo nên nền tảng của nhân cách con người dù ở thời đại nào.   

   

Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Bản chất tốt đẹp của xã hội ta không cho phép dung thứ những hành động manh tâm ác độc như việc xua đàn chó giữ béc giê cắn chết người phụ nữ nghèo khổ phải đi mót cà phê! Người quản lý có hành động tàn bạo này có được sự chỉ đạo của người chủ trang trại cà phê này hay sự chỉ đạo của ông giám đốc công ty TNHH Trường Ngọc? Dùng vệ sĩ và chó dữ để chấn áp dân lành đã diễn ra nhiều lần ở địa bàn này đã chứng tỏ chủ trương chỉ đạo nhất quán của những người chủ ở đây.

Bảo vệ quyền sống, trước hết là quyền an toàn thân thể và an toàn tính mạng của mọi dân lành là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp chính quyền cũng như của các cơ quan pháp luật trên đất nước chúng ta.

Chúng tôi mong rằng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở đây sớm cho điều tra và đưa vụ cố ý giết người tàn bạo nói trên để xét xử nghiêm minh đúng người đúng tội.