Báo động về “văn hóa viết”

Giới truyền thông đã nhiều lần rung chuông báo động về sự sa sút của “văn hóa đọc”, vì ngày nay người ta rất lười đọc sách. Và đến nay, lại đến lượt đáng báo động về “văn hóa viết” được chăng?

Xin ghi lại đôi điều mắt thấy tai nghe cùng vài suy ngẫm về hiện tượng này

Là thầy giáo mà lười viết!

Chúng tôi là giáo viên (GV) phổ thông, một thời lao đao vì mật độ đày đặc của các cuộc “thi tìm hiểu”. Sau khi có nhiều ý kiến phản biện, các cuộc thi kiểu này cứ thưa dần, nhưng đến cuối năm học lại xuất hiện liên tiếp hai cuộc. Đó là cuộc thi “Tìm hiểu Công đoàn Việt Nam-80 năm một chặng đường” do Công đoàn Giáo dục phát động và cuộc thi “Biết chữ cho cuộc sống tươi đẹp hơn” do UNESCO phát động.

Cuộc thi tìm hiểu về lịch sử công đoàn Việt Nam có 6 câu hỏi, trong đó BTC đã gợi ý cho 5 câu, người tham gia thi chỉ việc chép lại. Thực chất chỉ một người đánh máy vi tính, sau đó những người khác chỉ cần sửa lại cái tên và in ra để nộp. Thế nhưng đến câu số 6 là bị “tắc”, mọi người cứ nháo nhào lên, sau có một GV  làm cho, thế là người ta đua nhau xin copy.

Mà câu 6 ấy khó khăn đến cỡ nào, xin chép ra đây để mọi người đánh giá: “Đồng chí hãy viết  một bài khoảng 1.500 từ cống hiến ý tưởng hay, có ý nghĩa thực tiễn cho hoạt động công đoàn hoặc những kỷ niệm sâu sắc trong hoạt động CĐ của đồng chí?”. Một GV Văn đem nộp bài không có câu 6, bị từ chối nên đi tìm người khác để xin chép.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Hiện tượng các GV ít cầm bút “viết một cái gì đó” đã trở nên quá phổ biến. Trước đây, các nhà giáo phải soạn giáo án bằng tay, thì dĩ nhiên là phải chép rất nhiều; còn từ khi có “cây đũa thần” của giáo án vi tính, chỉ cần nhấp chuột một cái là có luôn giáo án cho cả năm.

Trước đây, soạn giáo án là một công việc vất vả, tốn thời gian của GV, vì vừa phải suy nghĩ, sáng tạo, vừa phải viết một cách cẩn thận, kẻ xanh kẻ đỏ công phu. Còn hiện nay, việc “nhân bản vô tính” giáo án đã khiến công việc này trở nên quá “đơn giản gọn nhẹ”.

Giáo án đã có sẵn trên mạng, GV chỉ cần sửa lại ngày tháng và bổ sung một số chi tiết nếu thấy cần, sau đó in ra là xong. Cái bệnh lười viết sinh ra từ đó. Có không ít GV rất ít cầm đến bút (bàn phím) trong một thời gian dài, bởi vì hầu như công việc chỉ liên quan đến nói: Sinh hoạt lớp, giảng dạy, hướng dẫn lao động (trước đây cũng có soạn giáo án còn bây giờ thì không), họp hành…Như dao lâu ngày không dùng, kĩ năng viết không được rèn luyện thường xuyên sẽ trở nên cùn đi. Nhiều GV rất ngại viết, thậm chí sợ viết.

Có năm tỉnh nọ tổ chức thi khảo sát chất lượng GV (thi viết), không ít GV lo cuống cuồng, như tai họa sắp ập đến nơi. Giả sử tổ chức một cuộc thi viết tập làm văn, cho thầy ngồi lẫn với trò, rồi cắt phách chấm công bằng thì không biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Có GV ra đề cho HS, còn mình cũng thử cầm bút viết, mới giật mình nhận thấy viết cũng khó ra phết. Đúng là “nói thì dễ, làm lễ mới khó”, cứ cầm bút làm bài tập đi rồi mới biết cái khó của học trò.

Cần có giải pháp tháo gỡ

Sự sa sút về “văn hóa viết” không chỉ có ở một bộ phận GV phổ thông, mà diễn ra khá phổ biến trong đội ngũ giảng viên đại học, và cả ở những tầng lớp khác. Dễ thấy nhất là chất lượng nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên đại học nước ta rất thấp.

Số bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế của trí thức cả nước không bằng một trường đại học ở Thái Lan. Có không ít giảng viên đại học đã trở thành “thợ dạy”, ít tham gia nghiên cứu, viết lách, “hồ sơ khoa học” hết sức mỏng manh. Cán bộ quản lý thì không thể chấp bút viết một bài diễn văn, một bản báo cáo, tất cả dựa vào thư kí, trợ lý; thậm chí nhiều khi không đọc trước nên dẫn đến những “tai nạn” buồn cười.

Tình trạng “đạo” công trình khoa học, sao chép các bản báo cáo đã trở thành một vấn nạn nhức nhối xuất phát từ sự lười biếng của đội ngũ trí thức, công chức. Đối với GV phổ thông, những tiêu cực, tệ hại của công việc gọi là làm “sáng kiến kinh nghiệm” đã trở nên quá phổ biến. Có những anh viết chính tả chưa thông, ăn cắp công trình của người khác nhưng nhờ “chạy chọt” mà “sáng kiến kinh nghiệm” được xếp loại xuất sắc! Có những GV bị lãnh đạo Sở GD-ĐT kỉ luật vì thiếu trung thực trong khi viết sáng kiến kinh nghiệm.

Có người tặc lưỡi “có sao đâu, không viết thì nói; nói hay cũng tốt”. Thưa, chữ viết là một thành tựu vĩ đại của nhân loại, và nền văn minh rực rỡ hiện nay sẽ không tồn tại nếu loài người không sáng tạo ra chữ viết. Nói, viết đều là sử dụng ngôn ngữ, đều là tư duy, nhưng viết có những đặc trưng, ưu thế riêng so với nói. Đó là mức độ sâu, rộng, khái quát, trừu tượng, hay nói cách khác chỉ với chữ viết, con người mới có thể đi xa trên con đường khoa học, nghệ thuật, kĩ thuật, văn hóa…

Không viết, người ta không thể tư duy sâu sắc, đến nơi đến chốn về một vấn đề cần thiết nào đó cũng như ghi lại cảm xúc tức thời lóe lên như một tia chớp, không kịp thời ghi lại sẽ quên đi. Không có chữ viết thì tư duy bị hạn chế và cả cảm xúc không được nuôi dưỡng và phát huy, người ta sẽ rơi vào tình trạng nông cạn, vô cảm đến mức đáng sợ. Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử văn minh nhân loại gắn liền với tên tuổi những thư viện nổi tiếng, nơi mà kho báu vô tận của trí tuệ, tâm hồn con người được diễn giải, lưu giữ bằng những con chữ. Mà muốn có chữ thì người ta phải viết.

Hiện nay, có một số người than phiền về những bài văn, bài thơ, bài phê bình nghiên cứu kém chất lượng xuất hiện nhiều, cho rằng như thế sẽ loạn. Chúng tôi lại nghĩ khác, thà rằng viết nhiều (mà chưa hay) còn hơn là viết ít hay không viết.

Bởi vì trong nhiều bài viết ấy sẽ có những bài được, và rồi sẽ có bài hay. Có nhiều người ham viết là còn đáng mừng, còn hi vọng. Giống như tuyển quặng, nhiều quặng sẽ tuyển được khoáng sản tinh chất. Thời Thơ mới 1932-1945, trong hàng vạn bài thơ dở (theo Hoài Thanh) vẫn có nhiều bài thơ hay sống mãi với thời gian.                                         

                                                                     

                                                                                              

           Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Trong khi nền văn minh của nhân loại ngày càng phát triển, các phương tiện thông tin ngày càng tiện lợi, thì hình như “văn hóa đọc” và cả “văn hóa viết” đều có bước thụt lùi đáng quan ngại ở nước ta, nhất là hiện tượng đó lại xảy ra với cả thầy cô giáo như tác giả bài viết trên đây đã nêu ra.

Đối với mọi người lao động trí óc, nghĩ và viết luôn là “bảo bối” gắn bó trong suốt cuộc đời, giúp họ không ngừng tư duy và sáng tạo. Các cụ ta xưa kia đã từng dạy: “văn ôn võ luyện”, nếu ngại suy nghĩ, ngại viết và không ham mê sáng tạo thì tốt nhất là không nên làm những nghề thuộc các lĩnh vực lao động trí óc, bao bồm cả nghề giáo.