Nghi vấn hợp đồng thế chấp tài sản vay tiền bị “phù phép”:

Cà Mau: "Bỏ quên” nhiều chi tiết quan trọng, Toà cấp sơ thẩm vẫn tuyên án!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Nghi vấn hợp đồng thế chấp tài sản vay tiền bị phù phép” ở Cà Mau, TAND tỉnh Cà Mau vừa đưa ra xét xử phúc thẩm, tuyên hủy án, giao TAND TP Cà Mau xét xử lại. Ghi nhận từ bản án phúc thẩm cho thấy, trong quá trình xét xử, tòa sơ thẩm được cho là đã “bỏ quên” nhiều chi tiết quan trọng.

Cụ thể, Bản án phúc thẩm số 02/2017 của TAND tỉnh Cà Mau nhận định: Đối với tài sản thế chấp nhà số 13 (đường Hùng Vương, phường 5, TP Cà Mau), vợ chồng ông Tô Thiên Phong - bà Huỳnh Thị Hiền khẳng định, không ký hợp đồng thế chấp nhà và đất này để vay tiền của Ngân hàng Agribank Cà Mau. Trong khi đó, phía ngân hàng đã cung cấp hợp đồng số 01-2011 (ngày 24/10/2011), đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cùng ngày. Theo tài liệu mà ngân hàng cung cấp, tài sản thế chấp quyền sử dụng đất là 118,95m2, tài sản gắn liền với đất là căn nhà cấp III, diện tích 73,91m2, tổng diện tích sử dụng 439,66m2 với 5 tầng cộng lửng.

Tại phiên tòa, bị đơn đặt ra là căn nhà thực tế là 7 tầng cộng lửng và ngân hàng cũng thừa nhận căn nhà là đúng như bị đơn trình bày, nhưng cho rằng khi thế chấp thì tài sản đã giống như hiện nay.

Tòa phúc thẩm nhận định: “Cấp sơ thẩm đã không tiến hành xem xét, thẩm định thực tế nhà và đất như thế nào, đúng với hiện trạng theo như hợp đồng thế chấp hay không, cũng như tiến hành định giá tài sản có liên quan mà quyết định phát mãi tài sản thế chấp nêu trên là chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định tại Nghị định số 163/2006 của Chính phủ”.

Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau thể hiện, tòa cấp sơ thẩm đã “bỏ quên” nhiều chi tiết quan trọng.
Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau thể hiện, tòa cấp sơ thẩm đã “bỏ quên” nhiều chi tiết quan trọng.

Đối với nhà và đất số 50 (đường Nguyễn Văn Trỗi) đứng tên Ngô Minh Chiến (bên thứ 3), ông Chiến và vợ là bà Lâm Thị Hồng khẳng định, chỉ thế chấp tài sản theo hợp đồng số 01-2010 và hợp đồng này đã được thanh toán dứt điểm, chứ không thế chấp để vay cho hợp đồng tín dụng số 01-2011.

Ở điểm này, ngân hàng cũng thừa nhận như khẳng định của ông Chiến – bà Hồng, nhưng lại cho rằng, hợp đồng thế chấp này được thế chấp đảm bảo cho hợp đồng tín dụng năm 2011 mà không cần phải thực hiện lại việc đăng ký giao dịch đảm bảo.

HĐXX phúc thẩm nhận định: “Vấn đề này, cấp sơ thẩm chưa xem xét cụ thể như thế nào mà chấp nhận yêu cầu của ngân hàng phát mãi tài sản của ông Chiến là chưa đủ cơ sở”.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề vợ chồng ông Tô Thiên Phong - bà Huỳnh Thị Hiền cho rằng, có việc làm giả tài liệu liên quan đến giao dịch đảm bảo giữa vợ chồng ông và ngân hàng, HĐXX phúc thẩm nhận định: “Cần thiết thì thực hiện thủ tục giám định chữ ký”.

Vợ chồng ông Phong - bà Hiền cho rằng, chỉ thế chấp căn nhà 5 tầng và chỉ 1 căn, nhưng hồ sơ thể hiện 8 tầng, 2 căn liền kề là không đúng sự thật.
Vợ chồng ông Phong - bà Hiền cho rằng, chỉ thế chấp căn nhà 5 tầng và chỉ 1 căn, nhưng hồ sơ thể hiện 8 tầng, 2 căn liền kề là không đúng sự thật.

Như Dân trí đã phản ánh, vợ chồng ông Tô Thiên Phong và bà Huỳnh Thị Hiền (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có ký Hợp đồng tín dụng số 01-2010 với Ngân hàng Agribank Cà Mau để vay số tiền 8 tỷ đồng, thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng là 12 tháng. Khi vay, vợ chồng ông Phong thế chấp nhà, đất tọa lạc số 13 Hùng Vương (TP Cà Mau) do vợ chồng ông đứng tên và 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Ngoài ra, còn có hợp đồng thế chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất của bên thứ 3 là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở số 5901040305 do ông Ngô Minh Chiến - bà Lâm Thị Hồng đứng tên. Đến hạn mức tín dụng, vợ chồng ông Phong đã thanh toán lãi và vốn. Hai bên cũng đã tất toán Hợp đồng tín dụng theo quy định.

Về sau, vợ chồng ông Phong tiếp tục ký Hợp đồng tín dụng số 01-2011 để vay số tiền 10,5 tỷ đồng. Mục đích vay là để kinh doanh cây kiểng, sản xuất đồ dùng bằng bê tông, kinh doanh trang trại giống cây trồng. Thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 18,5%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn.

Tuy nhiên, sau khi vay tiền, kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, cộng với việc lãi suất vay ngân hàng thời điểm này cao ngất ngưỡng nên đến thời hạn trả nợ, vợ chồng ông Phong không thanh toán vốn và lãi cho ngân hàng.

Trước việc trên, Ngân hàng Agribank Cà Mau đã kiện vợ chồng ông Phong ra tòa án TP Cà Mau. Theo tính toán của ngân hàng này, tổng vốn và lãi phát sinh đến tháng 9/2016 là trên 20 tỷ đồng. Ngân hàng Agribank Cà Mau yêu cầu thanh lý tài sản thế chấp bảo đảm các khoản vốn vay trên để thu hồi nợ. Khi ra tòa, vợ chồng ông Phong xin giảm bớt lãi, rồi sẵn sàng trả nợ. Tuy nhiên, yêu cầu này không được phía ngân hàng chấp nhận.

Vấn đề đặt ra là khi tham dự tòa sơ thẩm, vợ chồng ông Phong rất bất ngờ trước hợp đồng thế chấp mà Ngân hàng Agribank Cà Mau đưa ra và cho rằng, một số chứng cứ trong hồ sơ vụ án là giả mạo, trong đó có việc vợ chồng ông không có ký tên. Khi vợ chồng ông Phong yêu cầu xem xét làm rõ việc hồ sơ có giả mạo hay không và đề nghị cho xem hồ sơ gốc (bản chính) thì không được tòa cấp sơ thẩm chấp thuận.

Theo đó, vợ chồng ông Phong đã có đơn gửi cơ quan công an, đề nghị làm rõ việc giả mạo giấy tờ của vợ chồng ông để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình; đồng thời, xử lý các cá nhân, tổ chức đã làm giả mạo giấy tờ. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Cà Mau) đã trả lại đơn vì cho rằng trách nhiệm thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

Tuấn Thanh