Bến Tre: Lão nông 90 tuổi gần nửa đời người mòn mỏi đi kiện đòi đất

(Dân trí) - Năm 1977, ông Lê Văn Thiêm bị chính quyền địa phương trưng dụng hơn 1 ha đất mà không được bồi thường. Suốt mấy chục năm đi kiện, lão nông 90 tuổi này vẫn chưa đòi được đất và phải uỷ quyền cho con mình tiếp tục hành trình đòi công lý.

Mất đất vì bị trưng dụng

Văn phòng Dân trí tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhận được đơn cầu cứu của ông Lê Văn Thiêm, SN 1924 (ngụ ấp 8, Quới Sơn, Châu Thành, Bến Tre) về việc chính quyền địa phương thu hồi đất nhưng không bồi thường cho gia đình ông. Nội sung sự việc như sau: Năm 1966 ông Lê Văn Huẩn có lập di chúc cho con của mình là bà Lê Thị Chơi (SN 1930) sử dụng phần đất diện tích 10.650 m2 tại xã Quới Sơn. Lúc đó do bà Chơi lấy chồng ở xa nên giao cho ông Thiêm (anh ruột bà Chơi - PV) canh tác, quản lý.

Ông Thiêm trồng lúa đến năm 1977 thì UBND tỉnh Bến Tre thông báo trưng dụng toàn bộ phần diện tích đất này để thành lập Trung tâm giống cây trồng Bến Tre mà không đặt vấn đề bồi thường. Ông Thiêm kể lại: “Nói là trưng dụng đất nhưng tôi vẫn canh tác tới năm 1985 thì nhà nước không cho làm nữa nên tôi tiếp tục khiếu nại. Đến năm 1988 nhà nước trả lại cho tôi 4.000 m2 đất nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Năm 1992 UBND tỉnh cấp giấy CNQSDĐ diện tích này cho Trung tâm giống cây trồng nên tôi bị mất toàn bộ đất một cách vô cớ ”.

Bến Tre: Lão nông 90 tuổi gần nửa đời người mòn mỏi đi kiện đòi đất

Ông Thiêm sau mấy chục năm đi kiện giờ già yếu phải uỷ quyền cho thế hệ con, cháu tiếp tục đi tìm công lý

Từ năm 1977 bà Lê Thị Chơi cùng anh ruột mình đội đơn khiếu nại khắp nơi để đòi lại đất mà nhà nước đã trưng dụng. Mãi đến năm 2004 toàn bộ phần đất này được quy hoạch làm Khu công nghiệp Giao Long và gia đình ông Thiêm cũng không được bồi thường. Quá mệt mỏi, bà Chơi uỷ quyền lại cho anh ruột mình toàn quyền quyết định việc đi đòi đất của cha mẹ để lại. Năm 2012 bà Lê Thị Chơi mất vì già yếu mà phần đất được cha mẹ cho vẫn chưa đòi lại được. Ông Thiêm sau mấy chục năm vác đơn đi kiện khắp nơi cũng không đòi được phần đất này. Tới khi tuổi cao, không đi kiện được nữa ông lại tiếp tục uỷ quyền cho con ruột mình là Lê Đắc Hân, SN 1972 tiếp tục hành trình đi tìm công lý cho gia đình.

Mơ 1 lần được gặp Tổng Thanh tra Chính phủ

Về nguồn gốc đất chính quyền địa phương và UBND tỉnh Bến Tre xác nhận đất có nguồn gốc từ ông bà do ông Lê Văn Thiêm trực tiếp sản xuất. Ông Võ Văn Hoà, Nguyên Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã An Phước giai đoạn 1993 - 2004 (nơi có diện tích đất bị trưng dụng - PV) xác nhận: “Trước đây nhà nước đã trưng dụng 10.650 m2 đất của ông Thiêm đang sản xuất để làm Trung tâm giống cây trồng Bến Tre. Ông Thiêm khiếu nại nhiều năm liền nên năm 1988 nhà nước giao trả 4.000 m2 đất cho ông Thiêm sản xuất. Ông Thêm canh tác đến năm 1993 thì đến UBND xã xin đóng thuế nông nghiệp và đăng ký QSDĐ. Khi đó UBND xã chỉ ký xác nhận gửi về sở NN&PTNT giải quyết vì lúc Trung tâm giống bàn giao đất cho ông Thiêm chỉ lập biên bản bàn giao chứ không có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền”.

