Thái Nguyên:

Cán bộ làm trái luật, dân gánh hậu quả

(Dân trí) – Sau khi thu hồi 1.620 m2 đất ruộng của gia đình ông Toản, huyện Phú Lương cấp 160 m2 đất để gia đình ông Toản làm nhà ở ổn định. Trớ trêu thay, sau 8 năm gia đình thương binh này lại bị cưỡng chế thu hồi toàn bộ nhà đất.

Thái Nguyên: Cán bộ làm trái luật, dân gánh hậu quả
Trước việc bị cưỡng chế nhà đất trái pháp luật, ông Nguyễn Bá Toản tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Thái Nguyên để đòi sự công bằng.  Sau đó nếu không được giải quyết thỏa đáng ông sẽ khởi kiện UBND huyện Phú Lương ra Tòa hành chính.
 
Nguồn gốc đất hợp pháp

Theo đơn khiếu nại gửi Báo Dân trí của ông Nguyễn Bá Toản, sinh năm 1947, thương binh hạng ¾, trú tại tiểu khu Lê Hồng Phong, thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên phản ánh: Gia đình ông có 1.620 m2 đất nông nghiệp đã được chính quyền cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) từ năm 1993. Ngày 18/3/1993, UBND tỉnh Bắc Thái (cũ) ra Quyết định số 4349/QĐ-UB thu hồi đất của 17 hộ dân trong đó có 1.620m2 đất nông nghiệp của ông Nguyễn Bá Toản để thực hiện Dự án Quy hoạch khu dân cư Thác Lở thuộc thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái .

Do không đồng ý với phương án đền bù, ông Toản và các hộ dân đã làm đơn khiếu nại. Là thương binh chống Mỹ cứu nước đã đóng góp xương máu cho Tổ quốc nên ngày 15/7/1996, ông Toản được Chủ tịch UBND huyện Phú Lương mời về huyện đối thoại để giải quyết.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo UBND huyện Phú Lương đã thống nhất bằng văn bản: “Cấp cho ông Toản 02 lô đất có diện tích là 160 m2 trong tổng số 1.620 m2 đất nông nghiệp của ông bị thu hồi, không phải nộp khoản lệ phí nào mà còn được hỗ trợ đền bù 23 triệu đồng từ nguồn kinh phí lợi nhuận công trình trả cho ông Toản. Các cơ quan có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao đất và thủ tục cấp GCNQSDĐ 2 lô đất cho ông Toản”.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 22/7/1996 UBND thị trấn Đu cùng cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lương và ông Toản lập văn bản bàn giao chỉ giới đất thổ cư tại thực địa, các văn bản này đều có dấu đỏ và chữ ký của những người tham dự. Trong khi chờ đợi được cấp sổ đỏ, ông Toản đã làm nhà cấp bốn trên diện tích hai lô đất này để ở, đồng thời nhiều lần gửi đơn nhắc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ như văn bản đã hứa hẹn nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Đang giải quyết”.

Tít mù nó chạy vòng quanh

Vụ việc rắc rối bắt đầu từ năm 1997, khi UBND tỉnh Bắc Thái chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. UBND tỉnh Thái Nguyên khôi phục làm lại dự án dang dở này.

Ngày 19/8/1998, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 2396/QĐ-UB về cái gọi là Phương án đền bù cho 17 hộ dân bị thu hồi đất. Do giá đền bù quá bèo bọt nên ông Toản và các hộ dân đã không nhận tiền, đồng thời gửi đơn khiếu nại. UBND tỉnh ra Quyết định 2544/QĐ-UB giải quyết khiếu nại nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của các hộ dân thì bất ngờ một năm sau (ngày 9/5/2000) UBND huyện Phú Lương ra Quyết định số 125/QĐ-UB thu hồi 11.175 m2 đất của 17 hộ dân để tiếp tục thực hiện cái gọi là Dự án “Quy hoạch khu dân cư Thác Lở thị trấn Đu” mà trước đó 7 năm cũng vẫn là UBND huyện Phú Lương nhưng thuộc tỉnh Bắc Thái  đã giải phóng mặt bằng nhưng còn dang dở chia tách tỉnh.

Khi đó, lẽ ra ông Toản chỉ bị thu hồi 1.460 m2 đất bởi đã được chính quyền huyện và cơ quan chức năng giao chỉ giới diện tích 160 m2 đất và thực tế ông Toản đã làm nhà từ năm 1996 nhưng thật lạ lùng Quyết định trên lại thu hồi toàn bộ 1.620 m2 đất, kể cả 02 lô đất chính quyền huyện đã giao cho ông Toản làm nhà ở. Chính vì vậy, ông Toản đã liên tục khiếu nại và tố cáo việc làm sai trái của chính quyền trong việc thực hiện Dự án này. Đơn của ông đều kèm theo toàn bộ những giấy tờ có liên quan đến việc ông đã được chính quyền cấp cho 160 m2 đất hợp pháp ông đã làm nhà đang ở, không có tranh chấp phù hợp với quy hoạch, đặc biệt ông lại là thương binh; nhưng không hiểu sao chính quyền huyện vẫn phớt lờ và không một lần ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo như quy định của pháp luật.

Không những không giải quyết đơn, ngày 31/01/2007, chính quyền huyện dùng lực lượng tiến hành cưỡng chế, đập phá ngôi nhà, chặt hạ cây cối hoa màu của ông đang sinh sống tại ngôi nhà trên 160 m2 đất này.

Mãi gần 04 tháng sau (tức ngày 13/4/2007) ông mới nhận được thông báo số 22/TB-UB của UBND huyện Phú Lương về việc không giải quyết khiếu nại với lý do rất…cửa quan rằng: “ Việc giao 02 lô đất cho ông năm 1996 tuy có văn bản của chính quyền huyện nhưng chưa được thể hiện bằng văn bản hành chính của huyện”.

Thế là cực chẳng đã, ông Toản đã phải hàng chục lần vác đơn lên tỉnh kêu cứu các cơ quan thẩm quyền thì phải đến 5 năm sau, vào đầu năm 2012 mới được UBND huyện Phú Lương “cho phục hồi lại để xem xét các đơn khiếu nại của ông Toản”.

Hy vọng lóe lên rồi tắt ngấm

Nhận được văn bản của UBND huyện cho phục hồi để xem xét lại yêu cầu khiếu kiện đòi 2 lô đất chính quyền đã cấp gia đình ông Toản đã mừng rơn. Song mọi hy vọng chỉ lóe lên rồi lại tắt ngấm.  Sau buổi gọi là “đối thoại” chiếu lệ  cho đúng phép nước giữa ông Toản với chính quyền huyện,  ngày 29/5/2012 UBND huyện Phú Lương ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 1591/QĐ-UB.

Mặc dù trong phần nhận định UBND huyện Phú Lương thừa nhận rằng: “Ngày 15/7/1996 lãnh đạo UBND huyện Phú Lương có tổ chức buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Toản để giải quyết việc khiếu nại về thu hồi 1.620 m2 đất của ông ở Thác Lở trong Dự án xây dựng khu đô thị có đông đủ các ngành chức năng tham dự. Tại buổi làm việc này, lãnh đạo UBND huyện đã thỏa thuận và thống nhất với nội dung là huyện sẽ cấp cho ông Nguyễn Bá Toản hai lô đất tại vị trí đất nông nghiệp của ông Toản đã bị thu hồi san lấp và không phải nộp một khoản tiền nào, đồng thời còn hỗ trợ cho ông Toản 23 triệu đồng lấy từ lợi nhuận của công trình (trị giá bằng 01 lô đất) ở khu bãi San, Thác Lở; đồng thời yêu cầu ông Toản nộp lại GCNQSDĐ để Phòng chuyên môn chỉnh lý, thu hồi 1.620 m2 đất và ông Toản không khiếu kiện nữa.

Tiếp đó, ngày 22/7/1996 thực hiện văn bản của UBND huyện Phú lương, UBND thị trấn Đu cùng một số các Phòng chuyên môn của UBND huyện đã xuống bãi San Thác Lở giao chỉ giới 02 lô đất cho ông Toản trong diện tích 1.620 m2 đất nông nghiệp của gia đình ông. Việc giao chỉ giới 02 lô đất cho ông Toản có lập biên bản nhưng không có Quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền”.

Nhận xét thì khách quan như trên nhưng cuối cùng UBND huyện Phú Lương lại “phủi” toàn bộ trách nhiệm của tính kế thừa quyết định tại Điều 1 với nội dung trái ngược với nhận xét của mình là: “Không chấp nhận khiếu nại của ông Nguyễn Bá Toản về việc UBND không cấp 02 lô đất cho ông tại khu bãi san Thác Lờ vì: Việc thỏa thuận” để giao cho ông Nguyễn Bá Toản 02 lô đất tại khu bãi san Thác Lờ của UBND huyện ngày 15/7/1996 cũng như việc UBND thị trấn Đu và các Phòng chức năng giao chỉ giới 02 lô đất cho ông Toản ngày 22/7/1996 là trái với các quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm đó ”.

Với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Phú Lương như trên thì những văn bản, bút tích của UBND huyện Phú Lương và UBND thị trấn Đu cùng các cơ quan chức năng hứa hẹn thống nhất cấp 02 lô đất cũng như giao mốc giới đất cho gia đình ông Toản để làm nhà ở liên tục trong 08 năm, sau đó chính quyền huyện Phú Lương lại ra quyết định cưỡng chế thu hồi 02 lô đất nêu trên, đẩy gia đình ông Toản rơi vào cảnh Màn trời chiếu đất”.  Hậu quả to lớn của  những việc làm trên ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Được biết, trước mắt ông Nguyễn Bá Toản tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Thái Nguyên để đòi sự công bằng, đúng pháp luật sau đó nếu không được giải quyết thỏa đáng ông sẽ khởi kiện UBND huyện Phú Lương ra Tòa hành chính.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến – Ngô Tất Hữu