Hải Dương:

Cần khởi tố vụ án đối với vụ cài mìn kích nổ tại đám cưới

(Dân trí) - Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ việc cài mìn, kích nổ làm 1 người chết, 1 người bị thương nặng khi tham dự đám cưới xảy ra vào ngày 20/4/2013 tại thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Chiếc xe máy của Vũ Thị Thúy bị nổ tan hết phần đuôi xe.
Chiếc xe máy của Vũ Thị Thúy bị nổ tan hết phần đuôi xe.
 
Theo Công an Hải Dương cho biết, nghi phạm gây ra vụ nổ là Vũ Thị Thúy (SN 1987) ở thôn Viêm Khê, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Bước đầu Công an tỉnh Hải Dương khẳng định  tiếng nổ phát ra từ phần  đuôi xe của Thúy. Khối lượng thuốc nổ bao nhiêu? Loại gì? Cơ chế kích nổ ra sao, đang phải chờ cơ quan giám định khoa học hình sự của Bộ Công an vào cuộc. Do nghi phạm đã tử vong nên cơ quan công an không khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trước diễn biến nêu trên của sự việc PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư TP. Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý.

Thưa ông! Theo dõi diễn biến của vụ việc đã nêu trên trong những ngày vừa qua ông có nhận xét gì?

Những ngày vừa qua, theo dõi các thông tin được báo chí phản ánh về vụ việc, tôi cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm tới vụ việc đều cảm thấy bàng hoàng và xót xa cho một bi kịch không đáng xảy ra. Xuất phát từ  sự nông cạn trong suy nghĩ, Vũ Thị Thúy đã gây ra một hậu quả hết sức nghiêm trọng, để lại một nỗi đau thương, mất mát rất lớn cho chính gia đình nhà mình cũng nhưng những nạn nhân xấu số. Hành động nông cạn trên của Vũ Thị Thúy hết sức đáng trách. Hành vi cài mìn, kích nổ của Vũ Thị Thúy có dấu hiệu của “Tội Giết người” quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.
 
Anh Trần Văn Chung đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
Anh Trần Văn Chung đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
 
Theo thông tin chúng tôi biết được từ phía Công an Hải Dương thì trong vụ việc này, do nghi phạm (Vũ Thị Thúy) đã tử vong nên cơ quan Công an không khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Vậy ông có nhận định  gì về việc xử lý này của cơ quan công an?

Nhận định nêu trên của Cơ quan công an không khởi tố vụ án là chưa chính xác bởi: Khi tiếp nhận tin tức về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải khởi tối vụ án để xác định có sự việc xảy ra hay không, nếu có sự việc xảy ra phải xem xét sự việc đó có hay không có dấu hiệu tội phạm. Giai đoạn khởi tố vụ án có nhiệm vụ xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, bảo đảm không một tội phạm nào không bị phát hiện, không một người vô tội nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan.

Trong vụ việc xảy ra ngày 20/4/2013 đã nêu rõ ràng có dấu hiệu của tội phạm, ngoài hành vi cài mìn, kích nổ của Vũ Thị Thúy cần tiếp tục được làm rõ thì có một số vấn đề  liên quan cũng cần được làm sáng tỏ đó là: Quả mìm mà Thúy sử dụng từ đâu mà có? Khối lượng thuốc nổ bao nhiêu, loại gì, cơ chế kích nổ ra sao? Có ai là đồng phạm trong việc cùng Thúy tìm kiếm thuốc nổ, chế tạo hay không?. Khi chưa làm sáng tỏ  những vấn đề này có thể dẫn tới  bỏ lọt tội phạm.

Hiện nay Thúy đã chết, nên cơ quan công an không thể khởi tố bị can đối với Thúy là chính xác. Nhưng nhiều khả năng vụ án có đồng phạm (trong vai trò giúp sức), vì Thuý là một cô gái chân yếu tay mềm, làm nghề kế toán thì khó có thể sử dụng được thuốc nổ. Hơn nữa, thuốc nổ là một mặt hàng cấm bán trên thị trường. Ngoài lực lượng vũ trang, chỉ có một số cơ sở được phép sử dụng thuốc nổ (có điều kiện), đó là các cơ sở khai thác khoáng sản. Việc mua bán, cấp, sử dụng, quản lý thuốc nổ được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao cô gái lại có được khối thuốc nổ đó? Việc này cần phải khởi tố để điều tra làm rõ, vì ở đây đã có dấu hiệu tội phạm.

Vấn đề bồi thường thiệt hại những người bị hại trong vụ án thì sao thưa ông?

Do Vũ Thị Thúy đã chết nên bản thân Thúy không còn trách nhiệm hình sự dù hậu quả từ hành vi Thúy đã thực hiện là rất lớn. Tuy nhiên phía cơ quan Công an cần mau chóng khởi tố vụ án nhằm làm rõ những vấn đề đã được nêu ở trên (Thúy mua thuốc nổ ở đâu, thực hiện việc chế tạo như thế nào, cơ chế kích nổ ra sao, có ai là đồng phạm với Thúy không?...)

Về trách nhiệm dân sự, Điều 604 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp pháp luật có quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”. Do đó, trong trường hợp kích nổ gây ra bị thương và chết người của Thúy, người gây thiệt hại phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Nguồn tài sản sử dụng để bồi thường là phần di sản của Thúy. Hiện nay Thúy đã chết nên hàng thừa kế thứ nhất của Thúy sẽ là cha mẹ ruột của Thúy sẽ nhận phần thừa kế này để thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Trường hợp phần bồi thường vượt quá số di sản để lại thì chỉ thanh toán đến hết phần di sản này mà thôi (Điều 637, 674, 683 Bộ luật Dân sự).

Xin cảm ơn ông!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm