Tiến sỹ Phạm Gia Minh:

Bưng bít thông tin là có tội

(Dân trí) - Minh bạch thông tin là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng thực tế hiện nay, nhiều thông tin không được minh bạch và kịp thời. Vì sao vậy?

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Phạm Gia Minh về vấn đề này.
 
Bưng bít thông tin là có tội - 1

TS Phạm Gia Minh: "Có minh bạch mới có niền tin và sự đồng thuận"
 
Không minh bạch, dân phải gánh hậu quả
 
Một số dự án gần đây của Hà Nội (Dự án trung tâm thương mại 19/12, Dự án xây dựng khách sạn Novotel on the park trong công viên Thống Nhất...) đã bị chính quyền thành phố đình chỉ xây dựng trước phản ứng đúng của dư luận. Theo ông, phải chăng căn nguyên sâu xa của sự việc này là do thông tin chưa được minh bạch?

Đúng là như vậy. Người dân cả nước nói chung, người dân Thủ đô nói riêng đã không được biết thông tin này trước khi nhà đầu tư khởi công xây dựng nên không thể cho ý kiến. Và thế là công trình thi công dở dang, phải đình lại. Hậu quả cuối cùng vẫn là người dân phải gánh chịu.

Cụ thể là người dân phải gánh chịu những khoản gì, thưa ông ?

Theo số liệu tôi được biết, riêng vụ xây khách sạn ở khu vực Công viên Thống Nhất, chủ đầu tư đã công bố là hơn 14 triệu USD. Tương tự, thành phố cũng đã phải "đền" gần 1.000 m2 ở 41 Hai Bà Trưng cho chủ dự án Trung tâm thương mại 19/12. Đó là tiền đóng thuế của nhân dân, là tài sản của đất nước, là tiền vay của nước ngoài mà rồi đây đời con, đời cháu chúng ta phải trả. Đó là có tội với dân, với nước.

Những công trình đó đều nằm trong quy hoạch...?

Trong quy hoạch chung của thành phố, Đường 19/12 không có chợ càng không có trung tâm thương mại. Trong Công viên Thống nhất cũng làm gì có khách sạn. Mà dự án không có trong quy hoạch chung, theo quy định lại không cần phải trưng cầu ý dân. Chính cái vô lý đó đã khiến không ít công trình lọt qua được tầm kiểm soát  của các cơ quan chức năng. Con voi đã lọt qua lỗ kim là vì thế.

Vì sao con voi lọt qua lỗ kim?

Nhưng theo ông, ở đây là  "kẽ hở"  để cho "voi" có thể chui lọt qua lỗ kim hay có sự  nới rộng lỗ kim để voi lách vào? Tức là có sự tiếp tay, bật đèn xanh của một số cán bộ công quyền?

Nếu không có ai đó bật đèn xanh, đố "ông" nào dám động thổ! Trong dự án xây dựng khách sạn Novotel on the park, ông Phó Văn phòng UBND TP Hà Nội còn cung cấp thông tin sai lệch về ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đưa ra chủ đầu tư là Thuỵ Điển khiến vị Đại sứ Thụy Điển phải lập tức cải chính. Đứng về mặt ngoại giao đã là không ổn, đứng về phía dư luận lại càng không ổn vì quá coi thường nhân dân. Việc làm này không còn là minh bạch thông tin hay không minh bạch thông tin mà hoàn toàn có thể là xuyên tạc, bịa đặt thông tin.

Chuyện con voi lọt qua lỗ kim chính là do sự thiếu minh bạch trong thông tin. Nếu chúng ta có một cơ chế rất cụ thể với những biện pháp chế tài rõ ràng về minh bạch thông tin thì đã không xảy ra tình trạng này? Theo ông, cần có những biện pháp gì để việc thông tin những vụ việc tương tự như thế này được minh bạch?

Để những con voi chui qua được lỗ kim có ảnh hưởng lớn không chỉ về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với nhà nước. Điều đó không có lợi cho sự nghiệp chung. Vấn đề cấp thiết là chúng ta cần có biện pháp để khắc phục và hạn chế nó. Theo tôi, có hai nhóm việc cần phải làm: Một là xây dựng những chế tài để phát huy tính dân chủ, người dân phải được cung cấp đầy đủ thông tin, phải hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Dù trong Hiến pháp đã quy định nhưng chúng ta đang thiếu cơ chế cho việc "trưng cầu ý dân"; Hai là có chế tài xử nặng, công khai với những sai phạm, gây ra hậu quả. Phải truy tận nơi những người sai phạm và xử theo pháp luật.

Xin hỏi câu ngoài lề, nếu những sai phạm ấy lại bắt nguồn từ những người tiền nhiệm?

Thì vẫn phải đưa ra để xem xét về sai phạm một cách công bằng. Ở các nước tiên tiến không có việc "hạ cánh an toàn". Những ai mắc sai phạm, khi bị phát hiện, dù đã nghỉ hưu lâu rồi cũng vẫn bị xử lý như thường. Chừng nào chúng ta chưa làm được việc quy kết trách nhiệm của người có chức, quyền mắc sai phạm trong quá khứ thì chừng đó, chúng ta còn chưa thể ngăn chặn hậu quả sẽ xảy ra của những việc làm sai trái hiện tại.

Minh bạch thông tin là công cụ đắc lực

Trở lại với việc minh bạch thông tin. Dù yêu cầu minh bạch thông tin hiện nay khá cấp bách nhưng việc xây dựng những định chế cho nó quả không dễ dàng và không thể một sớm, một chiều?

Tất nhiên đó là cả một quá trình và đòi hỏi cần có sự thống nhất từ trên xuống dưới. Trước hết, theo tôi cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, đẩy mạnh tự do ngôn luận và tự do báo chí theo đúng thực tế tình hình... Sau là cần đẩy mạnh việc công khai thông tin với người dân, tất nhiên là không phải lúc "sự đã rồi" hay khi bị báo chí xới tung lên mới cho dân tham gia góp ý kiến.

Có lần ông nói đại để là sự minh bạch thông tin chính là công cụ đắc lực để phát triển đất nước. Lại có lần ông nói trong thương trường, các doanh nghiệp bao giờ cũng có lỗi. Tại sao ông lại nói như vậy, hay nói cách khác, hai điều này có mối quan hệ gì với nhau?

Đó chính là hai mặt của một sự việc. Khi không có thông tin hoặc các thông tin đưa ra không minh bạch thì những phần tử thoái hóa trong cơ quan công quyền luôn có rất nhiều lý do để phạt doanh nghiệp nếu họ muốn. Một thực tế là có những nhân viên thuộc cơ quan quản lý nhà nước (thuế vụ, hải quan...) cũng không muốn chỉ cho doanh nghiệp thấy làm thế nào để khỏi mắc lỗi, vì nếu chỉ ra hết thì thì họ chỉ còn "ăn cám". Cũng có không ít trường hợp, sau khi bị phát hiện có lỗi, số tiền lẽ ra bị phạt sẽ được các nhân viên này gợi ý chia chác. Rồi chính họ sẽ là người "múa" trên sổ sách để xóa lỗi cho doanh nghiệp. Muốn doanh nghiệp không mắc lỗi, tránh được lỗi thì phải minh bạch thông tin và đó chính là lý do tại sao tôi nói minh bạch là công cụ đắc lực để xã hội phát triển.

Có minh bạch mới có niền tin và sự đồng thuận

Và nghĩa là theo ông muốn kinh tế phát triển thì, việc cần nhất hiện nay là minh bạch thông tin cho doanh nghiệp?

Đúng thế. Muốn làm được việc này, về phía cơ quan quản lý nhà nước, phải thay đổi tư duy quản lý doanh nghiệp bằng tư duy hỗ trợ, phục vụ để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động. Về phía các doanh nghiệp, cần phải nắm vững luật pháp và yêu cầu được cung cấp thông tin. Khi bị chỉ ra lỗi thì cần làm sáng tỏ, không thỏa hiệp với các nhân viên có ý định "gợi ý chia chác để xóa lỗi".

Nhưng ngược lại, cũng có những doanh nghiệp không muốn minh bạch thông tin?

Đúng là như thế. Họ lấy cớ bí mật kinh doanh để khước từ cung cấp thông tin kể cả cho cổ đông. Đặc biệt là các doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán ITC và OTC. Có thể nói, hiện tượng xào nấu báo cáo tài chính dường như đang trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhất là khi kinh tế hiện đang gặp khó khăn. Nó cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý của cơ quan hữu trách, sự bất lực trong minh bạch hoá thị trường và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trước những "vụ lợi" của một số doanh nghiệp.

Nhưng chúng ta có cơ quan kiểm toán tài chính?

Rất tiếc là bộ phận này còn thiếu kinh nghiệm, thiếu nhân lực và... thiếu một số thứ nữa nên làm việc chưa hiệu quả và mặt khác, chúng ta cũng chưa có những chế tài cụ thể về vấn đề này.

Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để mọi người đều được sống và làm việc một cách minh bạch trong một không gian thông tin minh bạch?

Trước hết là cơ quan quản lý nhà nước cần minh bạch thông tin, sẵn sàng cung cấp thông tin cho người dân, nhất là với các dự án nhạy cảm, động chạm đến vấn đề dân sinh. Khi có các vấn đề nảy sinh, người có trách nhiệm cũng cần phải sẵn sàng đối thoại với dân để tìm ra tiếng nói chung.

Minh bạch thông tin, xét cho cùng là tạo niềm tin cho nhau, từ đó tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Khi thống nhất được ý chí trong dân thì không khó khăn nào lại không thể vượt qua.

Xin cảm ơn ông!

Kim Khánh - Hà Vân