Phần đất của gia đình ông Thiêm giờ là nhà máy ở Khu công nghiệp Giao Long

Phần đất của gia đình ông Thiêm giờ là nhà máy ở Khu công nghiệp Giao Long

Trong bảng phúc đáp số 224 ngày 18/11/1996 của Sở NN&PTNT trả lời khiếu nại của bà Lê Thị Chơi thừa nhận việc trưng thu đất và cấp lại cho ông Thêm 4.000 m2 đất để ổn định sản xuất. Bảng phúc đáp nêu rõ: “Năm 1977 Uỷ ban lâm thời tỉnh Bến Tre cấp cho Ty lâm nghiệp tỉnh được quyền sử dụng 110 ha đất thuộc cánh đồng năng để xây dựng trại nhân giống lúa cấp III và các công trình phụ (trong đó có phần đất của ông Thiêm đang sản xuất - PV). Năm 1988 ông Lê Văn Thiêm đại diện cho bà Lê Thị Chơi nhận lại 4.000 m2 đất ở lô 2 nhưng việc giao nhận không cóp đủ cơ sở pháp lý giữa 2 bên, không có giấy uỷ quyền… Năm 1991 do yêu cầu đáp ứng việc sản xuất lúa giống nên đã giao trả lại cho Công ty giống toàn bộ đất ở lô 2 để quản lý, sử dụng”. Sở NN&PTNT thừa nhận việc trưng dụng đất nhưng nhất quyết không bồi thường và kể cả việc xác nhận để các cấp có thẩm quyền cấp giấy CNQSDĐ đối với diện tích 4.000 m2 đã trả lại với lý do: “Diện tích 4.000 m2 đất cấp cho bà Chơi sử dụng đất là tạm thời để ổn định cuộc sống, hơn nữa Chủ tịch UBND tỉnh đã cấp quyền sử dụng đất cho Trung tâm giống cây trồng quản lý và sản xuất lúa giống”.

Lên đến cấp tỉnh, ông Thiêm được Chủ tịch UBND tỉnh trả lời qua quyết định số 2236 ngày 06/11/2012 cũng thừa nhận nguồn gốc đất này của gia đình ông Thiêm được nhà nước thu hồi năm 1977 và đến năm 2004 thì quy hoạch thành Khu công ngiệp Giao Long. UBND tỉnh Bến Tre kết luận: “Diện tích đất 10.650 m2 mà ông Lê Văn Thiêm khiếu nại yêu cầu bồi thường tuy có nguồn gốc đất của gia đình ông Thiêm, nhưng thực tế nhà nước đã quản lý, sử dụng từ năm 1977 đến nay. Do vậy việc ông Thiêm khiếu nại yêu cầu bồi thường là không phù hợp với quy định nên không có cơ sở giải quyết”. Cầm quyết định này ông Thiêm vô cùng bức xúc vì cho rằng nhà nước đưa ra quy định này nọ nhưng ông tìm mãi cũng không có quy định nào chỉ rõ việc ngang nhiên lấy đất của dân mà không bồi thường. Bởi, bản thân gia đình ông là nông dân hiền lành chứ không phải là địa chủ, cường hào ác bá hay có nợ máu với nhân dân.

Giấy tờ, hồ sơ liên quan vụ khiếu nại đòi đất của gia đình ông Thiêm
Giấy tờ, hồ sơ liên quan vụ khiếu nại đòi đất của gia đình ông Thiêm

Ông Thiêm xót xa nói mỗi lần xem đài thấy người dân được gặp Tổng Thanh tra Chính phủ, ông cũng ước mơ có một lần được gặp để kể nỗi uất ức mà gia đình mình gánh chịu suốt mấy chục năm liền. Ước mơ ấy như dường rất xa vời vì ông đã ở cái tuổi “gần đất, xa trời” không thể đội đơn lên tới trung ương. Tuy nhiên, ông cho rằng có chết đi thì ông đã uỷ quyền cho con rồi đến cho cháu và các thế hệ kế tiếp để quyết tâm kiện đòi công lý cho bằng được.

Mỗi lần ra Khu công nghiệp Giao Long thấy phần đất ông cha mình dày công khai phá giờ là nhà máy sừng sững mà thế hệ con, cháu của ông chẳng hưởng được gì. Ông thấy có lỗi với tổ tiên và đêm về nằm ngủ nghĩ lại chuyện này nước mắt ông cứ chợt tuôn trào.

Quyết định 201- HĐCP/QĐ ngày 1/7/1980 về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước của Hội đồng Chính phủ nêu rõ tại mục 3.C “Nếu việc thu hồi đất không có lỗi của người sử dụng đất hoặc bị trưng dụng thì giải quyết như sau:

- Trường hợp đất bị thu hồi hoặc bị trưng dụng cần có đất để sử dụng thì được cấp đất khác;

- Trên phần đất bị thu hồi hoặc bị trưng dụng có nhà cửa, công trình xây dựng khác hoặc trồng cây lâu năm hoặc cây ngắn ngày chưa kịp thu hoạch đã phải phá bỏ thì được bồi thường thích đáng. Tổng cục quản lý ruộng đất cùng Bộ tài chính nghiên cứu trình chính phủ khoản tiền bồi thường này. Trong khi chờ văn bản quy định chung, thì uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạm thời quy định cho địa phương”

 

Minh Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm