Bộ NN&PTNT kết luận không có sai phạm kinh tế ở Vigecam

(Dân trí) - Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc làm rõ nội dung khiếu nại sau thanh tra tại Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam). Ngày 5/9/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản báo cáo kết quả rà soát ở Vigecam.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 5692/VPCP-KNTN ngày 1/8/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc khiếu nại tố cáo sau thanh tra tại Vigecam, trong đó giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2613/KL-TTCP ngày 1/9/2010 để rà soát, xử lý theo thẩm quyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức triển khai và đã có văn bản số 2636/BNN-TTr ngày 20/8/2012 báo cáo Thủ tướng chính Chính phủ về tiến độ thực hiện. Sau quá trình triển khai rà soát, ngày 5/9/2012, Bộ Trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã ký văn bản số 3018/BC-BNN-TTr báo cáo kết quả rà soát xử lý sau thanh tra tại Vigecam lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại một số nội dung trong kết luận thanh tra.
 
Bộ NN&PTNT khẳng định không có sai phạm kinh tế ở Vigecam
Bộ NN&PTNT khẳng định không có sai phạm kinh tế ở Vigecam

Về kết luận bán nhà dự án 53 căn hộ tại Dịch Vọng, quận Cầu Giấy không qua sàn giao dịch bất động sản vi phạm Luật kinh doanh bất động sản, vi phạm trong việc định giá bán, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức rà soát và đưa ra kết quả như sau: Vigecam đã thuê thẩm định giá bán căn hộ, đã thực hiện bán căn hộ qua sàn giao dịch của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ địa ốc ABC, nghĩa là đã qua sàn giao dịch bất động sản. Việc Vigecam bán 11 căn hộ cho các đối tượng ngoài Tổng công ty là bán theo Nghị quyết ngày 1/9/2009 của HĐQT, ban hành sau Quyết định số 61/QĐ-HĐQT-VT ngày 30/7/2007 của HĐQT Tổng công ty. Việc quyết định phương án bán căn hộ ra ngoài là đúng thẩm quyền của HĐQT, không trái với mục tiêu dự án được phê duyệt tại Quyết định số 61/QĐ-HĐQT-VT ngày 30/7/2007 là “Phát triển quỹ đất ở nhằm đáp ứng một phần nhu cầu về diện tích ở đối với dân nội thị, trọng tâm là phục vụ nhu cầu nhà ở của cán bộ công nhân viên Tổng công ty VTNN”.

Dựa trên kết quả rà soát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại đối với kết luận là sai phạm trong việc định giá bán, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, vì Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1816/BXD-QLN ngày 22/9/2010 là: “nếu chỉ căn cứ giá chào bán thu nhập trên mạng internet để kết luận chủ đầu tư gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng là chưa thỏa đáng

Về việc bán căn hộ cho 12 hộ dân: Sau khi Thanh tra Chính phủ có văn bản 2613/KL-TTCP ngày 1/9/2010 về việc kết luận thanh tra nội dung tố cáo tại Vigecam, ngày 22/9/2010 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 6307/VPCP-KNTN gửi Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị có ý kiến về kết luận thanh tra tại Vigecam để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18/10/2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7449/VPCP-KNTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra tại Vigecam, trong đó giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vigecam giải quyết khiếu nại của 12 hộ dân về việc mua căn hộ tại dự án 53 căn hộ phường Dịch Vọng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản 3583/BNN-TTr ngày 3/11/2010 yêu cầu Vigecam giải quyết dứt điểm cho 12 CBCNV có đơn khiếu nại mỗi hộ dân được mua 1 căn hộ của dự án tại phường Dịch Vọng. Đến ngày 21/2/2011, Vigecam đã giải quyết dứt điểm việc bán nhà cho các hộ dân, đến nay không có khiếu nại. Dự án đã thực hiện xong, đang quyết toán và bàn giao căn hộ theo đúng quy định. Ngày 24/11/2011, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 8395/VPCP-KNTN thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đồng ý với kết quả xử lý sau thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về kết luận có khuất tất trong việc cho thuê khách sạn 120 Quán Thánh: Trong 3 công ty bỏ giá đấu giá cao nhất, Công ty Du lịch và khách sạn Hoàng Dương (bỏ 720 triệu đồng/tháng) và Công ty CP thương mại Minh Phúc (720 triệu/tháng) đã vi phạm Nghị định số 149/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh lực du lịch nên không được xem xét. Vì vậy, Vigecam đã lựa chọn Công ty Hải Linh được thuê khách sạn. Mặc dù bỏ giá thấp hơn 2 công ty trên (tổng cộng là 680 triệu/tháng), nhưng khi thương thảo, Vigecam đã ký hợp đồng cho Công ty Hải Linh với mức giá thuê 780 triệu/tháng, cao hơn 2 công ty trên là 60 triệu/tháng. Như vậy, việc Vigecam lựa chọn cho Công ty Hải Linh thuê khách sạn 120 Quán Thánh là không vi phạm, không gây thiệt hại. Kết luận thanh tra cũng không kết luận tiêu cực, tham nhũng trong việc cho thuê này.
 
Văn bản báo cáo của Bộ Trưởng Cao Đức Phát
Văn bản báo cáo của Bộ Trưởng Cao Đức Phát

Trước đó, ngày 29/8/2012, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga đã ký văn bản 5700/BGDĐT-GDĐH báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề bằng cấp của ông Nguyễn Đức Phong.

Văn bản của Bộ Giáo dục & Đào tạo nêu rõ: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5692/VPCP-KNTC ngày 1/8/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc khiếu nại tố cáo sau thanh tra tại Tổng Công ty vật tư Nông nghiệp, Bộ Giáo dục & Đào tạo xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều kiện dự thi đại học tại chức Trường Đại học Ngoại thương khóa học 1991-1996 của ông Nguyễn Đức Phong như sau:

1. Ông Nguyễn Đức Phong không có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, chỉ có giấy xác nhận học xong chương trình bổ túc văn hóa hết chương trình cấp 3 tại Trường Quân chính, Quân đoàn 3 (Giấy xác nhận số 1167/NT-KH ngày 3/11/2011 của Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng).

2. Ông Nguyễn Đức Phong có thời gian tại ngũ (3 năm) đóng quân tại miền núi phía Bắc và Tây nguyên (Theo nội dung văn bản số 902/GXN ngày 21/8/2012 về việc xác nhận thời gian công tác tại Quân đoàn 3 của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3).

3. Trường Đại học Ngoại thương có công văn số 350/CV- ĐHNT - QLĐT ngày 20/10/2011 về việc xác minh tính hợp lệ của hồ sơ thi vào hệ tại chức của Trường Đại học Ngoại thương năm 1991 của ông Nguyễn Đức Phong, trong đó khẳng định hồ sơ dự thi vào Trường Đại học Ngoại thương của ông Nguyễn Đức Phong được thực hiện theo Thông tư số 256/TT- ĐTTC ngày 17/4/1990 của Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh vào hệ đào tạo tại chức đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

4. Theo quy định tại mục 2.1, Thông tư số 256/TT- ĐTTC ngày 17/4/1990 của Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh vào hệ đào tạo tại chức đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp: Thí sinh là người Kinh đã công tác tại vùng núi, rẻo cao và hải đảo từ 3 năm trở lên thì được hưởng tiêu chuẩn như người dân tộc thiểu số, chỉ cần có giấy chứng nhận học hết chương trình bổ túc văn hóa trung học.

Trên cơ sở kết quả xác minh và báo cáo thẩm tra của các cơ quan liên quan, Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định việc giải quyết của Trường Đại học Ngoại thương cho học, cấp bằng tốt nghiệp đại học cho ông Nguyễn Đức Phong đúng với quy định tại Thông tư số 256/TT- ĐTTC ngày 17/4/1990 của Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh vào hệ đào tạo tại chức đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Bộ Giáo dục & Đào tạo báo cáo thêm: Hiện nay, hồ sơ lưu trữ liên quan đến việc học tập chương trình bổ túc văn hóa hết cấp 3 và dự thi tuyển sinh của ông Nguyễn Đức Phong bị thất lạc, các xác minh và báo cáo của các đơn vị liên quan được xác nhận ở thời điểm hiện nay.

Bộ Giáo dục & Đào tạo gửi kèm theo công văn trên các văn bản đã xác minh gồm: Giấy xác nhận số 1167/NT-KH ngày 3/11/2011 của Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng; Văn bản số 902/GXN ngày 21/8/2012 về việc xác nhận thời gian công tác tại Quân đoàn 3 của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3; Công văn số 350/CV- ĐHNT - QLĐT ngày 20/10/2011 về việc xác minh tính hợp lệ của hồ sơ; Thông tư số 256/TT- ĐTTC ngày 17/4/1990 của Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh vào hệ đào tạo tại chức đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Ban Bạn đọc