Hà Nội:

Biến đất ở thành đất lâm nghiệp để trốn bồi thường tại huyện Sóc Sơn

(Dân trí) - Thu hồi hơn 15.000m2 đất ở và đất vườn của dân, thay vì chiếu theo bảng giá đất của thành phố để bồi thường, Chủ tịch UBND xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) Tạ Văn Viễn "phù phép" biến thành đất lâm nghiệp để chủ đầu tư "đỡ tốn kém".

Người dân nghi ngờ có sự "đi đêm" giữa Chủ tịch xã Minh Trí và chủ đầu tư trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất.
 

Toàn cảnh khu đất trước và sau khi giải phóng mặt bằng

Toàn cảnh khu đất trước và sau khi giải phóng mặt bằng
Toàn cảnh khu đất trước và sau khi giải phóng mặt bằng

Nguồn gốc đất hợp pháp

Vào các năm 1991, 1992, các ông bà Tạ Văn Quỳnh, Tạ Văn Sông, Nguyễn Văn Quý và Dương Văn Xuyến, đều ở thôn Thắng Trí, xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) được UBND xã Minh Trí giao cho sử dụng 4 thửa đất tại thôn Thắng Trí. Mỗi thửa đất UBND xã Minh Trí cấp cho các ông bà trên đều có 400m2 đất ở, còn lại là đất vườn. Chiếu theo Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai 2003 thì nguồn gốc đất ở và đất vườn của các hộ gia đình trên là hợp pháp. Sau khi được giao, các hộ gia đình này sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ đó cho tới khi chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất vào năm 2007.

Ngày 25/7/2007, bà Nguyễn Thu Hà (phố Minh Khai, Hà Nội) có mua của các ông bà Tạ Văn Quỳnh, Tạ Văn Sông, Nguyễn Văn Quý và Dương Văn Xuyến 4 thửa đất nói trên, với tổng diện tích là 15.176m2, trong đó có 1.600m2 đất ở và 13.576m2 đất vườn. Việc mua bán của bà Hà và các ông bà kể trên đã thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai là có sự chứng thực của UBND xã Minh Trí.

Như vậy, nguồn gốc 4 thửa đất bà Hà đã mua hết sức rõ ràng, việc mua bán chuyển nhượng với các chủ đất cũng đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Do vậy, 4 thửa đất nói trên đương nhiên là tài sản hợp pháp của bà Nguyễn Thu Hà.

"Hô biến" đất ở thành đất lâm nghiệp

Ngày 22/12/2011, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 5931/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh ký, thu hồi 23.351,4m2 đất tại thôn Thắng Trí, xã Minh Trí để giao cho Cục Kho vận thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng kho dự trữ quốc gia Thắng Trí. Tại quyết định này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cũng đã khẳng định: Chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ với UBND huyện Sóc Sơn để tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người bị thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.

Vậy nhưng, không hiểu vì lẽ gì, khi xác định nguồn gốc đất để trình phương án bồi thường đề nghị UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt cho các chủ đất trong diện bị thu hồi, UBND xã Minh Trí lại "hô biến" các mảnh đất ở và đất vườn hợp pháp của người dân thành... đất lâm nghiệp. "Giấy tờ cấp đất của UBND xã Minh Trí cấp cho các chủ đất là giấy tờ "trôi nổi" không hợp pháp. Cho dù là đúng UBND xã Minh Trí cấp thì cũng trái thẩm quyền cấp đất..." - Chủ tịch UBND xã Minh Trí Tạ Văn Viễn giải trình với phóng viên.

Trước câu hỏi của phóng viên Chủ tịch xã có nắm được Luật Đất đai, rằng trước thời điểm tháng 10/1993 (khi Luật Đất đai có hiệu lực) thì mọi tồn tại về cấp đất, lấn chiếm đất đều được pháp luật công nhận và có quyền đăng ký để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. ông Viễn gãi đầu gãi tai: "Tôi cũng không rõ lắm, để tôi xem lại...". Việc Chủ tịch xã nhân danh Nhà nước ở cấp cơ sở để xác định nguồn gốc đất có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân, lại hiểu biết về luật hết sức lơ mơ là điều không thể tưởng tượng nổi. Điều đó giải thích vì sao ông Chủ tịch Viễn lại dám ngang nhiên "hô biến" đất ở của dân thành đất lâm nghiệp.

Tiền hậu bất nhất

Từ thời điểm tháng 1/2012 đến nay, UBND huyện Sóc Sơn đã ký tới 3 quyết định về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, với những mức giá khác nhau, thậm chí chênh nhau đến vài trăm triệu đồng. Cụ thể, vào tháng 1/2012, UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt phương án bồi thường cho 4 thửa đất của bà Hà số tiền hơn 352 triệu đồng. Tới tháng 7/2012, UBND huyện Sóc Sơn lại phê duyệt phương án bồi thường 4 thửa đất nói trên với số tiền là hơn 1 tỷ đồng. Đến tháng 1/2013, UBND huyện Sóc Sơn đã "nghĩ lại" và tự hủy bỏ quyết định bồi thường đã ký ngày 19/7/2012 của chính mình.

Đáng ngạc nhiên là mặc dù UBND xã Minh Trí luôn khẳng định 4 thửa đất của bà Hà và một số thửa đất của các hộ khác là đất lâm nghiệp, nhưng ngày 28/6/2012, chính Chủ tịch UBND xã Minh Trí lại khẳng định bà Hà có 1.600m2 đất ở trong tổng diện tích 4 thửa đất, trình UBND huyện Sóc Sơn ban hành Quyết định số 6678/QĐ-UBND ngày 19/7/2012, phê duyệt phương án bồi thường cho bà Hà 1.600m2 đất ở (?).

Giải thích với phóng viên lý do vì sao có sự tiền hậu bất nhất như vậy, ông Chủ tịch Viễn vẫn hết sức quanh co: "Đất của bà Hà mua là không hợp pháp và là đất lâm nghiệp, nhưng vì nể tình nên chúng tôi đề nghị công nhận cho bà Hà số diện tích đất ở nói trên...". Như vậy có thể thấy phương pháp làm việc của ông Chủ tịch xã Minh Trí là theo cảm tính chứ không hề tuân thủ các quy định của pháp luật. Khi ông không thích, không nể tình thì không công nhận đất ở, khi ông hứng lên thì ông công nhận là đất ở?

Tiếp xúc với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt khẳng định quan điểm của UBND huyện là phải hết sức bảo vệ người dân, bởi đây là những trường hợp có giấy tờ hợp pháp: "Người ta mất tiền mua, thậm chí là số tiền không nhỏ, bây giờ thu hồi thì phải bồi thường xứng đáng chứ...".

Tuy nhiên, điều đáng buồn là UBND huyện Sóc Sơn không hề có sự kiểm tra, rà soát mà như một con rối chạy theo sự giật dây của ông Chủ tịch xã Minh Trí. Chỉ trong vòng 1 năm, UBND huyện Sóc Sơn đã 3 lần ký 3 quyết định khác nhau theo sự điều khiển của cấp dưới. "Thẩm quyền xác định nguồn gốc đất là của UBND xã, chúng tôi chỉ làm theo..." - Phó trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Sóc Sơn Nguyễn Hữu Hùng giải thích.

Ban Bạn đọc