Bất thường trong liên kết đào tạo thực tập sinh đi Nhật Bản

Điều đáng nói mặc dù biển công ty Việt Ngọc được che lại bằng một tấm bạt lớn song chúng tôi xác định được đây không phải Trung tâm đào tạo và giáo dục định hướng của công ty Machino mà là một công ty tư nhân.

Là một doanh nghiệp lớn thuộc “họ” Dầu khí, nơi có nhiều trung tâm đào tạo “đình đám”, được đầu tư bài bản song khi triển khai đào tạo lao động cung ứng cho thị trường Nhật Bản, công ty máy và thiết bị dầu khí (Machino) lại phải ủy thác cho một công ty tư nhân vừa được thành lập.

Vị luật sư đại diện cho công ty tư nhân này nói với phóng viên, việc hợp tác này là “bí mật kinh doanh”. Vậy có điều gì bất thường cần được làm rõ từ mối liên kết này hay không?
Bất thường trong liên kết đào tạo thực tập sinh đi Nhật Bản
Người lao động đang truyền tay nhau thông báo tuyển dụng này

 

Trúng tuyển một nơi, đi học một nẻo

Thời gian gần đây người lao động ở một số tỉnh phía Bắc nô nức trước thông tin tuyển lao động đi Nhật Bản theo hình thức thực tập sinh trong các ngành nghề như may, chế biến thực phẩm, đúc, tiện, thợ hàn, thợ nề, thợ lắp đặt đường ống, giàn giáo…

Theo thông báo tuyển mà người lao động chuyển cho PLVN thì điều kiện tuyển dụng không quá khó khăn. Lao động nam, nữ độ tuổi từ 19-30, tốt nghiệp PTTH là có thể tham gia chương trình. Mức chi phí được thông báo khoảng 6000 USD/ lao động trong khi mức lương “khủng” cụ thể: tháng thứ nhất 60 ngàn yên đến 75 ngàn yên (tương đương 15 triệu đến gần 19 triệu đồng/ tháng). Từ tháng thứ hai  trở đi mức lương tu nghiệp sinh được nhận có thể lên tới 32 triệu đồng/ tháng (chưa kể tiền làm thêm).

Theo tìm hiểu của phóng viên PLVN, thông báo tuyển dụng này được phát đi từ Trung tâm XKLĐ thuộc công ty Máy, thiết bị dầu khí Machino. Trong vai người lao động, ngày 29.3.2012 phóng viên PLVN đã liên lạc với anh Dũng qua số máy 0982944xxx- người trong thông báo tuyển ghi rõ nếu lao động có nhu cầu thì gọi cho số máy này.

Anh Dũng cho biết công ty đang tuyển thực tập sinh đi Nhật Bản và hẹn phóng viên đem hồ sơ tới số 8 Tràng Thi (trụ sở của Machino) gặp anh để trao đổi trực tiếp. Anh Dũng cũng dặn dò phóng viên rất kỹ lưỡng về việc làm hồ sơ dự tuyển đồng thời cho biết nếu không có tay nghề sẽ được đào tạo tại Trung tâm đào tạo của công ty trong thời gian từ 3 – 6 tháng.

Điều tra riêng của PLVN cho thấy, công ty Machino đã đăng ký hợp đồng đưa thực tập sinh đi Nhật Bản với số lượng 100 người. Hợp đồng được đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước ngày 15/3/2012 trong đó nêu rõ địa điểm đào tạo lao động là tại công ty Việt Ngọc, số 18 Lê Đức Thọ- Từ Liêm, Hà Nội.

Ngày 3.4.2012, nhóm PV đã tới công ty Việt Ngọc và ghi nhận tại đây đang có một số học viên học tiếng Nhật, mặc đồng phục của Việt Ngọc. Trao đổi với các học viên được biết họ đã trúng tuyển đi Nhật Bản qua công ty Machino và hiện đang học tiếng Nhật để chuẩn bị xuất cảnh.

Điều đáng nói mặc dù biển công ty Việt Ngọc được che lại bằng một tấm bạt lớn song chúng tôi xác định được đây không phải Trung tâm đào tạo và giáo dục định hướng của công ty Machino mà là một công ty tư nhân.

Theo quy định của Luật XKLĐ thì một trong những điều kiện để một DN XKLĐ có giấy phép được hoạt động là phải có Trung tâm đào tạo và giáo dục định hướng để tổ chức đào tạo ngoại ngữ cũng như tay nghề, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi. Vậy vì sao Machino- một doanh nghiệp có giấy phép XKLĐ lại đưa lao động tới Việt Ngọc để học tiếng trước khi xuất cảnh?
Bất thường trong liên kết đào tạo thực tập sinh đi Nhật Bản
Trụ sở công ty Việt Ngọc, tấm biển chính đã được che bạt

Tại cuộc làm việc với nhóm PV ngày 5.4, ông Nguyễn Văn Tới, giám đốc Trung tâm XKLĐ thuộc công ty Machino xác nhận : hiện đang có 47 lao động đã trúng tuyển đi Nhật Bản qua công ty đang học tại công ty Việt Ngọc.

Lý giải việc lao động của Machino, đào tạo tại công ty Việt Ngọc, ông Tới cho biết đây là do phía nghiệp đoàn của Nhật chỉ định. Machino đã có hợp đồng liên kết “tay 3” ký giữa Machino, Việt Ngọc và nghiệp đoàn Nhật Bản ủy thác đào tạo tiếng và giáo dục định hướng.

Cho rằng việc đào tạo trước, trong và sau khi trúng tuyển đi Nhật của công ty Việt Ngọc có sự chỉ định từ phía nghiệp đoàn Nhật Bản nên ông Tới cũng cho biết Machino “không có quyền đồng ý hay không đồng ý”. Đồng thời Machino cũng không liên quan tới việc Việt Ngọc thu tiền đào tạo của người lao động.

“Bí mật kinh doanh” hay “nghi án” lập “sân sau”?

Nhằm làm rõ hoạt động đào tạo của công ty Việt Ngọc, nhóm phóng viên đã nhiều lần liên hệ với bà Vũ Xuân Hòa, đại diện của công ty Việt Ngọc song bà Hòa từ chối các cuộc làm việc và chỉ định luật sư gặp phóng viên để trả lời các câu hỏi.

Tại cuộc gặp ngày 5. 4 với vị luật sư giới thiệu tên là Lê Đăng, đại diện cho công ty Việt Ngọc đã từ chối trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến việc Việt Ngọc liên kết đào tạo với Machino. Luật sư Đăng cho rằng đây là các câu hỏi liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật khách hàng nên ông không được phép… tiết lộ.

Tuy nhiên, luật sư Đăng khẳng định trong giấy phép ĐKKD công ty Việt Ngọc có chức năng đào tạo nhân lực còn có chức năng đào tạo XKLĐ hay không luật sư không trả lời thẳng vào vấn đề mà chỉ nói rằng: Việt Ngọc chưa làm gì liên quan đến XKLĐ.

Luật sư Đăng cũng cho biết công ty Việt Ngọc mới thành lập và luật sư Đăng đang làm tất cả để Việt Ngọc hoạt động chuẩn chỉ theo pháp luật. Luật sư Đăng còn nói với phóng viên: “Quan điểm của anh thì mình nên giúp nó”.

Thị trường Nhật Bản xưa nay vốn rất khó tính, các nghiệp đoàn Nhật Bản cũng rất khắt khe khi lựa chọn đối tác. Vậy vì sao một doanh nghiệp vừa thành lập như Việt Ngọc lại được “chỉ định ủy thác đào tạo” như ông Tới nói.

Trong khi đó, là một doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn dầu khí, ông Tới cho biết bản thân Machino cũng có trung tâm đào tạo. Trong Tập đoàn dầu khí cũng có nhiều cơ sở đào tạo uy tín khác như PVD Training. Vậy vì sao Machino lại dễ dàng chấp nhận sự chỉ định của đối tác Nhật Bản cho phép một công ty tư nhân mới được thành lập.

Thông tin riêng của PLVN cho thấy, bà Vũ Xuân Hòa nhân viên phòng Nhật Bản của Machino chính là người đưa các đối tác Nhật Bản về Việt Nam và cũng chính các đối tác này chỉ định Việt Ngọc là nơi đào tạo lao động. Trong khi như đã nói ở trên bà Hòa được biết đến là "người của công ty Việt Ngọc".

“Cô Hòa biết tiếng Nhật và các đoàn đi công tác sang Nhật đều có cô Hòa. Sau khi gặp gỡ, đối tác liên lạc trực tiếp với cô Hòa. Tôi từng đưa lao động đến Đông Đô đào tạo nhưng phía Nhật lại không hài lòng. Các nghiệp đoàn khi qua Việt Nam đều chỉ định Việt Ngọc đào tạo lao động”, ông Tới cho biết.

Đáng lưu ý, ông Tới “tiết lộ” thêm: phía đối tác Nhật Bản đã sang kiểm tra trực tiếp công tác đào tạo và thống nhất cho Việt Ngọc không chỉ đào tạo mà còn quản lý về sau cũng như được liên kết đào tạo tiếp theo, kể cả những ngành nghề Việt Ngọc không có thì vẫn được ủy thác dù sau đó Việt Ngọc phải đi liên kết “tay 4” với một đơn vị khác nữa.

Như vậy có thể thấy, chi phí để đi công tác, mở thị trường Machino phải đầu tư, trong khi lợi nhuận từ hoạt động này lại có thể rơi vào một “sân sau”? Điều này càng nguy hiểm khi toàn bộ hoạt động đào tạo cũng như chi phí đào tạo Machino không kiểm soát được.

Liệu với mối liên kết này, người lao động có phải mất những khoản phí “ngoài luồng” hay không?

Thiết nghĩ, để làm rõ những vấn đề này, cơ quan chức năng, cụ thể là Cục QLLĐNN cần vào cuộc, kiểm tra, làm rõ, tránh hiện tượng doanh nghiệp cho cá nhân, tổ chức nước ngoài núp bóng để “nhận khoán” đơn hàng như đã từng xảy ra ở thị trường Đài Loan mà hiện Bộ LĐTBXH đang có văn bản rà soát và siết chặt để không ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động?

Phía doanh nghiệp được cấp phép hoạt động XKLĐ như Machino cũng cần xem xét lại việc liên kết đào tạo này, nhất là trong bối cảnh Thanh tra Chính phủ vừa công bố các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí “đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả”.

Ông Chu Văn Khánh, trưởng phòng hành chính công ty Machino khi tiếp nhóm phóng viên cho biết quan điểm của lãnh đạo Machino khi kinh doanh XKLĐ là làm vì an sinh xã hội chứ không vì lợi nhuận.

Do vậy nếu như Machino “mất kiểm soát”, phải chiều lòng đối tác đến mức buộc phải ủy thác đào tạo với công ty tư nhân như Việt Ngọc, để người lao động mất thêm chi phí đào tạo không biết là bao nhiêu thì liệu mục tiêu trên có còn đầy đủ ý nghĩa?

Theo Pháp luật Việt Nam