Băn khoăn về tấm bằng tốt nghiệp của ông Vương Tấn Việt
(Dân trí) - "Ngoài Bộ GD&ĐT, cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra để làm sáng tỏ gốc rễ sự việc, từ nguồn gốc tấm bằng tới việc vì sao ông Việt có thể sử dụng bằng cấp không phù hợp để học cao tới vậy".
Như Dân trí đã thông tin, từ báo cáo ngày 13/8 của Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM về tấm bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt (tức Thích Chân Quang), Bộ GD&ĐT đã phối hợp các đơn vị liên quan xem xét, xác minh chất lượng tấm bằng này và khẳng định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp. Ông Việt cũng đã thừa nhận việc này và tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lý theo quy định.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Thông tin được đưa ra từ Bộ GD&ĐT khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Không chỉ xử lý bằng cách thu hồi bằng cấp không hợp lệ, gửi bình luận về báo Dân trí, nhiều độc giả cho rằng cần làm rõ nguồn gốc những tấm bằng của ông Vương Tấn Việt và xác minh vì sao người này có thể sử dụng bằng cấp không hợp lệ để học tới những bậc đào tạo cao tới vậy.
Nêu lên băn khoăn của cá nhân, độc giả Ngoc Thuy bình luận: "Cử nhân phải đạt loại giỏi trở lên mới được học thẳng tiến sĩ. Tuy nhiên, nếu cử nhân chỉ học tại chức, lại chỉ học online (trực tuyến) trong vòng 2 năm thì cần xem lại việc cấp bằng có vi phạm quy chế của Bộ GD&ĐT cho việc đào tạo trình độ tiến sĩ, chưa kể phải học bổ sung các môn học cho trình độ thạc sĩ hay không? Cần phải vào cuộc xác minh, công bố cho người dân được biết để đảm bảo công bằng và nghiêm minh của pháp luật".
Chung quan điểm, anh Vũ Văn Phát bình luận: "Không thể chỉ xử lý tấm bằng tốt nghiệp là xong. Các trường đều có cán bộ chuyên trách kiểm tra đầu vào các học viên, vậy trách nhiệm của vị cán bộ này đến đâu?".
"Ngoài Bộ GD&ĐT, cần thêm sự vào cuộc của cơ quan điều tra để làm sáng tỏ gốc rễ sự việc, từ nguồn gốc của những tấm bằng tới việc vì sao ông Việt có thể sử dụng bằng cấp không phù hợp để học cao tới vậy", bạn đọc Thanh Bình kiến nghị.
Từ câu chuyện trên, chất lượng bài luận án tiến sĩ của ông Việt tại trường Đại học Luật Hà Nội cũng trở thành vấn đề cần được quan tâm và đánh giá lại. Anh Trần Ngọc Dũng bình luận: "Phải xem xét lại trách nhiệm của hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ cũng như toàn thể các cán bộ phụ trách hồ sơ của ông Vương Tấn Việt tại trường Đại học Luật Hà Nội. Tại sao lại có thể để lọt một người có tấm bằng cấp 3 không đủ chất lượng theo học xuyên suốt từ cử nhân tới tận tiến sĩ như vậy?".
Xót xa và thất vọng, đó là cảm xúc của độc giả Đông Phong sau khi đón nhận thông tin kết quả xác minh từ Bộ GD&ĐT. Độc giả này chia sẻ: "Mình không quan tâm lắm đến việc ông Vương Tấn Việt làm gì và làm như thế nào, vì dù sao ông ấy cũng chỉ là con người. Nhưng có nỗi thất vọng, xót xa đó là sự buông lỏng quản lý của các cơ sở giáo dục đại học, dẫn tới những người chưa đủ điều kiện như ông Vương Tấn Việt có thể dễ dàng đăng ký nhập học, thậm chí học tới rất cao, trong khi rất nhiều người có thực lực dù rất cố gắng, vất vả nhưng không thể theo học những chương trình này".
Tương tự, bạn đọc Bình Trần viết: "Thử hỏi nếu ông Vương Tấn Việt không bị phát lộ thì các văn bằng của ông vẫn còn nguyên giá trị, hậu quả sẽ tới đâu?".
Còn với bạn đọc có nickname Vuông Tròn, người này chờ đợi một động thái chủ động hơn tới từ trường Đại học Luật Hà Nội. "Mọi việc đã rõ ràng đối với ông Việt, nhưng còn đó các văn bằng của đại học Luật Hà Nội cấp, trong đó có bao nhiêu cái tương tự trường hợp này vẫn còn là một nghi vấn lớn cho cộng đồng xã hội. Những người có trách nhiệm của đại học này cần lên tiếng để lấy lại lòng tin của mọi người".
Ông Vương Tấn Việt (SN 1959) tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh năm 2001 tại Trường Đại học Ngoại ngữ - nay là Trường Đại học Hà Nội; tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 - vừa học vừa làm).
Ông Việt được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng cử nhân ngành Luật văn bằng 2 - Vừa học vừa làm ngày 15/1/2019, xếp hạng loại giỏi.
Đến ngày 26/11/2019, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển Nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngày 26/12/2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh. Đến ngày 9/12/2021, nghiên cứu sinh này bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường.
Ngày 17/3/2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ ngành Luật hiến pháp - hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ-ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội.