Bó tay với vấn nạn sách giả

Một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các nhà xuất bản (NXB) hiện nay là phải đương đầu với nạn "luộc sách". Không hiếm những cuốn sách “ra lò“ chưa đầy một tuần đã có ngay sách giả trên thị trường và được bán công khai với giá giảm từ 40 đến 50%.

Một đại diện của NXB Văn hoá - Thông tin cho biết, việc in lậu sách đã trở nên hết sức tinh vi, với công nghệ cao. Nhiều khi, ngay cả NXB có sách bị in lậu cũng khó phân biệt và phát hiện được đâu là sách thật, đâu là sách in lậu. Đối với những người làm ra cuốn sách còn khó nhận biết được, huống hồ người mua sẽ còn khó nhận biết đến mức nào. Như vậy, dù có không muốn mua sách lậu, song nhiều người rất dễ vô tình mua phải. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Ông Phạm Sỹ Sáu, Trưởng ban Khai thác đề tài và giao dịch tác quyền, NXB Trẻ cho biết, nhiều cuốn sách giả trên thị trường trông còn đẹp hơn cả sách thật. Sở dĩ như vậy là vì làm sách giả chỉ phải đầu tư vào cơ sở vật chất ban đầu, giấy, mực in chứ không phải lo đến việc nộp thuế hay tiền dịch bản thảo, tiền tác quyền khai thác tác phẩm... Vì vậy, đối tượng in lậu sách có thể đầu tư nhiều hơn cho việc in sách và in được những cuốn sách đẹp. 
 
Cũng chính vì tránh được nhiều chi phí như vậy, nên tỷ lệ chiết khấu của sách giả là rất cao, có thể lên tới 60 đến 70%. Trong khi đó, do phải thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước, nên các NXB phải tính toán giá thành sách một cách cụ thể và đầy đủ để cố gắng đảm bảo chi phí thấp nhất có thể. Vì vậy, tỷ lệ chiết khấu của các NXB đối với các công ty phát hành sách hay các cửa hàng bán sách hiện chỉ từ 25 đến 30%. 
 
Theo ông Sáu, tình trạng sách in lậu gây thiệt hại lớn cho các NXB. Trước đây, thường từ 1 đến 2 tháng sau khi xuất bản sách thật thì sách giả mới có mặt trên thị trường, nhưng từ đầu năm 2008 đến nay, tốc độ phát triển của sách giả rất nhanh, có những cuốn chỉ 4 đến 5 ngày sau đã có mặt trên thị trường.
 
Nhân viên phát hành của NXB Trẻ hiện cũng thường kiêm luôn việc phát hiện sách giả trên thị trường. Thông thường, khi phát hiện được sách giả, NXB báo cho lực lượng quản lý thị trường biết để xử lý. "Hiện mức hình phạt xử lý các trường hợp làm sách giả là quá nhẹ. Chính vì vậy, nhiều nơi người ta sẵn sàng chịu phạt để làm giả sách. Không hiếm những trường hợp người làm sách giả chỉ bị xử lý hành chính, xong rồi sách vẫn tiếp tục được bày bán công khai trên thị trường", ông Sáu nói. 
 
Trên thực tế, nhìn chung, việc phát hiện ra sách giả là không khó, tuy nhiên, điều cốt yếu là phụ thuộc ở những người bán sách. Ông Sáu cho biết: "Những người bán sách chỉ có văn hoá thôi thì chưa đủ, mà quan trọng là phải có văn minh bán hàng nữa. Giữa văn hoá và văn minh là một khoảng cách rất lớn. Hầu hết những người bán sách lẻ trên thị trường đều không chịu sự quản lý nào, nên chỉ vì lợi nhuận cá nhân mà rất nhiều người trong số họ sẵn sàng bán hàng giả mà không nghĩ gì đến quy định của luật pháp hay quyền lợi của những người làm sách thật". 
 
Ông Sáu còn cho biết thêm, sách bán chạy trên thị trường chủ yếu là sách viết về kinh tế và bàn về lối sống đẹp là loại sách bị làm giả nhiều nhất. 

Hồng Anh
Theo Báo Đầu tư


LTS Dân trí - Sách giả là loại hàng giả mà hoàn toàn như thật, nhiều khi còn in đẹp hơn hàng thật, mà giá bán lại rẻ hơn rất nhiều (có khi bằng  1/2-1/3), vì thế người mua không có lý do gì để từ chối. Còn người bán, lại được hưởng chiết khấu cao gấp hai, ba lần so với bán hàng thật. Luật pháp chế tài đối với những người làm sách giả và bán sách giả lại  chưa nghiêm, chỉ xử lý bằng mức phạt rất nhẹ.

Với những lý do nói trên, đương nhiên “vấn nạn” sách giả có cơ hội ngày càng phát triển, gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất bản cũng như các tác giả ( mất tác quyền) và tạo nên nếp xấu làm ăn gian lận trong xã hội.

Tình trạng làm ăn gian lận trắng trợn đó có thể ví như hành động của bọn “ăn cướp ngày” nhưng không bị dư luận lên án nghiêm khắc và không bị pháp luật trừng trị thích đáng là điều không được phép tồn tại trong một xã hội quản lý có nền nếp, có kỷ cương của một nhà nước pháp quyền.

Không thể để kéo dài tình trạng vô lý như vậy. Các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về lĩnh vực náy phải tìm ra giải pháp chấm dứt nạn in sách giả và phát hành sách giả.