Cần có lòng tự trọng

(Dân trí) - Ở nước người, khi có một vụ việc tiêu cực nào đó xảy ra trong ngành, thì người đứng đầu của ngành đó hoặc là công khai xin lỗi nhân dân (nếu là việc nhỏ) hoặc là nộp đơn xin từ chức (nếu là việc to). Đấy là lòng tự trọng cần thiết.

Những ngày cuối tháng 7/2009 vừa rồi TAND tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử sơ thẩm vụ Tàn phá rừng nguyên sinh Khe Diên.
 
Với hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp khai thác trái phép gần 1.000m3 gỗ rừng nguyên sinh, vậy mà bị cáo Hồ Tấn Sơn, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, nguyên Phó ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam, người trực tiếp ký Giấy phép số 384 cho phép vận chuyển tiêu thụ 108,29m3 gỗ trái phép và Giấy phép số 953 để hợp thức hoá và cho phép khai thác vượt ra ngoài diện tích mà UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định cho thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác trái phép 596m3 gỗ có giá trị hơn 689 triệu đồng, lại cứ một mực khẳng định trước Toà rằng: Do bị cáo mới lên làm Giám đốc nên không nhận thức được nên đã ký “bậy”; rằng do suy nghĩ Sở NN&PTNT chỉ có chức năng quản lý ngành, không có chức năng quản lý Nhà nước (để hôm nay nhờ HĐXX giải thích cặn kẽ mới hiểu, mới biết mình làm sai).
 
Không dừng lại ở mục “không biết”, Hồ Tấn Sơn còn “đổ lỗi” cho cấp dưới không chịu tham mưu, giải thích kỹ khi trình ký; và nguy hại hơn, Hồ Tấn Sơn cho rằng lúc ký thì không biết mình ký hai quyết định trên là đúng hay sai?!
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Không hiểu lòng tự trọng của “ông quan” kia đã vứt đi đâu khi đứng trước vành móng ngựa của pháp luật, hay từ trước tới nay trong ông ta chẳng có cái lòng tự trọng này, nhưng có một điều khiến xã hội “nhức đầu” suy nghĩ là:
 
Thứ nhất, anh được Nhà nước đào tạo, giao chức quyền to nhất một ngành ở địa phương, vậy mà anh cứ luôn miệng nói à mình không biết gì, không hiểu gì… để rồi ký bậy; thậm chí khi ký bậy cũng không biết là mình ký bậy. Những cán bộ kiểu ấy đề nghị Đảng và Nhà nước cần sớm vạch mặt, loại bỏ để tránh hậu họa trước mắt cho đất nước.

 

Thứ hai, loại cán bộ như vậy (cụ thể ở đây là bị cáo Hồ Tấn Sơn) mà lại đã từng ngồi ở vị trí sắp xếp tham mưu bố trí, đề bạt, cất nhắc cán bộ cho một tỉnh thì không hiểu làm sao đáp ứng cho được yêu cầu đổi mới và nâng cao năng lực của tổ chức bộ máy cũng như những người điều hành bộ máy quan trong ấy! Cán bộ là cái gốc của mọi sự thành bại trong công việc. Bài học này đâu chỉ riêng Quảng Nam?

    

                                     Phi Em 

 

LTS Dân trí - Đã sinh ra là con người đều cần có lòng tự trọng. Người giữ những trọng trách trong bộ máy công quyền càng cần đề cao lòng tự trọng. Điều đó nói lên phẩm chất, ý thức trách nhiệm cũng như tư cách, đạo đức của người cán bộ.

 

Tác giả bài viết trên đây nêu lên một ví dụ cụ thể về một cán bộ ở vị trí đầu ngành cấp tỉnh mắc sai lầm trong việc ký giấy tờ cho vận chuyển và khai thác gỗ trái phép, bị đưa ra xét xử đã tự bào chữa quanh co, thậm chí còn đổ trách nhiệm cho cấp dưới. Đấy đúng là một thí dụ điển hình về một cán bộ có chức có quyền mà không có lòng tự trọng, đã làm sai mà không dám nhận trách nhiệm trước nhân dân.

 

Muốn làm trong sạch cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, chúng ta cần kiên quyết loại bỏ những cán bộ không có đầy đủ ý thức trách nhiệm cũng như không có lòng tự trọng cần thiết.