Cần chú trọng nâng cao chất lượng dân số

(Dân trí) - Chất lượng dân số là những chỉ số phản ánh tình trạng thể chất, trí tuệ và tinh thần của cộng đồng dân cư. Những năm gần đây, chất lượng dân số Việt Nam liên tục tăng, song vẫn ở mức thấp, xếp ở nhóm sau cùng so với thế giới.

Kết cấu “dân số vàng”

 

Vấn đề dân số -bao gồm nguy cơ bùng nổ dân số và suy giảm chất lượng dân số- vốn là thách thức lớn của nhân loại, trong đó có Việt Nam. Nhân dịp Ngày Dân số thế giới 11-7, chúng ta nên nhìn lại vấn đề này ở nước ta.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Chất lượng dân số là những chỉ số phản ánh tình trạng thể chất, trí tuệ và tinh thần của cộng đồng dân cư. Những năm gần đây, chất lượng dân số Việt Nam liên tục tăng, song vẫn ở mức thấp, xếp ở nhóm sau cùng so với thế giới.

 

Năm 2010, Việt Nam xếp thứ 113/169 trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên hiệp quốc. HDI được xem là bộ mặt của quốc gia, tính theo 3 tiêu chí: sức khỏe, tri thức và GDP bình quân đầu người.

 

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 72,8 năm, đứng thứ 58/177 nước, nhưng tuổi trung bình khỏe mạnh lại xếp thứ 116/177 nước trên thế giới (66 tuổi). Các chỉ số về thể lực như chiều cao, cân nặng, sức bền, sức bật…của người Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Đây là một thực tế cho thấy chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều để nâng cao chất lượng dân số.

  

 Chất lượng dân số
 
Sức ép về sự gia tăng dân số vẫn còn, tuy không căng thẳng như trước, nhưng điều đáng lo ngại hơn là chất lượng dân số chưa có những cải thiện đột phá, thậm chí gia tăng những yếu tố làm suy giảm chất lượng dân số. Hệ thống y tế đã được nâng cấp, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
 
Cần chú trọng nâng cao chất lượng dân số - 1

(nguồn ảnh: vtv.vn)

 

Tình trạng người nghèo bị bệnh không được điều trị đúng mức vẫn còn. Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em và phụ nữ phải lao động nặng nhọc còn khá phổ biến ở nông thôn, miền núi. Tỷ lệ dinh dưỡng trong bữa ăn của cộng đồng đã được nâng cao hơn nhiều so với trước, song lại xuất hiện tình trạng mất vệ sinh ATTP, thực phẩm nhiễm độc, nguy hiểm với mức độ ngày càng trầm trọng.

 

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chính sách DS- KHH gia đình, hiện nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được tình trạng bùng nổ dân số, thậm chí hiện tượng dân số già cục bộ đã xuất hiện.
 
Kết quả tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy tỷ lệ gia tăng dân số giảm thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Tỷ lệ gia tăng dân số trung bình hàng năm đã giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989 - 1999) xuống còn 1,2% (giai đoạn 1999 - 2009). Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) giảm xuống còn 2,03 con và đạt mức sinh thay thế. Từ thực tiễn đó, vấn đề cần quan tâm, được coi là ưu tiên số một của Việt Nam hiện nay là nâng cao chất lượng dân số.

Năm 2010, cả nước vẫn còn hơn 3 triệu hộ gia đình thuộc diện nghèo và 1,6 triệu hộ thuộc diện cận nghèo; cả nước có 81 huyện nghèo thuộc 25 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; một bộ phận dân cư vẫn thiếu ăn. Trong nhà trường, trẻ em phải học kiến thức văn hoá quá nhiều mà không có thời gian, điều kiện vui chơi, luyện tập TDTT.

 

Xuất hiện tình trạng công nhân ở các nhà máy, khu công nghiệp bỏ việc, đình công vì thu nhập không đủ sống, điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại. Đời sống tinh thần của người lao động còn hết sức nghèo nàn. Tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo vẫn còn cao (hơn 60%).

 

Điều nguy hại là do sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện làm tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, trong tỉnh xuất hiện nhiều “làng ung thư”, các dòng sông đen ngòm, những ngọn núi bị đào phá nham nhở, những cánh rừng bị triệt hạ, người dân sống cạnh bãi rác ngột ngạt vì ô nhiễm…

 

Tệ nạn ma tuý, rượu chè, thuốc lá đang phá huỷ sức khoẻ của một bộ phận không nhỏ cộng đồng, nhất là thanh thiếu nhi.
 
Tất cả những yếu tố đó đang từng ngày, từng giờ làm suy giảm chất lượng dân số. Đây là hậu quả của cách ứng xử ăn xổi ở thì, ích kỉ, chạy theo cái lợi trước mắt, sự buông lỏng của pháp luật. Thực chất đấy là biểu hiện của sự phát triển thiếu bền vững.

 

Xét đến cùng, chất lượng dân số là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia. Để nâng cao chất lượng dân số đòi hỏi những giải pháp đồng bộ ở tầm chiến lược, sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và toàn xã hội.
 
Trong việc nâng cao chất lượng dân số, công tác truyền thông cần đi trước một bước. Bởi vì, lâu nay, khi nói về dân số, chúng ta thường chú trọng đến các chỉ số về tốc độ tăng dân số, số người sinh con thứ 3, tỷ lệ giới tính…mà ít quan tâm đến chất lượng dân số.

 

Cần thiết có một cuộc điều tra tổng thể về chất lượng dân số, làm cơ sở để xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới. Đây là một vấn đề vừa có tính cấp bách, cấp thiết, vừa có tầm chiến lược đối với quốc gia. 
 

Kết quả tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy dân số nước ta hơn 85,7 triệu người, là nước đông dân thứ ba ở Ðông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 13 thế giới.

Theo kết quả tổng điều tra năm 2009, Việt Nam có 49,2 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 57,3% dân số, mỗi năm có hơn 1 triệu người bước vào tuổi lao động. Đây là kết cấu “dân số vàng”, tiền đề cho sự tăng trưởng kinh tế đột phá. Tuy nhiên, lực lượng lao động đông cũng tạo ra sức ép về nghề nghiệp và các hệ luỵ về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội nếu chúng ta không có chính sách đúng trong giáo dục - đào tạo, giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội.

 

                                                 Trần Quang Đại

                                                     (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí-Chất lượng dân số bao gồm nhiều mặt như bài viết trên đây đã đề cập, nhưng quan trọng nhất chính là cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân.

 

Đi đôi với các mục tiêu phát triển kinh tế, việc xóa đói giảm nghèo ở nước ta đã đạt được một bước tiến bộ đáng ghi nhận nhưng cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hơn nữa theo hướng có hiệu quả bền vững, nhất là ở những vùng cao, vùng sâu vùng xa.

 

Các lĩnh vực hoạt động y tế, bảo vệ môi trường cũng như chăm lo công tác giáo dục, đào tạo lực lượng lao động còn nhiều yếu kém, cần sớm khắc phục nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân cũng như chăm lo nâng cao dân trí và đáp ứng yêu cầu về chất lượng đội ngũ lao động để đây mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Đấy cũng là cơ sở quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững các nhân tố thuộc về chất lượng dân số.