Buôn thần, bán thánh

Người dân ùn ùn đi lễ đến nỗi nhiều đền thờ, chùa miếu đông đặc khách hành hương. Niềm tin tôn giáo, đời sống tâm linh hay một hủ tục phát sinh trong thời kỳ hiện đại, đó là vấn đề cần đặt ra để đo đạc trình độ dân trí và chất lượng văn hóa hiện nay.

Buôn thần, bán thánh  - 1

Khách hành hương chen lấn tại chùa Bái Đính
 
Không đánh đồng tất cả, nhưng có thể nói, đa số người đi lễ hội có chủ đích mặc cả với thần thánh. Họ cúng vái, cầu xin tài lộc, thăng quan tiến chức một cách mê muội. Người ta thuê viết sớ xin xe hơi, nhà lầu, trúng số, lên chức một cách tham lam và mù quáng. Người này bắt chước người khác, có cảm giác như tranh nhau để giành ân lộc từ thánh thần. Tại nhiều nơi lễ hội, có thể thấy người ta đạp lên nhau để khấn vái cầu xin như một cơn lên đồng tập thể, mê tín hơn là niềm tin tôn giáo hay sự thành kính thần linh xuất phát từ lòng thành.

 

Một điều rất đáng suy nghĩ là có rất nhiều trí thức, quan chức  mê đắm tham gia vào trò cúng vái cầu xin đậm màu sắc mê tín này. Họ thừa tiền, lắm của nên lễ lộc cho thần thánh rất hậu. Có người bỏ tiền sắm lễ, đốt vàng mã từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Họ đầu tư với người đời như thế nào thì họ sẵn sàng “đầu tư” với thần linh như vậy. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, dâng lễ vật hậu thì thần linh ban phát lại nhiều.

 

Đến phủ Tây Hồ, bà Chúa Kho và nhiều đền chùa khác  sẽ thấy ngay thực tế đó. Chính vì quan niệm này mà vàng mã bán đắt như tôm tươi. Hàng trăm tỉ đồng thiêu rụi thành khói vì tục đốt vàng mã, khói nhang, vừa tốn kém tiền bạc, vừa ô nhiễm môi trường. Một đất nước còn nghèo nhưng đốt tiền vào những chuyện vô bổ như vậy quả là phí phạm.

 

Người  mê muội nhiều là điều kiện cho người kinh doanh phát tài. Các dịch vụ ăn theo mạnh tay “chặt chém”, những kẻ “buôn thần bán thánh” có cơ hội móc túi kẻ khác. Hòm công đức mọc lên như nấm, ai biết được số tiền đó đi đâu về đâu, dành để phục vụ cho việc làm công đức hay làm của riêng cho những cá nhân, nhóm người. Từ mê tín đến kinh doanh mê tín, hai hành vi này đều là báng bổ thần linh và xây dựng một loại hủ tục mới trong cộng đồng và cho xã hội.

 

Vì sao dân mình lại ngày càng có chiều hướng mê tín như vậy là câu hỏi đối với những nhà nghiên cứu tâm lý xã hội cũng như các nhà quản lý.

 

Một xã hội mà con người chạy theo các giá trị hoang đường với niềm tin mù quáng còn đáng lo ngại hơn là sự chậm chạp trong phát triển kinh tế. Chấn chỉnh thực trạng này như thế nào là chuyện không đơn giản.   

 

Theo Lê Thanh Phong
Lao Động