Phát triển văn hóa đọc:

Cần cải tổ chất lượng sách dịch

Đọc bài viết “<a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/2008/3/223630.vip">Văn hóa đọc trong nhà trường-nỗi niềm ai tỏ</a>” trên Diễn đàn Dân trí, tôi rất tâm đắc với nhận định rằng văn hóa đọc hiện nay đang “xuống cấp” nghiêm trọng. Ở đây tôi chỉ xin bàn về chất lượng sách dịch thời nay so với thời trước.

Là một người rất thích đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học cổ điển, tôi thấy một thực tế là chất lượng sách dịch bây giờ quá tệ. Hình thức sách in rất đẹp nhưng lời văn thì thuộc loại "hàng chợ". Tôi nhớ trước đây khi VTV chiếu bộ phim về thám tử Selochom thì một thời gian ngắn sau trên thị trường có tập truyện về nhân vật này. Là một người say mê nhân vật thám tử Selochom từ những bộ truyện được in từ rất lâu (thời giấy in màu đen), tôi đi mua ngay một bộ để rồi thất vọng quá đỗi. Có những đoạn văn được cuốn truyện trước đây diễn tả bằng ngôn từ rất đắt thì lại trở thành quá tồi trong bản dịch sau này.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Những sách dành cho thiếu nhi cũng ở tình trạng tương tự. Bản dịch bây giờ của truyện "Nghìn lẻ một đêm" đâu còn nét văn hóa như trước. Có biết bao tác phẩm có giá trị mà tôi từng đọc: Đội thiếu niên Thát sát, Út Teng, Chuyện tôi và các bạn, Cuộc phiêu lưu của Pigolo, Timua và các bạn... và giờ đây tôi muốn mua cho cháu tôi đọc. Nhưng khi đến các cửa hàng sách thì không tìm được, chỉ thấy truyện tranh bạo lực, những truyện dịch không có một chút nghệ thuật. Khi về nhà xem lại những cuốn truyện mình giữ được từ trước và so sánh với những bản dịch mới, tôi thấy chúng khác nhau xa quá.

Tôi nghĩ nên có một cuộc vận động hiến tặng những bản dịch cũ để tái bản. Như vậy, sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho nền văn học, cho thế hệ trẻ. Bây giờ nhìn cháu tôi phải đọc những truyện tranh vô bổ, tôi tự hỏi rồi đây sẽ phải dạy con mình như thế nào khi mà nền văn hóa đọc đang trên đà xuống dốc, hầu như ít được quan tâm chăm sóc, có rất ít tác phẩm để lại giá trị sâu sắc cả về nội dung và những áng văn chương đẹp.

Vẫn biết có câu “bao giờ cho đến ngày xưa” nhưng tôi vẫn mong được đọc lại những tác phẩm được dịch có giá trị hơn hiện nay. Như vậy, các thầy cô giáo và học trò cũng như nhân dân ta nói chung mới có cái thực sự hay để đọc, để trau dồi vốn hiểu biết và mở rộng tầm nhìn ra thế giới.
 
Đây là một số ý kiến có tính chất cá nhân, mong được góp phần nhỏ bé vào việc xây dựng nền văn hóa đọc đáng được quan tâm hiện nay.
Nguyễn Phan Đức

LTS Dân trí - Trong thời đại toàn cầu hóa, đi đôi với việc đẩy mạnh hội nhập về kinh tế, cần mở rộng giao lưu về văn hóa. Những tác phẩm văn học tiêu biểu được chọn dịch của nước ngoài đóng góp quan trọng vào việc mở rộng tầm hiểu biết cũng như tiếp thu tinh hóa văn hóa của nhân loại. Nhưng hiện nay chúng ta chưa làm tốt công việc này. Không ít những tác phẩm dịch chưa được tuyển chọn theo những tiêu chí cần thiết, mà phần lớn chỉ nhằm đáp ứng thị hiếu nhất thời của người đọc, để thu được nhiều lợi nhuận. Do đó, những tác phẩm này ít đem lại giá trị nhân văn cũng như thẩm mỹ có tính lâu dài.

Tác giả viết bài trên đây đã nêu lên những ý kiến đáng quan tâm về chất lượng của những tác phẩm văn học dịch trong những năm gần đây. Mong rằng các nhà xuất bản cũng như các cơ quan quản lý lắng nghe những ý kiến đóng góp của một bạn đọc “khó tính”, biết kén sách để làm tốt hơn công việc của mình nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa đọc phát triển lành mạnh, cũng như đáp ứng đúng yêu cầu mới của thời kỳ hội nhập.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm