Bao giờ giải thoát con trẻ khỏi áp lực học tập nặng nề?

(Dân trí) - Làm gì có từ "học thêm" vào hè. Mà phải gọi đúng là học kỳ 0. Bởi vì chương trình học là chương trình chính thức, có kiểm tra, có cho điểm và điểm đó được tính cho cả năm học.

Thậm chí, giáo viên chủ nhiệm còn ra thông báo rằng ngoại trừ học sinh nghỉ vì bệnh (có giấy của bệnh viện) hoặc ma chay theo quy định nhà nước mới được chấp nhận, còn nếu không thì bị hạ điểm hạnh kiểm và thậm chí điểm 0.


Nghe thật nực cười, nào là tổ chức cải cách để giảm tải việc học cho học sinh. Nào là chương trình hai không, ba chống để xoá bỏ tư tưởng chạy theo thành tích. Và đủ vô số phong trào. Và cuối cùng cũng chỉ là điều rỗng tuếch. Con tôi làm gì có ngày thứ bảy, chủ nhật, và đương nhiên làm gì có ngày hè.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Riết rồi ai cũng quen điệp khúc, kiểm tra học kỳ, kiểm tra giữa học kỳ, thậm chí kiểm tra đầu kỳ thành ra thi học kỳ, thi giữa kỳ, rồi đến 1 ngày nào đó chắc cũng có luôn thi một tiết. Kiểm tra giữa học kỳ, con tôi về than không biết thi kỳ này đề của Sở hay đề của Trường. Nghe nực cười, chuyện kiểm tra sao biến thành thi, chuyện của Trường biến thành của Sở.

 

Riết rồi ai cũng quen, bé học ở trường chẳng hiểu cái gì. Về nhà đành phải đi học thêm (vì nếu giáo viên ở trường giảng đã hiểu rõ thì đi học thêm để làm gì). Mà ác ở chổ, giáo viên dạy thêm thì cũng từ trường ra. Thế thì bé phải học rất nhiều mới trúng tủ. Học có hiểu gì đâu đành phải trông chờ vào tủ. Thậm chí con tôi còn hay nói giỡn rằng kỳ này đề ra trúng tủ nhưng có bạn bị tủ đè (thi không đạt) vì không có chìa khoá. Không có chìa khoá là đề cho trúng tủ nhưng đổi dữ liệu hoặc đổi trình tự trong đề thi. Ngay cả môn Văn cũng phải làm đề sẵn và học sinh phải học thuộc lòng bài văn đó để đi thi (kiểm tra) - thường thì thuộc lòng là chắc đậu.

 

Riết rồi cũng quen điệp khúc khi phụ huynh tiếp xúc với giáo viên. Con chị học kém lắm phải cố gắng lên. Cố gắng bằng cách nào bằng cách cho bé học phụ đạo, học thêm, tăng tiết. Nghe vô lý là việc học này do chính trường tổ chức. Học buổi sáng 6 tiết, buổi chiều học chính khoá 3 buổi, khi nào cô cần thì bảo lại tiếp tục học thêm ngày còn lại.

 

Buổi chiều có khi học hơn 17g30. Thứ bảy, chủ nhật học luôn. Học như vậy mà thầy cô luôn than với phụ huynh, không đủ thời gian cho bé học, ở nhà nên dạy thêm hoặc cho bé học thêm mới bằng kịp bạn bè.

 

Học vậy máy móc còn chết chứ đừng nói con người. Làm gì có khoãng thời gian nào để bé ôn lại, suy ngẫm, nghiên cứu. Làm gì mà nó hiểu. Chỉ mong hiểu chứ chắc là không mong bé biết. Bé làm gì có khả năng "học đi đôi với hành".

 

Vậy mà cuối cùng,  năm nào cũng trên 90% học sinh tốt nghiệp, hơn 90% khá giỏi. Ai cũng biết trong một chuyên ngành có một số giỏi, nhiều hơn một chút là khá, số đông còn lại là trung bình, vẫn có một ít là kém và quá kém. Chỉ có ở ta thì ai cũng giỏi. Bé giỏi đều, toán cũng giỏi, văn cũng giỏi. Môn học bài cũng giỏi, môn trừu tượng cũng giỏi. Học sinh chúng ta thiên tài. Mỗi có một điều ta vẫn cứ nghèo. Bởi ta quá nhiều người giỏi, giỏi nói và chẳng giỏi làm (biết gì đâu mà làm).

 

Tôi gửi cho báo bài này để nói lên nỗi lòng của mình, cũng chẳng hy vọng thay đổi gì. Nhưng có 2 điều tôi muốn nói :

 - Một là, bé tôi đang học trường Nguyễn Trung Trực ở Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, nói có sách mà.

 - Hai là, nếu bạn nào quan tâm đến cốt lõi và cách thức giải quyết vấn đề thì xin cùng trao đổi hoặc email cho tôi

Chân thành cảm ơn.

MinhTran (perimpco@gmail.com)

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây nói lên sự lo lắng và bức xúc của người mẹ (hay người cha) có con nhỏ phải chịu áp lực quá lớn trong việc học hành. Học cả ngày, cả tuần; rồi đến những ngày nghỉ hè… vẫn phải học. Học ở lớp chưa đủ, tối về nhà, bố mẹ còn phải kèm cặp thêm. Không biết trường dạy cách gì mà làm con trẻ phải khổ sở thế. Còn đâu là thời gian vui chơi giải trí. Và sự học tập khổ ải như vậy thì làm sao các em tìm thấy sự hứng thú và tất nhiên là hiệu quả học tập luôn bị hạn chế, nhưng rồi kết quả danh nghĩa đa phần học sinh vẫn đạt lọai khá giỏi!

 

Tai hại thay cho cách dạy nhồi nhét và cách học vẹt, học thuộc lòng và “học tủ”!

Còn tác hại hơn nữa là sự dối trá để đạt cái “thành tích rởm”  trong giáo dục!

Đấy chính là căn bệnh còn phổ biến ở các cấp học, bậc học.

 

Nếu chỉ tổ chức các cuộc vận động có tính phong trào mà thiếu cơ chế vận hành và quản lý có hiệu quả thì e rằng “căn bệnh thành tích” không được chữa trị tận gốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm