Cần cảnh giác và lưu ý gì khi "cò" đất đòi chụp ảnh thẻ căn cước của khách?

Hải Hà

(Dân trí) - Tôi nhờ môi giới dắt đi xem nhà, sau đó người này yêu cầu tôi cung cấp thông tin trên thẻ căn cước hoặc cho họ chụp lại với lý do để báo với chủ nhà và đây là quy định bắt buộc.

Sau đó tôi lấy lý do không mang thẻ căn cước rồi đọc sai thông tin cá nhân cho người môi giới, họ tỏ ý không hài lòng và muốn tôi về nhà sẽ chụp lại để gửi sau.

Băn khoăn về vấn đề này nên tôi đã thử liên hệ với nhiều môi giới khác, thì thấy họ đều có yêu cầu như vậy sau khi dẫn khách xem nhà/đất xong. Nói chuyện với một vài người bạn, tôi thấy họ chia sẻ rằng đã rất vô tư khi để "cò" chụp ảnh thẻ căn cước.

Tôi muốn hỏi có quy định nào của pháp luật về việc này không? Cần cảnh giác và lưu ý gì khi nhận được những yêu cầu vô lý như vậy?.

Độc giả Đức Minh (Thanh Xuân, Hà Nội)

Trả lời:

Giải đáp những băn khoăn trên của độc giả, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết câu chuyện tưởng chừng như đơn giản đó là người dân vô tư đưa thẻ căn cước công dân của mình cho người khác chụp ảnh, cung cấp không suy tính gì khi có người yêu cầu. Tuy nhiên nhiều người thực sự hối tiếc khi gặp một loạt những rắc rối, phiền hà trong đời sống riêng tư, thậm chí còn đối mặt với những cáo buộc hình sự.

Căn cước công dân gắn chip (CCCD) là một loại giấy tờ quan trọng. Mã QR và chip trên thẻ CCCD chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao triệt để lợi dụng để trục lợi. Trong đó bao gồm những thông tin về tên, năm sinh, ảnh cá nhân, dữ liệu sinh trắc học cơ bản, …

Theo khuyến cáo của công an các địa phương, mã QR trên CCCD chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao có thể lợi dụng để trục lợi. Vì vậy người dân không nên chia sẻ hình ảnh CMND/CCCD trên mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân và không cho đối tượng lạ chụp ảnh CMND/CCCD mà không rõ mục đích.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể lợi dụng để trục lợi như: Sử dụng hình ảnh CMND/CCCD của công dân để vay tiền trên app; đăng ký số điện thoại trả sau; đăng ký mã số thuế ảo...

Hoặc sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng bán thông tin cho các đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, hải quan, thuế... gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra hoặc làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà, tiền đánh vào lòng tham của người dân rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí và tiền "bôi trơn" vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt...

Theo luật sư Lực, yêu cầu này khá phổ biến trong hoạt động môi giới bất động sản và không hề quy định pháp lý nào cho trường hợp này. Do đó, nếu bị yêu cầu, bạn nên đặt ra những câu hỏi sau: Tại sao cần CCCD của tôi? CCCD của tôi sẽ được sử dụng cho mục đích gì? Điều gì xảy ra nếu tôi từ chối cung cấp? Luật nào yêu cầu tôi phải cung cấp CCCD?.

Căn cứ khoản 2 Điều 28 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13, thẻ CCCD chỉ bị tạm giữ trong các trường hợp dưới đây:

- Công dân đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc vào trường giáo dưỡng.

- Đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang chấp hành án phạt tù.

Trong thời gian này, công dân vẫn được phép dùng thẻ CCCD của mình để giao dịch. Khi hết thời hạn của các trường hợp trên, công dân sẽ được trả lại thẻ CCCD.

Đặc biệt, khoản 4 Điều 28 Luật này nêu rõ, người có quyền tạm giữ thẻ CCCD của người khác là cơ quan thi hành lệnh tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục hoặc cai nghiện bắt buộc.