Bình Định:
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo dừng sản xuất công ty xả thải khiến học sinh đeo khẩu trang học bài!
(Dân trí) - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo dừng sản xuất đối với Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam tại Cụm công nghiệp Cát Trinh (huyện Phù Cát) để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XII, ngày 7/12, HĐND tỉnh Bình Định, trong phần chất vấn với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định, đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đến nhiều vấn đề như: khai thác khoáng sản (cát, đá,…), trong đó đặc biệt lưu tâm đến việc xả thải của các công ty tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đang diễn ra phức tạp.
Đại biểu Phạm Ngọc Trình cho rằng, hiện nay việc xả thải của các công ty của các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc cho nhân dân. Đặc biệt, gần đây việc Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam tại Cụm công nghiệp Cát Trinh (huyện Phù Cát) xả thải trực tiếp ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường làm hưởng đến đời sống người dân.
“UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt và buộc dừng xả thải 135 ngày để khắc phục ô nhiễm, nhưng công ty này không khắc phục. Vừa rồi, công ty này thuê một công ty khác để thu hồi nước thải chở đi nào thì không ai biết? Không biết Sở TN&MT có biết việc này không? Sở có biết công ty này chở nước thải đi xử lý hay đổ đi đâu?”, ông Trình trình lo lắng đặt vấn đề.
Liên quan đến việc xả thải vi phạm môi trường của Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam tại Cụm công nghiệp Cát Trinh (huyện Phù Cát), ông Đặng Trung Thành- Giám đốc Sở TN&MT Bình Định cho biết, Sở TN&MT tỉnh đã phối hợp với các ngành địa phương kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh xử lý phạt 297 triệu đồng và rút giấy phép xử thải 135 ngày để khắc phục ô nhiễm. Đồng thời, cho phép công ty thuê các đơn vị có chức năng vận chuyển để xử lý. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì 2 công ty được thuê không đủ năng lực để xử lý khối lượng nước lớn.
Ông Thành cũng không nắm rõ việc công ty có thuê công ty khác chở nước thải đi nơi khác để xử lý hay đổ ra môi trường. “Công ty tự xử lý và dùng nước đó để tưới cây, còn chính xác công ty có chở đi hay không thì Sở chưa nắm được”, ông Thành nói.
Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam sản xuất dệt, nhuộm và may mặc. Tuy nhiên, vừa qua công ty này xử lý nước thải không tốt đã xả thải ra môi trường, có ảnh hưởng đến môi sinh. Công ty cũng xả thải trực tiếp ra kênh mương Đồng Đế của huyện làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, có mùi hôi và nước có màu đặc trưng. Qua kiểm tra, có chỉ tiêu BOD5 (200C) vượt 1,6 lần và chỉ tiêu COD vượt 1,19 lần so với Giấy phép xả thải số 12/GP-UBND ngày 21/8/2017 của UBND tỉnh Bình Định.
“Công ty này có hứa với UBND tỉnh sẽ khắc phục xử lý ô nhiễm nhưng hứa không đúng. Qua kiểm tra lần 2, các thiết bị phục vụ cho xử lý nước thải không đảm bảo nên UBND tỉnh tiếp tục không cho dệt, nhuộm mà chỉ có may mặc. UBND tỉnh cũng yêu cầu lượng nước đang còn trong các bể của công ty phải chở đi nơi khác để xử lý cụ thể. Hiện, các công ty đến đăng ký để xử lý nhưng chưa có công ty nào đủ điều kiện để thực hiện. UBND tỉnh giao Sở TN&MT giám sát công ty này chở nước thải này đi đâu, xử lý như thế nào”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng khẳng định, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT theo dõi công ty này, dứt khoát không cho dệt, nhuộm mà chỉ được may mặc.
Liên quan đến việc việc xử lý vi phạm xả thải của Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo dừng sản xuất để khắc phục việc xử lý nước thải, khi nào khắc phục xong đạt yêu cầu thì mới cho hoạt động trở lại.
“Bất kỳ một nhà máy nào buộc phải làm hệ thống xử lý nước thải đảm bảo, nếu hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu thì kiên quyết không được hoạt động. Tại sao lại cho công ty chở nước thải đi nơi khác xử lý, nhà nước có quy định như vậy không? rồi nhà máy chở nước thải đổ đi đâu? đổ ra sông, suối, ra biển à! cái đó lại càng phải nghiêm cấm”, ông Tùng thẳng thắn nói.
Doãn Công