"Các cơ quan tố tụng tỉnh Nam Định đã dồn ép công dân vào vòng lao lý?"
(Dân trí) - "Không trực tiếp gây tai nạn, phối hợp bồi thường và được gia đình nạn nhân xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng anh Nguyễn Thiện Hải vẫn bị tuyên phạt 36 tháng tù giam. Phải chăng công dân bị dồn ép vào vòng lao lý?", luật sư Vi Văn Diện nhận định.
Trong đơn kêu cứu gửi báo Dân trí, anh Nguyễn Thiện Hải, trú tại Xóm 6, xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phản ánh: TAND huyện Hải Hậu và Tòa án tỉnh Nam Định không xem xét đúng người, đúng tội trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 27/9/2013 trên Quốc lộ 21, đoạn đi qua địa bàn huyện Hải Hậu; HĐXX đã bỏ qua đơn xin miễn truy tố trách nhiệm hình sự gia đình nạn nhân tự nguyện gửi nhiều lần đến các cơ quan chức năng. Do xem xét sự việc thiếu khách quan, trải qua 2 phiên tòa, HĐXX đều tuyên xử anh Nguyễn Thiện Hải 36 tháng tù giam, trong khi gia đình anh Hải thuộc diện rất khó khăn, bản thân anh Hải là lao động chính đang nuôi vợ tâm thần và 2 con nhỏ.
Mặc dù không điều khiển ôtô đâm trực diện chị Hân, sau khi xảy ra tai nạn anh Nguyễn Thiện Hải vẫn phối hợp cùng anh Phạm Công Chung (mỗi người 50%) bồi thường cho gia đình theo đúng yêu cầu từ phía gia đình. Gia đình chị Hân đã tự nguyện viết đơn đề nghị miễn truy tố hình sự đối với anh Chung và anh Hải. Tuy nhiên, khi đưa vụ án ra xét xử, anh Chung chỉ bị phạt hành chính 5 triệu đồng, trong khi anh Hải bị 2 cấp tòa tuyên án 36 tháng tù giam.
Cho biết quan điểm về sự việc, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nếu sự việc như trình bày của tài xế Nguyễn Thiện Hải thì ở đây có dấu hiệu oan sai, các cơ quan tố tụng cần kháng nghị xem xét lại toàn bộ bản chất vụ án.
Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
"1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
"Tuy nhiên, xét thấy hành vi của anh Nguyễn Thiện Hải trong việc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như phân tích thì anh Hải không có lỗi trong trường hợp này, anh Hải đã có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự của đại diện bị hại là anh Trần Văn Khánh. Trong trường hợp này, anh Hải đang lưu thông phương tiện đúng quy định, nguyên nhân xẩy ra tai nạn là do bị hại đã không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường dẫn đến việc tay phanh va vào cửa xe của anh Hải, sau đó mới ngã sang phần đường của xe đi ngược chiều, ngay lúc đó xe ô tô mang biển kiểm soát 17C.022.66 do tài xế Phạm Công Chung điều khiển do không làm chủ tốc độ, không phanh kịp nên đã đâm trực tiếp khiến nạn nhân tử vong.
Xét về yếu tố lỗi, nguyên nhân dẫn đến cái chết cho chị Vũ Thị Ngọc Hân là do chị không làm chủ tốc độ và cũng cần xem xét thật khách quan liên quan đến lỗi vi phạm tốc độ của xe ô tô mang biển kiểm soát 17C.022.66 để kết luận sai phạm.
Theo tôi, VKSND Tối cao, TAND Tối cao cần thiết vào cuộc, kháng nghị đối với bản án có dấu hiệu oan sai 36 tháng tù cho anh Nguyễn Thiện Hải, xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, phân tích lỗi, sai phạm của từng người điều khiển phương tiện để xác định trách nhiệm của người vi phạm, bảo đảm việc tuân theo pháp luật đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm", luật sư Diện phân tích.
Theo luật sư Diện, kể cả trong trường hợp anh Nguyễn Thiện Hải là người vi phạm thì xét các tình tiết vụ án, chứng cứ của vụ án cũng như đơn đề nghị của đại diện bị hại thì cũng cần xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo trong trường hợp này.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế