Biên soạn lại tư duy
(Dân trí) - Đề án 70.000 tỉ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông của Bộ GD – ĐT tạo nên một cuộc tranh luận và đóng góp ý kiến sôi nổi từ xã hội.
Câu chuyện về SGK đã được bàn luận từ nhiều năm nay. Các nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng chương trình của SGK quá nặng, cho nên buộc giáo viên phải nhồi nhét cho hết kiến thức, bất kể học sinh có tiêu hóa được hay không. Học sinh Việt Nam không phải học mà “cày”, cày trong lớp, về nhà, ở các giờ học thêm. Cách học này tạo ra một thế hệ nhiều chữ nhưng ít tư duy, thuộc bài nhiều nhưng hạn chế sức tưởng tượng, bắt chước giỏi nhưng không có sáng tạo.
Câu chuyện SGK còn được bàn luận ở khía cạnh khác, đó là độc quyền biên soạn, in ấn và phát hành. Dư luận từng lên tiếng nên xóa bỏ độc quyền, tạo điều kiện cho nhiều nhóm biên soạn SGK, nhiều cơ sở in ấn và nhiều kênh phát hành. Cách làm này sẽ huy động được trí tuệ của nhiều chuyên gia, giới học thuật, sẽ có những bộ sách đảm bảo chương trình của Bộ GD – ĐT, nhưng cách soạn sách linh động, phong phú, giàu tri thức, hấp dẫn và để truyền đạt, dễ tiếp thu. Cách làm này cũng xóa bỏ sự độc quyền trong biên soạn đặc biệt là độc quyền trong in ấn và phân phối. Xã hội có thêm nhiều bộ sách để lựa chọn, giảng dạy, nhưng Nhà nước lại bớt đi gánh nặng ngân sách.
Giáo sư Cương đưa ra một giải pháp là “biên tập” lại bộ sách cũ để mang lại một tinh thần mới. Bởi vì, trong bộ sách cũ vẫn có những giá trị đáng được thừa nhận, đó là công sức, trí tuệ của những người biên soạn. Cắt bỏ những cái chưa cần thiết để tạo ra một sản phẩm mới mà không cần bỏ tiền biên soạn một bộ sách mới là sáng kiến rất có giá trị. Tuy nhiên, muốn biên soạn lại bộ sách cũ trên tinh thần mới trước hết phải “biên soạn” lại tư duy giáo dục. Hay nói đúng hơn là triết lý giáo dục.
Lê Chân Nhân