Cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT để quản lý điểm của học sinh

Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nếu mở rộng ứng dụng CNTT vào công tác quản lý điểm của HS thì sẽ đem lại nhiều tiện lợi.

So với cách quản lý điểm truyền thống bấy lâu nay ở các nhà trường thì việc ứng dụng CNTT để quản lý điểm có nhiều ưu điểm nổi trội: công khai, chính xác, minh bạch… giúp các trường dễ dàng trong việc thống kê phân loại học lực của học sinh trong nhiều thời điểm của năm học.

Ở các trường học bấy lâu này, công tác quản lý điểm của học sinh chủ yếu vẫn được tiến hành theo phương pháp truyền thống. Nghĩa là giáo viên cho điểm trong sổ điểm cá nhân sau đó vào sổ lớn. Với cách làm trên, do khách quan hoặc chủ quan việc vào điểm, cộng điểm có thể có sai sót.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bên cạnh đó, việc giáo viên tuỳ tiện sửa điểm không theo qui chế vẫn còn tồn tại. Đối với cán bộ quản lý, cách làm theo phương pháp truyền thống này tạo tâm lý thụ động, ít nhiều gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc.

Để khắc phục tình trạng trên, các Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương nên tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích các trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điểm của học sinh.

Theo đó, mỗi trường học cần có một bộ phận văn thư có trình độ nhất định về tin học phụ trách dưới sự chỉ đạo, giám sát thường xuyên của hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.

Hàng tuần, giáo viên bộ môn mang sổ điểm cá nhân đến nhập điểm vào máy tính. Cuối tháng, dữ liệu điểm của các trường được gửi về sở theo mẫu qui định chung. Sở Giáo dục và Đào tạo có thể cho đăng tải dữ liệu điểm học sinh của các trường trên một trang Web riêng.

Nếu làm được như vậy, một mặt Sở Giáo dục và Đào tạo có thể phần nào đánh giá được chất lượng dạy và học của các trường trong nhiều thời điểm của năm học, từ đó có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc kịp thời, phù hợp.

Điều này càng có ý nghĩa đối với các trường ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa khi chúng ta đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền.

Mặt khác, các bậc phụ huynh cũng có thể trực tiếp kiểm tra được kết quả học tập của con em mình từ việc truy cập mạng.

Cái lợi lớn nhất từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điểm ở các trường học là tạo ra sự minh bạch hóa về chất lượng học tập của học sinh là tiền đề để chống căn bệnh thành tích.

Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin. Thiết nghĩ, song song với phương pháp truyền thống đã thực hiện bấy lâu nay, việc ứng dụng triệt để ưu thế của công nghệ thông tin vào việc quản lý điểm của học sinh sẽ góp phần tạo nên bước chuyển mới trong việc tạo động lực thúc đẩy chất lượng dạy và học trong các nhà trường, đặc biệt vào thời điểm cả xã hội đang nỗ lực, quyết tâm mang lại cho ngành giáo dục một diện mạo mới.

Bùi Minh Tuấn

 (Giáo viên trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)

LTS Dân trí - Ý kiến đóng góp ngắn gọn trên đây nhưng tác dụng lại không nhỏ, có ý nghĩa góp phần tích cực vào việc đổi mới cung cách quản lý của ngành giáo dục, đem lại hiệu quả cao hơn, nhất là thực hiện công khai hóa và minh bạch hóa việc cho điểm, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Những số liệu này được cập nhật kịp thời, không những lãnh đạo trường và Sở GD-ĐT theo dõi sát tình hình dạy và học mà cả phụ huynh học sinh cũng có thể biết được kết quả học tập của con em mình.

Trong xã hội ngày nay, khi công nghệ thông tin đã phát triển tới mức phổ cập mạng Internet thì đề xuất nói trên không còn là chuyện xa vời, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đang phải đi đầu trong quá trình hiện đại hóa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm