Bàn về việc xây dựng đội ngũ nhà giáo

Nhà giáo có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục. Muốn phát triển sự nghiệp giáo dục thì việc đầu tiên cần làm là xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Hiện nay trên toàn quốc có hơn 1 triệu nhà giáo các cấp đang trực tiếp giảng dạy và làm công tác quản lý giáo dục.

 

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020” lần thứ 14 (gọi tắt là Dự thảo), Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh hai giải pháp mang tính đột phá là “Đổi mới quản lý giáo dục” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”

 

Để phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, Dự thảo nêu lên một số biện pháp sau đây:

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

- Tiến tới thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức khác để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo, năm 2009 bắt đầu thí điểm ở một số trường phổ thông và trường đại học, tới năm 2010 có 100% số giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế.

 

- Tiếp tục tăng cường đội ngũ nhà giáo cho các cơ sở giáo dục để đến năm 2020 có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện, dạy học các môn học tích hợp, dạy học phân hóa, dạy học 2 buổi/ngày ở phổ thông; đảm bảo tỷ lệ giáo viên trên lớp, học sinh trên giáo viên, sinh viên trên giảng viên. Có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút các học sinh giỏi vào học tại các trường sư phạm. Thực hiện đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm, từ mô hình đào tạo tới nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên vững vàng về kiến thức khoa học cơ bản và kỹ năng sư phạm. Phát triển các khoa sư phạm nghề tại các trường đại học kỹ thuật để đào tạo sư phạm nghề cho số sinh viên đã tốt nghiệp các trường này nhằm cung cấp đủ giáo viên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 

- Tổ chức các chương trình đào tạo đa dạng nhằm nâng cao chuẩn trình độ đào tạo cho đội ngũ nhà giáo. Đến năm 2020 có 80% số giáo viên mầm non và 100% số giáo viên tiểu học đạt trình độ từ cao đẳng trở lên; 100% số giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt trình độ đại học trở lên; 20% số giáo viên ở các trường trung cấp nghề và 35% số giáo viên ở các trường cao đẳng nghề đạt trình độ thạc sỹ trở lên; 80% giảng viên cao đẳng đạt trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có 15% là tiến sỹ; 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có 30% là tiến sỹ.

 

- Thực hiện đề án đào tạo giảng viên cho các trường đại học cao đẳng từ 2008 đến năm 2020 với ba phương án đào tạo: đào tạo ở trong nước, đào tạo ở nước ngoài và kết hợp đào tạo trong và ngoài nước. Tập trung giao nhiệm vụ cho một số trường đại học và viện nghiên cứu lớn trong nước, đặc biệt là các đại học theo hướng nghiên cứu đảm nhiệm việc đào tạo số tiến sỹ trong nước với sự tham gia của các giáo sư được mời từ những đại học có uy tín trên thế giới.

 

- Tiếp tục xây dựng, ban hành và tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non và phổ thông, đánh giá theo chuẩn nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp và giảng viên đại học.

 

- Tăng cường các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên theo các chương trình tiên tiến, các chương trình hợp tác với nước ngoài để đáp ứng được nhiệm vụ nhà giáo trong tình hình mới.

 

- Có chính sách khuyến khích thực sự đối với đội ngũ nhà giáo thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng. Năm 2009 bắt đầu thí điểm để tiến tới thực hiện việc hiệu trưởng quyết định mức lương cho từng giáo viên, giảng viên dựa trên kết quả công tác của cá nhân ở các cơ sở giáo dục.

 

- Thu hút các nhà khoa học nước ngoài có uy tín và kinh nghiệm, các trí thức Việt kiều tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

 

- Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng lực lượng cán bộ quản lý tận tâm, thạo việc, có năng lực điều hành; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục; có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ quản lý. Khuyến khích các cơ sở giáo dục ký hợp đồng với các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước quản lý và điều hành cơ sở giáo dục”.

 

Theo chúng tôi, các giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo trong bản Dự thảo của Bộ GD-ĐT chưa nêu trúng những vấn đề thực tế đang đặt ra, rất chung chung, thậm chí có giải pháp còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đội ngũ nhà giáo.

 

Để xây dựng đội ngũ giáo viên vững mạnh cần các yếu tố sau đây: Nghề giáo phải có sức hấp dẫn, thu hút được nhiều HS giỏi thi vào trường sư phạm; Môi trường giáo dục phải tạo ra động lực để đội ngũ nhà giáo phấn đấu vươn lên và tránh được hiện tượng “chảy máu chất xám”; Sự công minh, dân chủ trong công tác quản lý giáo dục, tạo nên sự công bằng trong đãi ngộ.

 

Nhìn vào thực tế hiện nay, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo còn gặp rất nhiều khó khăn, với nhiều “góc khuất”. Nghề giáo chưa bao giờ là một nghề có sức hấp dẫn đối với đa số học sinh. Trước đây có câu nói vui “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” và đến nay, câu nói ấy vẫn đang... đúng.     

              

Nghề giáo là một nghề đòi hỏi rất cao, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn về đạo đức, tư cách, sự đầu tư thòi gian, công sức. Thế nhưng thu nhập của nhà giáo lại rất thấp. Hiện nay, các nhà giáo phải xoay xở đủ kiểu làm thêm để tăng thu nhập, hoặc dựa vào “viện trợ” của gia đình. Môi trường công tác của nhà giáo vẫn tồn tại nhiều bất công, tiêu cực.

 

Hiện nay, học sinh giỏi các khối A, B, D rất ít thi vào trường sư phạm, thể hiện ở điểm chuẩn thấp đến mức đáng ngạc nhiên (xấp xỉ điểm sàn), chênh lệch hàng chục điểm so với một số trường khác (hứa hẹn nghề nghiệp tương lai dễ thăng tiến, có thu nhập cao). Học sinh theo học khối C tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn. Những học sinh giỏi, thông minh đã theo học các khối A, B, D, hầu như chỉ còn những em không thể theo học các khối đó mới thi vào khối C. Các trường sư phạm đào tạo nhiều GV các môn KHXH nhưng số được tuyển dụng lại rất ít, gây nên tình trạng thừa GV cục bộ rất đáng lo ngại.

 

Như vậy, khó khăn lớn nhất của công tác xây dựng đội ngũ là ngành sư phạm không có sức hấp dẫn để thu hút những học sinh giỏi, và đây là một nguy cơ tiềm tàng của ngành giáo dục.

 

Cứ cho là quy trình đào tạo của các trường sư phạm đã được đổi mới thì cũng rất khó đào tạo nên những nhà giáo tài năng từ một nguồn đầu vào chất lượng thấp, “không có bột” thì làm sao “gột nên hồ”. 

 

Thế nhưng, Bộ GD-ĐT hình như không tính đến thực tế đó, nên đã không có giải pháp khắc phục từ gốc của tình trạng thiếu sức hấp dẫn của nghề sư phạm chủ yếu vì sự đãi ngộ không tương xứng với sự cống hiến, cơ chế quản lý chưa phát huy được những nhân tố tích cực, nhất là ở cơ sở; công tác thanh tra giám sát không nghiêm minh, để cho nhiều hiệu trưởng độc đoán chuyên quyền. vun vén quyền lợi cho bản thân và những người “cùng hội cùng thuyền”... Không những thế, Dự thảo còn đưa ra một giải pháp hết sức phản tác dụng là “thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên”. Như chúng tôi đã phân tích trong một bài viết trước, giải pháp này nếu được thực hiện không những không mang lại hiệu quả gì mà còn tạo nên một lực cản đối với việc thu hút nhân tài vào ngành giáo dục. Bởi vì trước đây nhiều người lựa chọn nghề giáo bởi vì tính “ổn định” (được vào biên chế), nay thì ưu thế đó cũng đã không còn. 

 

Đối với đội ngũ giáo viên mầm non, thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế là một chủ trương thiếu tính nhân đạo.   

 

Môi trường công tác, cơ chế quản lý của ngành giáo dục còn nhiều bất cập đã gây nên tình trạng giáo viên thiếu ý thức phấn đấu vươn lên và tình trạng “chảy máu chất xám” của đội ngũ.

 

Bên cạnh những nhà giáo luôn cầu thị học hỏi thì vẫn có không ít nhà giáo mang nặng tâm lý an phận thủ thường nên không chịu khó rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, dẫn đến tình trạng kiến thức rơi rụng, kĩ năng yếu kém, kết quả công tác hạn chế. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những nguy cơ lớn nhất của ngành giáo dục.     

 

Nhiều người cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do sự cào bằng trong đãi ngộ: lương tăng theo số năm công tác, thực hiện theo kiểu “đến hẹn lại lên”, hầu như không dựa vào trình độ, hiệu quả công tác. Chúng tôi cho rằng bên cạnh nguyên nhân đó, cũng cần kể đến sự buông lỏng trong công tác quản lý. Nếu ở đơn vị nào mà người quản lý quan tâm đến chất lượng giáo viên, có những giải pháp đồng bộ và kiên quyết thì ở đó chất lượng giáo viên sẽ cao hơn những đơn vị mà người quản lý ít quan tâm.

 

Nhiều vị cán bộ quản lý thường kêu ca: biết thế nhưng không có chế tài để “xoay chuyển tình hình”. Chúng tôi cho rằng đó chẳng qua là một cách chống chế cho sự vô trách nhiệm mà thôi. Giải pháp quản lý không phải bao giờ cũng là những món ăn dọn sẵn từ cấp trên, những con đường mòn mà phải là kết quả của sự trăn trở, tìm tòi từ thực tiễn. Thực ra, thiếu gì cách để người quản lý “chấn chỉnh” chất lượng giáo viên: theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình, động viên khen thưởng, phân công người giúp đỡ, giao nhiệm vụ rèn luyện, phấn đấu, đầu tư thời gian, cơ sở vật chất, sách vở, tư liệu, mời chuyên gia hướng dẫn....Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy: nếu nhà trường, cơ sở giáo dục nào tạo ra được một môi trường giáo dục công bằng, dân chủ, cùng thi đua tiến bộ thì các cá nhân giáo viên không thể đứng “ngoài luồng” được.   

 

Dĩ nhiên, muốn làm được thế đòi hỏi người quản lý phải có tâm, có tầm, được tập thể giáo viên “tâm phục khẩu phục”, công tâm, nhiệt tình, hết lòng vì nhà trường, vì học sinh. Đến đây lại phải đặt ra yêu cầu về đề bạt, bố trí cán bộ quản lý giáo dục mà chúng tôi sẽ bàn đến trong một dịp khác.

 

Ngoài ra, cũng cần nói đến tâm lý mặc cảm của những giáo viên “môn phụ”: thấy nhà trường ít quan tâm, học sinh ít hứng thú nên chán nản, buông xuôi, không có ý thức phấn đấu vươn lên. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do sự quá tải của chương trình giáo dục, do tâm lý “học để thi” của đa số học sinh hiện nay. Ví dụ: mục tiêu của học sinh THCS là để vào được THPT, mục tiêu của học sinh THPT là thi vào đại học (hiện nay do kỉ cương thi cử nghiêm túc nên có thêm một mục tiêu là đậu tốt nghiệp). Hiện tượng này đã được báo chí phản ánh rất nhiều nhưng Bộ GD-ĐT chưa đưa ra được những giải pháp để khắc phục, thậm chí còn làm cho mức độ quá tải nặng thêm  bằng việc tăng thêm số môn học, nội dung học.

 

Bên cạnh đội ngũ giáo viên với sức ỳ rất lớn, ngành giáo dục lại lãnh thêm một “đòn chí mạng” vì tình trạng “chảy máu chất xám”. Báo Sài Gòn giải phóng ngày 2/3/2009 có bài “Báo động giáo viên giỏi bỏ trường”, chỉ ngay cái “tít” cũng đã nói lên tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Vấn đề này cũng đã được nhiều chuyên gia, nhiều nhà giáo phản ánh, phân tích thấu đáo, và cơ bản cũng đang “bí” về giải pháp.

 

Một “tài sản” quý giá của nhà giáo là đạo đức cũng đang bị mai một dần vì những tác động của môi trường xã hội. Nhà giáo cũng là một thành viên, một tế bào của xã hội, xã hội hiện nay tiêu cực đang tràn lan thì nhà giáo cũng không thể không bị ảnh hưởng. Nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, tham nhũng, cả xã hội đang quay cuồng trong vòng xoáy thực dụng, nhà giáo đâu có thể “vô tư” đứng ngoài. Nhiều nhà giáo phải bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để “chạy chọt”. Những cuộc thi giáo viên giỏi, thi sáng kiến kinh nghiệm vẫn còn những biểu hiện “quan hệ”, “cơ cấu”. Ngay cả trong nhà trường vẫn tồn tại những biểu hiện như bè cánh, tham nhũng, lạm quyền, trù dập...Có những học sinh vi phạm quy chế nghiêm trọng nhưng nhà trường không thể đình chỉ học, vì những “mối quan hệ” nào đấy. Do nhiều nguyên nhân, nghề giáo không còn được coi là “nghề cao quý”, thậm chí nhiều người còn nhìn giáo viên với cái nhìn thương hại...

  Vì vậy, chúng tôi nêu ra vấn đề cần bảo vệ nhân cách nhà giáo trong hoàn cảnh hiện tại. Từ trước đến nay, báo chí quan tâm nhiều đến những biểu hiện suy thoái về đạo đức của nhà giáo nhưng hầu như chỉ phản ánh hiện tượng mà ít chú ý đến nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp để hạn chế tối đa các biểu hiện ấy.

 

Không chú trọng vào các giải pháp quản lý, chống tiêu cực để xây dựng đội ngũ, bản Dự thảo lại chú trọng đến việc nâng chuẩn cho giáo viên. “Tổ chức các chương trình đào tạo đa dạng nhằm nâng cao chuẩn trình độ đào tạo cho đội ngũ nhà giáo”. Và với những tiêu chí khá cao về chuẩn đào tạo (thậm chí vượt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục), Bộ GD-ĐT đã mặc nhiên xác định công thức: chuẩn đào tạo = trình độ. Trong thực tế, công thức này không đúng cho tất cả.

 

Kết quả của các lớp học được tổ chức bằng “các chương trình đào tạo đa dạng” (chuyên tu, tại chức, từ xa...) chưa bao giờ có độ tin cậy cao đối với xã hội. Câu “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” không hẳn có giá trị tuyệt đối, song cũng không hoàn toàn là chuyện đồn thổi. Tâm lý sính bằng cấp của người học cộng với tâm lý vụ lợi của nhà trường, giảng viên sẽ tạo ra chất lượng giáo dục như thế nào, không cần nói cũng đã rõ.

 

Chúng tôi không phản đối chủ trương nâng chuẩn cho giáo viên, song nếu như không kiểm soát được tiêu cực trong quá trình đào tạo thì sẽ gây ra những hậu quả rất nặng nề. Có nhiều cách để động viên nhà giáo học tập, nâng cao trình độ chứ không phải chỉ có một cách duy nhất là theo học để nâng chuẩn. Nếu chỉ chú trọng tới khâu này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho bệnh thành tích phát triển.

 

Chuẩn đào tạo cũng là một tiêu chí để đánh giá giáo viên, song có giá trị thấp nhất so với các tiêu chí khác như chất lượng, hiệu quả giáo dục, “điểm tốt” từ sự đánh giá của người học hay kết quả nghiên cứu khoa học.

 

Xét cho cùng, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo là vì học sinh, vì thế hệ tương lai của đất nước. Một khi nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đặt người học ở vị trí trung tâm, coi quyền lợi của người học là mục tiêu phấn đấu thì những giải pháp sẽ trở nên hợp lý. Còn xây dựng chính sách với một cái nhìn “từ trên xuống” thì không sao tránh khỏi khập khiễng, “quan liêu”.

 

Chúng tôi cho rằng trước khi đề ra những tiêu chí cao xa, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu xây dựng các “chuẩn” thiết thực, gần gũi hơn: ví dụ chuẩn về điều kiện nhà ở nội trú cho giáo viên (gần đây được gọi là nhà công vụ) hay chuẩn về các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy (phòng ốc, sách vở, trang thiết bị), các quy định về tuyển dụng, luân chuyển giáo viên để hạn chế tiêu cực hay “chuẩn” về nhà vệ sinh cho học sinh... Trước đây một vị lãnh đạo ngành GD hứa đến năm 2010 sẽ cố gắng tạo điều kiện cho giáo viên sống được bằng lương. Chúng tôi cho rằng đó mới là một “đề án” quan trọng, được mong mỏi nhiều nhất, cũng như có tác dụng tích cực nhất đối với chủ trương xây dựng đội ngũ nhà giáo.

 

Trần Quang Đại

 

LTS Dân trí - Những giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên muốn đem lại hiệu quả thiết thực trước hết cần được sự đồng tình ủng hộ của “những người trong cuộc” vì họ là những người sát thực tế nhất. Nhưng qua những bài đóng góp ý kiến các giáo sư, các nhà giáo thì thấy những biện pháp nêu trong Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục chưa nhằm trúng những vấn đề nổi cộm trong ngành giáo dục hiện nay từ việc tạo nguồn học sinh giỏi vào ngành sư phạm cho đến chính sách tuyển dụng cũng như sử dụng đội ngũ giáo viên còn nhiều điều bất hợp lý, do đó không những không tạo ra động lực mới để phát triển đội ngũ giáo viên mà ngược lại, còn có những biện pháp phản tác dụng, làm giảm nhiệt tình và sự gắn bó với nghề giáo như bài trên đây đã phân tích.