Bạn đọc viết:

Bi hài chuyện … học thuê

Chào các bạn!!! Mình là Kim Anh - Hiện đang là sinh viên. Ai có nhu cầu cần người học hộ xin liên hệ theo số 0975 08xxxx hoặc 098 7xxxxxx. Nhận học ngắn ngày lẫn dài ngày (học dài ngày phí có thể thỏa thuận phí học).

Những câu rêu rao như thế này không còn xa lạ gì đối với các bạn sinh viên, hay những ai có nhu cầu học thuê và thuê học. Nó xuất hiện thường xuyên, liên tục trên các trang web, các diễn đàn một cách công khai và hơn thế nữa nó đã được nâng cấp thành một…dịch vụ. Chưa bao giờ người ta lại thấy học thuê (học hộ) trở nên phổ biến như thế.

Đối tượng được học thuê thường là những người đang theo học các lớp tại chức, các cán bộ hay người đã đi làm, do yêu cầu công việc đê thăng chức hoặc để hợp thức hóa bằng cấp trong khi đó quỹ thời gian lại không nhiều, vậy nên tình trạng học thuê, học hộ mới có đất…làm ăn phát đạt. Duyên, một sinh viên lớp Sử trường ĐH Hải Phòng nói : “Người ta có nhu cầu và mình đáp ứng, có cầu tất sẽ có cung. Mình thấy học thuê chẳng có gì xấu, không làm gì phi pháp mà ???”.
Bi hài chuyện … học thuê - 1
Có cầu ắt có cung

Học thuê bây giờ được coi là một…nghề, một nghề tương đối nhàn mà thu nhập cũng khá cao. Giá của 1 buổi học thuê dao động trong khoảng từ 30-70.000 nghìn, tuỳ thuộc vào việc thoả thuận giữ người học thuê và người được học thuê.

Người học thuê thường là những sinh viên vừa ra trường chưa có việc làm, hoặc những bạn đang trong thời kì nhàn rỗi như nghỉ hè, thực tập. Có khi còn cả những sinh viên đang học chính khóa nhưng vì lí do kinh tế mà phải đi học thuê.

Hậu, sinh viên trường Đại học Hàng Hải cho biết: “Nhà mình nghèo, bố mẹ đều làm nông nghiệp nuôi 3 anh em ăn học, mình đã đi làm thêm ở rất nhiều nơi nhưng công việc không phù hợp mà thời gian lại gò bó. Một lần được đứa bạn mách nước thế là mình đi học thuê cho 1 anh học tại chức trong trường, sau đó anh ấy thuê mình học lâu dài vì còn bận đi làm. Bây giờ mình có tiền trang trải cuộc sống, không phải xin tiên bố mẹ nhiều như trước nữa”.

Hay như Dương trường ĐH Ngoại Ngữ: “Em đi học thuê được 1 năm rồi, mới đầu chỉ là tuần 2 buổi, giờ ngày nào em cũng đi. Học nhàn, công lại cao, đến lớp chỉ mong đến giờ điểm danh rồi về thôi. Mấy đứa trong lớp em cũng thi nhau đi học thuê để…kiếm thêm”.

Giá của một một buổi đi học thuê cao ngất ngưởng, và người thuê phải chi một cái giá khá cao nhưng không vì thế mà học thuê thất thu. Không vì lý do này thì vì lý do khác, học hộ vẫn phát triển tràn lan, chẳng riêng gì tại chức mà ngay cả học chính quy, các “cô chiêu cậu ấm” thuê người đi học chỉ vì lười, bận đi picnic hay đi shopping.

“Bỏ ra một ít tiền, mình vừa có thời gian rảnh rỗi đi đây đi đó thỏa mãn nhu cầu, lại vừa không phải lên lớp ngủ gật, lúc kiểm tra thì chỉ cần chi thêm một khoản nữa là có người làm bài hộ, sướng thế còn gì bằng…” N sinh viên CĐ Bách Nghệ nói.

Trong vai một người đi học thuê cho chị bạn đang học lớp tại chức kế toán tôi mới thực sự thấm thía được thế nào là học thuê. Người giảng cứ giảng, người nghe cứ nghe và người nói chuyện cứ nói chuyện.

Ở đây không quan trọng việc ghi chép bài vở, cũng không quan trọng giáo viên có giảng hay hay không mà điều quan trọng là làm sao cho nhanh đến giờ điểm danh, giờ về. Trừ một số trường hợp đi học để lấy kiến thức cho mình còn lại họ đều là những thành phần “ăn hộ làm giúp” nên cũng chẳng thiết tha gì bài vở.

Trao đổi với cô Vũ Thị Phương Thảo, giáo viên phụ trách môn cơ lý thuyết cho hệ tại chức trong trường Đại học Hàng Hải, cô cho hay : “nhà trường và các giáo viên cũng đã thắt chặt trong vấn đề quản lý, đặc biệt là việc điểm danh. Thời gian trước nhà trường phát hiện 1 số trường hợp học hộ và đã xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên do lượng  sinh viên quá đông, mà thời gian lên lớp lại có hạn nên chúng tôi chỉ điểm danh bằng danh sách lớp xem có đủ sĩ số hay không chứ không thể kiểm tra từng sinh viên được”. Chính vì nguyên nhân này mà tình trạng học thuê, điểm danh thuê ngang nhiên xuất hiện trong các lớp học, đặc biệt là các lớp tại chức buổi tối.

Phải công nhận rằng thu nhập từ học thuê là “cái bánh ngọt” thật hấp dẫn nhưng cái gì cũng có giá của nó. Như Liên (24 tuổi) mếu máo : “Mới đầu em chỉ định học thuê 1 thời gian ngắn thôi, ai ngờ cứ kéo dài mãi, ngoảnh lại đã trượt vài môn. Bây giờ bị treo bằng, chắc năm sau mới lấy được”.

Chỉ vì một chút lợi ích trước mắt mà Liên đã lỡ dở cả tương lai của mình, số tiền mà cô kiếm được từ việc đi học thuê liệu có bù đắp được khoảng thời gian 1 năm tới khi cô phải chật vật để lấy được tấm bằng đại học. Trường hợp như của Liên còn đỡ đau xót hơn Ngân, cô đi học thuê cho một chị lớp trên rồi bị phát hiện. Kết quả là cả Ngân và chị kia đều bị đuổi học. Ở cái tuổi ngoài 20, rồi Ngân sẽ ra sao khi bước ra ngoài đời cô không có gì trong tay, và bố mẹ Ngân sẽ thế nào khi họ biết được cái tin động trời này…

Thế mới biết, chẳng có gì “làm chơi ăn thật” cả. Mọi việc đều phải đổ mồ hôi công sức. Không hiểu rồi khi cầm được tấm bằng do người khác học hộ trong tay, những người được học hộ kia có suy nghĩ gì không? Việc làm đó khác chi việc mua bằng đâu. Biết bao nhiêu trường hợp bị phát hiện, bị xử lý nhưng mọi chuyện đâu vẫn vào đấy.

Học thuê, học hộ vẫn tồn tại và phát triển như một nhu cầu không thể thiếu của xã hội. Làm sao để quản lý, ngăn chặn triệt để tình trạng này, đó vẫn đang là một câu hỏi chưa có lời giải đáp…

Bùi Thị Thuỳ Dương