Bô xít Tây Nguyên: 4 câu hỏi lớn mong được trả lời

(Dân trí) - Ngày 22-11-2010, VnExpress.net có bài “Quốc hội chất vấn về bô xít và Vinashin” của Hoàng Lan. Nhân bài viết này, TS Lại Huy Phương có 4 câu hỏi xin gửi đến Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và TKV.

Bài viết có đề cập: “Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng, dự án bô xít Tây Nguyên có hiệu quả và phù hợp với sự phát triển của ngành và quan điểm của Bộ trước sau như một. …

Bộ Công Thương và phía TKV, đơn vị trực tiếp triển khai cho rằng, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao …

Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương và TKV liên tục khẳng định dự án trong phạm vi an toàn…. 

Bộ Công Thương không có kiến nghị dừng, ngược lại, đang chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ nhà máy Tân Rai…. ”.

Với dự án bô xít Tây nguyên, vấn đề sẽ sáng tỏ khi chúng ta trả lời 4 câu hỏi sau.

Câu hỏi 1: Sản phẩm dự án là nhôm tinh chế hay quặng sơ chế alumina ?

Lựa chọn phù hợp là nhôm tinh chế, vì hiệu qủa kinh tế chắc chắn cao hơn và thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn.

Nhưng Dự án đã chọn quặng sơ chế alumina. Đó là lí do chính đáng, vì ở thời điểm này, nguồn điện không đủ để làm nhôm.

Tuy nhiên, lựa chọn chưa phù hợp này dẫn tới 2 hạn chế. Hiệu quả kinh tế thấp (có thể lỗ), thị trường tiêu thụ khó hơn. Liệu đây có thể gọi là “bán lúa non?”.

Câu hỏi 2: Công nghệ của dự án, chọn công nghệ thải "khô" hay "ướt" ?

Lựa chọn phù hợp là công nghệ thải “khô”, vì đây là công nghệ mới tiên tiến, tính độc hại của bùn đỏ giảm đáng kể.

Dự án đã chọn công nghệ thải “ướt” là công nghệ cũ. Lí do cũng chính đáng, vì do lựa chọn 1 không phù hợp, nên nếu doanh nghiệp chọn công nghệ thải khô (đắt hơn), hiệu quả kinh tế sẽ thấp hơn nữa, chắc chắn lỗ.

Lựa chọn chưa phù hợp này dẫn đến nguy cơ độc hại của bùn đỏ tăng lên. Rủi ro môi trường lớn hơn.

Câu hỏi 3: Chọn địa điểm nhà máy và hồ chứa bùn thải độc hại: Đặt trên cao nguyên, tại chỗ khai thác quặng (đầu nguồn sông) hay ở địa điểm thấp, gần biển ?

Lựa chọn phù hợp là nhà máy và hồ chứa bùn thải độc hại cần đặt ở địa điểm thấp, gần biển, vì khi có rủi ro tràn, vỡ bể chứa, việc khắc phục sẽ dễ hơn và nguy cơ lan rộng dễ hạn chế hơn, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Còn trên cao đầu nguồn lưu vực sông, rủi ro có thể biến thành thảm hoạ sinh thái môi trường, ảnh hưởng tới hàng triệu ha đất đai, hàng triệu dân ở hạ lưu sông.

Dự án đã chọn địa điểm trên cao nguyên. Lí do chọn được nêu là để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển KTXH của địa phương Tây nguyên. Lựa chọn chưa phù hợp này đã làm tăng rủi ro môi trường, tăng sự bất an khi nghĩ về dự án. 

Câu hỏi 4: Thời điểm triển khai dự án. Triển khai ngay hay chờ thời điểm phù hợp khi đủ nguồn điện với giá điện đủ rẻ để làm nhôm tinh chế?

Lựa chọn phù hợp là chờ thời điểm thích hợp. Khi đó các lựa chọn khác 1-3 đều có điều kiện để lựa chọn đúng, tạo nên một dự án hiệu quả, an toàn, có sự đồng thuận của xã hội.   

Ngoài ra, lúc đó hạ tầng giao thông cũng sẽ tốt hơn, khả năng bảo vệ môi trường như rừng, đất đai… cũng tiến bộ hơn. Và khi đó chắc chắn nước ta sẽ triển khai thành công một ngành công nghệ Bô xít nhôm với hiệu quả kinh tế xã hội cao, mà nỗi lo làm đổ vỡ môi trường của Tây Nguyên sẽ bớt đi.

Tuy nhiên, dự án đã triển khai ngay, từ các năm 2008-2009. Khi giải trình những người có trách nhiệm đã giải thích đây là chủ trương đã được quyết định.

Câu hỏi cuối là: Như vậy trên cả 4 tiêu chí đã nêu, lựa chọn của dự án đều không phù hợp, với hiệu quả kinh tế, xã hội, chắc chắn thấp, rủi ro môi trường cao. Với 1 dự án phi tối ưu trên toàn cục như thế, các chứng minh rằng “dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao …liên tục khẳng định dự án trong phạm vi an toàn” về môi trường phỏng có ích gì?.

Rất mong nhận được câu trả lời của TKV, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Lại Huy Phương, TS Nông học