Bỗng dưng mất mạng bởi người mắc bệnh tâm thần: Làm sao để tránh rủi ro?

Thời gian qua xảy ra khá nhiều vụ trọng án do người tâm thần gây ra. Dư luận cho rằng, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ nhóm đối tượng này, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Mới đây, chị V.T.H (sinh năm 1978, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - nhân viên Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên khi đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy hướng về đường Xuân Thủy thì bất ngờ bị một nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu. Hậu quả của việc tấn công làm chị V.T.H tử vong tại chỗ.

Kết quả điều tra cho thấy, kẻ thủ ác là Lê Như Toàn là đối tượng không nghề nghiệp, bản thân có tiền sử bệnh tâm thần, giữa nghi phạm và nạn nhân không quen biết nhau và không có mâu thuẫn.

Còn tại Quảng Ngãi, một nữ nhân viên y tế của Trạm y tế xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức đã bị ông Nguyễn Thành Sơn (người mắc bệnh tâm thần) dùng cây gỗ đánh tử vong khi đang trên đường đi làm về nhà.

Đáng chú ý là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, TP Hà Nội. Đối tượng Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, ở Thanh Trì, Hà Nội) là bệnh nhân tâm thần, đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc tại bệnh viện này đã bị cơ quan chức năng bắt giữ về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy.

Bỗng dưng mất mạng bởi người mắc bệnh tâm thần: Làm sao để tránh rủi ro? - 1

Thực nghiệm hiện trường vụ nữ công nhân môi trường bị kẻ có tiền sử bệnh tâm thần sát hại.

Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý người tâm thần. Theo Điều 21 BLHS 2015 sửa đổi, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với người mắc bệnh tâm thần bị mất năng lực hành vi dân sự, người giám hộ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp người giám hộ chứng minh mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải bồi thường - luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Còn theo Điều 49 BLHS 2015, với người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần, Viện KSND hoặc tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Đối với người có năng lực trách nhiệm hình sự trong khi phạm tội nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Với người đang chấp hành hình phạt tù nhưng bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do miễn chấp hành hình phạt, người này phải tiếp tục chấp hành hình phạt. Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần chỉ được áp dụng khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó đồng nghĩa với việc trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần chữa trị trước khi có những chuyện đáng tiếc xảy ra phụ thuộc phần lớn vào sự tự nguyện của gia đình. Thực tế cho thấy, nhiều người bệnh không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng.

'Cần phải có quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với những trường hợp tâm thần. Đặc biệt, đối với người bị tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật khi bị bắt buộc chữa bệnh phải quản lý chặt chẽ như tách riêng ra, tránh để xảy ra các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự" - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo www.anninhthudo.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm