Người lao động Việt Nam từ Libya trở về:
Cần lắm những điểm tựa hỗ trợ
(Dân trí) - Những chuyến bay đưa lao động VN đầu tiên từ Libya về tới sân bay Nội Bài ngày 26/2 làm dịu bớt nỗi lo cháy ruột của bao người. Trở về an toàn từ nơi hiểm nguy, cuộc sống tương lai họ vẫn cần lắm những điểm tựa hỗ trợ tinh thần và vật chất.
Ngay từ khi làn sóng biểu tình dấy lên dẫn tới bạo động bùng phát tại Libya, nhiều ý kiến của các độc giả, nhất là của những người có thân nhân hoặc bản thân từng đi xuất khẩu tại những nơi cũng có biến động xã hội tương tự, gửi tới bày tỏ quan ngại về hơn 10 ngàn lao động VN chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại đất nước Bắc Phi xa xôi đang trong cơn địa chấn chính trị này.
Câu hỏi được nêu ra nhiều nhất là VN đã có phương án gì chuẩn bị cho tình thế xấu nhất tại Libya, dẫn tới làn sóng cả người bản địa và nước ngoài ồ ạt sơ tán khỏi Libya.
Những ai từng có kinh nghiệm “sơ tán” càng nóng lòng sốt ruột hơn. Xuan Yen: phuomgyen2004@gmail.com bày tỏ:
"Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" - nhân cách sống của người VN là như vậy đó. Tôi đã sống và làm viêc ở Iraq thập kỷ 90 và cũng đã phải '"bỏ của chạy lấy người" như các bạn ở Lybia bây giờ. Bản thân nóng lòng. Thân nhân lo lắng. Nên tôi mong Chính phủ VN và các bộ ngành có liên quan tạo mọi điều kiện cho phép để đưa người lao động VN ra khỏi đất nước Lybia đang có nguy cơ nội chiến, để họ được đoàn tụ cùng gia đình. "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".
Trần Phú: tranphu_trahud@yahoo.com.vn chia sẻ:
Tình cảnh của anh em lao động VN tại Lybia khiến tôi nhớ lại thảm cảnh của tôi (cũng là lao động VN) ở Iraq năm 1991 trong chiến tranh vùng Vịnh. Kinh hoàng và cực khổ. Phiêu dạt sang tận Thổ Nhĩ Kỳ trong đói khát và hiểm nguy . Rồi tôi được Hội Chữ thập Đỏ quốc tế cứu sống và làm thủ tục về VN. Thương anh em VN mình quá.
Hơn ai hết, nỗi bồn chồn, khắc khoải thể hiện rõ qua những lời nhắn gửi từ quê nhà, từ người thân, bạn bè của những lao động phải vất vả xa gia đình, xa đất nước mưu sinh. Lời nguyện cầu chung trước hết là tất cả đều sớm an toàn trở về sum họp với gia đình.
Tôi vừa gọi cho bạn ở bên Libya, tình hình thì như báo đài đưa tin - hết sức rối ren. Tôi hỏi bạn tôi lúc nào về, thì cậu ấy trả lời là không biết được. Tôi hỏi hiện tại ở đâu thì nghe nói: vẫn ở trong công ty, công ty nuôi ăn ở và có thuê bảo vệ gác ngoài cổng, còn công nhân tuyệt đối không được đi ra ngoài. Bây giờ chỉ biết nằm chờ đợi nhà nước tìm cách đưa về chứ ra đường cũng không dám ra... (Gia Huy: hankhucman@yahoo.com).
Cầu mong cho 2 người anh của tôi giờ được bình an. Mong các nhà chức trách tiếp tục hỗ trợ vì nhiều người còn mắc kẹt không ra ngoài được, 2 anh của tôi cũng đang mắc kẹt không thể ra ngoài để sơ tán được. (Hoang Bien: biênkt@gmail.com).
Mình cũng hy vọng toàn bộ công dân của VN được sớm về nước an toàn. Mình cũng có người thân đang ở thành phố Xaboha. Hiện có khoảng 100 người Việt đang ở đó và cuộc sống ở đó giờ rất khó khăn. Họ chẳng biết làm gì và làm cách nào để về nước. Mong các nhà chức trách VN sớm có biện pháp để đưa các công nhân VN về nước an toàn. (Bui Van Hoan: vanhoan6362@gmail.com).
Và những thông điệp kết nối cũng đã được đưa ra:
Khẩn cấp, khẩn cấp! Liên hệ giúp đỡ người thân đang lao động tại Libya. Chúng tôi là những người có người thân hiện đang lao động tại Libya. Để có thể hỗ trợ đưa người thân chúng ta về nước nhanh chóng, an toàn, chúng tôi đề nghị những ai cũng có người thân lao động tại Libya hãy gọi ngay cho chúng tôi thông báo về tình hình và số điện thoại người thân tại Libya, để chúng tôi chuyển tới cơ quan chức năng Nhà nước hỗ trợ cho việc đưa người lao động Việt Nam tại Libya về nước. Điện thoại liên hệ:
A Tuấn : 0904617958
A Tùng : 0983128150
A Ngọc: 0947751767
Thư điện tử: laodong_libya@yahoo.com
Bạn hãy gửi tin nhắn này cho tất cả người thân và bạn bè mình để cùng nhau giúp đỡ người lao động VN tại Libya (Nguyen Thi Thanh: laodong_libya@yahoo.com)
Số người “ngoài cuộc” cũng bày tỏ mong muốn “nỗi buồn sẻ nửa”:
Thật tội cho những người lao động VN xa xứ gặp phải hoàn cảnh này. Mong Đảng và Nhà nước có biện pháp phù hợp để những người lao động này có thể đoàn tụ với gia đình. Đọc bài báo này, tuy không có người nhà làm lao động xa quê, nhưng mà thấy cảm động rớm nước mắt, thương lắm những đồng bào nghèo… (Candy: nhungnguyen688@gmail.com).
Tôi từng sinh sống tại LB Nga. Dù không ở Libya nhưng cái cảm giác mà bị lỡ chuyến bay như vậy thật là lo lắng. (Long Nguyễn: long_congtu90@yahoo.com).
Và niềm vui đã đem những nụ cười trở lại trước những thông tin dồn dập về các nỗ lực của Đảng, Chính phủ và các bên hữu quan quyết tâm đưa toàn bộ hơn 10 ngàn lao động VN từ Libya trở về an toàn:
Có vậy chứ, điều máy bay đến đón người lao động về là thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người con xa quê hương. Chúc mọi người trở về an toàn.
(TTVD: lykienbac@gmail.com).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thật tuyệt vời, ông quan tâm sâu sắc và thiết thực đến đời sống người dân. Cảm ơn Vietnam Airlines...
Cũng có không ít lo lắng về những biện pháp giúp ổn định cuộc sống tương lai cho các lao động phải chịu cảnh “giữa đường đứt gánh”. Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã thông báo, các lao động từ Libya về nước sẽ được Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ ban đầu một triệu đồng. Nhưng trong tình hình giá cả gia tăng hiện nay, gánh nặng khó khăn rõ ràng sẽ càng chồng chất với cả những người trở về và gia đình họ. Bên cạnh mong muốn các bên hữu quan sẽ có những biện pháp bảo đảm mọi quyền lợi chính đáng cho người lao động sau này, có những đề xuất cần thêm hỗ trợ cụ thể:
Từ chính kinh nghiệm của bản thân, tôi cũng hiểu những người VN nhất là khi đi ra nước ngoài, cảm thấy cần thiết đến thế nào những điểm tựa. Thậm chí an ủi về tinh thần nhiều khi còn quý hơn là giúp đỡ về vật chất. Như đang cô đơn, nhớ nhà, bất chợt nghe được tiếng Việt giữa đám đông xa lạ. Càng quý hơn nữa là những lời thăm hỏi, bày tỏ quan tâm chân thành cùng niềm tin, sự cảm thông và tấm lòng rộng mở sẵn sàng chia sẻ khó khăn giữa những người đồng xứ “trước lạ sau quen”.
Khánh Tùng