Bị chồng cũ giả chữ ký để bán nhà, tôi phải làm sao?

PV

(Dân trí) - Giao dịch chuyển nhượng tài sản mà trong đó chữ ký của vợ bị giả mạo thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, các bên phải hoàn trả lại cho nhau tài sản đã nhận là tiền và nhà.

Tôi và chồng cũ có tài sản chung là nhà và đất tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất (Sổ đỏ) đứng tên 2 vợ chồng. Khi ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung, tôi ngỡ ngàng khi phát hiện chồng cũ đã lén giả mạo chữ ký, chữ viết và dấu vân tay của tôi để chuyển nhượng số tài sản này cho một người đàn ông khác. Việc giả mạo đã được các cơ quan có thẩm quyền xác minh và xác nhận.

Trường hợp này, tôi phải giải quyết ra sao?

Độc giả N.T.P. (54 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời:

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Đối với tài sản là bất động sản, thỏa thuận của vợ chồng về việc định đoạt tài sản phải được lập thành văn bản, có sự xác nhận của các bên.

Khoản 2, Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình, bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch.

Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép như sau: "Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó".

Đối chiếu với những quy định trên và kết hợp với những thông tin hiện có, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở là tài sản chung của vợ chồng bà P. Do đó, việc định đoạt, chuyển nhượng cần có sự đồng ý của 2 vợ chồng. Tuy nhiên, chồng bà P. có hành vi gian dối khi giả chữ ký, chữ viết, dấu vân tay của bà để chuyển nhượng tài sản cho một người khác. Do đó, đây thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, dẫn tới hậu quả là các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

"Có căn cứ để xác định hợp đồng chuyển nhượng vi phạm điều cấm của luật, các bên khi đó cần khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận, tức bên mua phải trả lại nhà đất còn chồng bà P. có trách nhiệm trả lại tiền cho người mua", luật sư Trang phân tích.

Về thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết, khoản 3, Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối là không bị hạn chế. Do đó, nếu có đủ căn cứ chứng minh chồng cũ đã có hành vi gian dối nhằm chuyển nhượng tài sản chung của 2 vợ chồng, bà P. có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết, tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chồng cũ và người đàn ông kia là vô hiệu.

Hoàng Linh