Cam go cuộc chiến chống đói nghèo ở nông thôn, miền núi

“Theo mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra: Đến năm 2010, việt nam thoát khỏi nước nghèo và kém phát triển. Đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhưng năm 2010 đã sắp hết, mà xem ra cuộc chiến chống đói nghèo ở nông thôn, miền núi còn cam go lắm…!”

Thu nhập từ lúa + Lợn = nghèo

Hiện nay sản xuất chủ yếu của nông thôn, miền núi vẫn là trồng trọt và chăn nuôi, trong đó trồng trọt là chính, chăn nuôi là phụ, trồng trọt vẫn một năm 3 vụ lúa, ngô, đậu, lạc, nhờ có giống mới có năng suất cao, hơn nữa bà con nông dân đã biết đầu tư chăm bón, nên sản lượng lương thực ngày càng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực.

Ngoài ra chăn nuôi cũng đã có chiều hướng phát triển, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con. Nhưng nhìn chung do đất đai sản xuất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, năng suất cây trồng cũng đã đội trần; chăn nuôi đã có xu hướng chuyển từ thủ công, nhỏ lẻ sang hướng tập trung và có đầu tư nhưng nhìn chung chưa nhiều, chưa tạo thành nguồn hàng hoá lớn.

Xét về tổng thể mỗi hộ nông dân vẫn chỉ sản xuất vài ba sào ruộng khoán, chăn nuôi vài ba con lợn, một vài con trâu, bò để cày, kéo và lấy phân bón ruộng. Không ít hộ muốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi, nhưng do thiếu đất, thiếu vốn, thiếu tư duy và cả kinh nghiệm làm ăn… Nên nhìn chung thu nhập của bà con chưa cao, tính thu nhập bình quân đầu người vẫn còn rất khiêm tốn, nếu không nói là nghèo.

Tính ra mỗi sào ruộng sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, mua giống, phân bón.... còn lại không quá 100.000 đồng, thu nhập thêm từ chăn nuôi cũng cho thêm bằng ấy! Và thử đem toàn bộ thu nhập từ lúa + lợn, rồi đem chia cho bình quân mỗi hộ khoảng 4-5 nhân khẩu, chúng ta sẽ biết được thu nhập của họ là bao nhiêu?! Công thức lúa + lợn = nghèo là không có gì phải bàn cãi!

Thiếu vốn + Thiếu việc làm + Thiếu tư duy = Nghèo

Trong khi thế giới đang tập trung đầu tư vốn, khoa học công nghệ vào làm ăn tại Việt Nam. Ai cũng biết rằng nông thôn, miền núi có nhiều tiềm năng về lao động và nguyên nhiên liệu cho sản xuất và chế biến, thì việc huy động vốn của người nông dân cũng gặp khó khăn.

Trong khi việc đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi đòi hỏi phải đầu tư lớn, thì người nông dân lại thiếu vốn để mua vật tư, phân bón và công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, cho nên chất lượng hàng hoá sản phẩm không cao, không đảm bảo theo yêu cầu của thị trường, sản phẩm hiện nay của nông dân không qua chế biến nên không được giá. Bên cạnh đó phải thấy rõ về quỹ thời gian lao động ở nông thôn, miền núi hiện nay đang rất lãng phí do không có việc làm, không có nghề phụ.

Mỗi sào ruộng khoán người ta chỉ đầu tư khoảng 10- 15 công lao động, thời gian kể từ khi gieo mạ cho đến khi thu hoạch ít nhất cũng phải 4 tháng, để tính ra thời gian nông nhàn rất nhiều, trong quỹ thời gian đó người nông dân không nghỉ, nhưng cũng không có nghề gì làm thêm cho có hiệu quả kinh tế cao.

Mặt khác lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, canh tác lạc hậu, phương thức sản xuất tự cấp, tự túc đã ăn sâu cả ngàn đời nay trong người nông dân, thiếu tư duy kinh tế, không dám mạnh dạn bứt phá, mở hướng làm ăn mới, cộng với tư tưởng chịu khổ không chịu khó, an phận thủ thường… đang bó buộc người nông dân, càng làm cho họ chưa khấm khá lên được.

Để thoát nghèo vào năm 2010, theo mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc khoá X đề ra. Mức thu nhập bình quân 1.000 USD/người/năm hay là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn 5-8%, là một cuộc chiến đầy cam go đối với nông thôn, miền núi. Trong khi diện tich đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, chăn nuôi đang bị dịch bệnh và cả sức ép cạnh tranh.

Việc mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho nông thôn, miền núi chưa nhiều, làng nghề và làng có nghề chưa phát triển được bao nhiêu, lao động nông thôn chưa qua đào tạo, ngàn đời nay vẫn cha truyền con nối, chưa kể sự đòi hỏi của lớp trẻ hôm nay quá cao, không thích lao động nhất là lao động nông nghiệp, lao động trực tiếp… đang đè nặng lên mục tiêu. Trong khi năm 2010 đã sắp hết, càng làm cho cuộc chiến chống đói nghèo ở nông thôn, miền núi vốn đã khó lại càng khó thêm…

Phùng Văn Mùi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm