Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Có thể nhận thấy, tình trạng xe dù bến cóc không chỉ xuất hiện trong những dịp trước và sau tết nguyên đán mà hiện tượng bất cập này còn diễn ra ở nhiều thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, vào những khoảng thời gian trước và sau tết nguyên đán, lợi dụng nhu cầu giao thông của người dân gia tăng, bất chấp những quy định của pháp luật, hoạt động của các bến cóc, xe dù bùng phát mạnh do sức hút của nguồn lợi bất chính thu được.
Theo tính toán, với việc nhồi nhét khách vượt quá quy định, nhà xe có thể trục lợi cao hơn trung bình từ 30 – 40% so với ngày thường. Một nguyên nhân khác khiến cho nạn xe dù, bến cóc bùng phát mạnh dịp cao điểm là thói quen bắt xe ngoài đường của không ít hành khách. Tâm lý muốn đi nhanh cho được việc khiến nhiều người ngại vào bến mua vé. Có cầu ắt có cung, xe dù, bến cóc lại được dịp hoành hành. Và như vậy, vô hình trung chính hành khách đã tự làm khổ mình.
Nghị định 34/2010 NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/5/2010 có quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô chở khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ, phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đối với một trong các hành vi vi phạm: đón, trả khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định là nơi đón, trả khách; đón, trả khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, nơi đường cong, tầm nhìn bị che khuất. Hình phạt bổ sung là tạm giữ giấy tờ 30 ngày.
Chế tài xử lý trên đã nghiêm hơn so với trước đây, nhưng theo nhiều người thì vẫn chưa đủ sức răn đe. Nhiều chủ xe chỉ cần nộp phạt là lại có thể tiếp tục cho xe chạy và tình trạng xe dù, bến cóc lại tiếp diễn. Cũng theo nghị định 34, thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm luật lệ an toàn giao thông đã rộng hơn với nhiều lực lượng tham gia xử phạt như: cảnh sát giao thông đường bộ, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, thanh tra đường bộ, trưởng công an các cấp, chủ tịch UBND các cấp. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn chỉ có lực lượng cảnh sát giáo thông thường xuyên xử lý các xe dù. Một số xe dù còn tìm cách “lách” luật, chẳng hạn, biết công an phường thường chỉ xử lý những trường hợp đậu xe, chèo kéo khách nên nhiều lái xe đã cho xe chạy rà rà để đón khách.
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “xe dù”, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường. Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức đối với các chủ xe, lái xe trong hoạt động vận tải, cần xử lý nghiêm đối với các hành vi chèo kéo, đón trả khách không đúng quy định, tiến hành bấm lỗ trên bằng lái đối với những lái xe vi phạm.
Có thể đưa ra những chế tài xử lý mạnh hơn như: nếu vi phạm từ lần thứ 2 thì kiên quyết tạm giữ phương tiện, tăng mức phạt hành chính cho mỗi lần vi phạm. Biện pháp “đánh” mạnh vào kinh tế của chủ các “xe dù” có thể là “liều thuốc” hữu hiệu để chấm dứt nạn xe dù, bến cóc. Đối với mỗi hành khách thì việc tạo cho mình thói quen vào bến mua vé trước khi lên xe là cách để tự bảo vệ quyền lợi cho mình, đồng thời góp phần thể hiện văn hóa giao thông.
Bùi Minh Tuấn
(Nghệ An)
LTS Dân trí - Từ dịp tết đến nay, đúng là tình trạng “xe dù, bến cóc” trở nên phổ biến hơn trước nhiều. Điều đó làm mất an toàn trật tự giao thông, đồng thời làm mất mỹ quan các đô thị, nhất là những thành phố lớn.
Bài viết trên đây phản ánh đúng tình hình thực tế và kiến nghị những biện pháp khắc phục. Mong rằng các cơ quan chức năng cũng như mọi người tham gia giao thông đều nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, góp phần tích cực xây dựng nền nếp văn hóa giao thông cũng như văn minh đô thị. Đối với những trường hợp vi phạm, cần xử lý thật nghiêm để làm gương. Nếu tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý, chắc chắn sẽ chấm dứt được tình trạng “xe dù, bến cóc”.