Bán hàng hóa chứa chất độc hại ảnh hưởng đến trẻ em là hành vi tội ác
(Dân trí) - Thời gian gần đây, tình trạng "người lạ" dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua các loại kẹo bánh, hàng hóa có chất độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe diễn ra ở nhiều nơi.
Mới đây nhất là vụ 31 học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) bị ngộ độc nghi sau khi nhận bóng bay từ người lạ ở. Điều đáng nói là trong vụ việc này có sự tham gia của 2 đối tượng có quốc tịch nước ngoài.
Có thể nói, việc kẻ xấu, người lạ tiếp cận trẻ em để dụ dỗ, lừa bán các loại kẹo bánh, đồ chơi kém chất lượng, quá hạn sử dụng... đã có từ lâu. Tuy nhiên, việc bán thức ăn, đồ uống chứa chất gây nghiện hoặc nguy cơ gây ngộ độc chỉ mới xuất hiện nhiều gần đây.
Việc ngang nhiên bán thực phẩm, đồ chơi chứa chất độc hại, gây nghiện cho trẻ em ngay trước trường học, giữa ban ngày không chỉ là hành vi coi thường pháp luật mà còn coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, nhất là khi đối tượng lại là trẻ em, cần phải được đặc biệt quan tâm, bảo vệ.
Thông thường trẻ em thích những thứ có nhiều màu sắc, vui mắt mà không thể nhận biết được hàng hóa đó có độc hại, nguy hiểm, hết hạn sử dụng hay không. Do đó, trẻ rất dễ bị lừa mua phải các loại hàng hóa độc hại, kém chất lượng nếu kẻ bán lại hám lợi, vô nhân tính không quan tâm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em.
Hành vi lợi dụng sự ngây thơ, còn thiếu hiểu biết của trẻ em để bán các hàng hóa có chứa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em là hành vi tội ác, không thể dung thứ, dù bất cứ lý do gì. Vì vậy, cần sự vào cuộc chung tay của cả xã hội, trước hết là phải cảnh giác, tố giác, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm nếu phát hiện.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh, quyết liệt đối với hành vi nguy hiểm này, buộc những kẻ thực hiện hành vi vi phạm phải bị trừng phạt đích đáng. Bởi lẽ, nếu để tình trạng này tiếp diễn, không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra hệ quả tiêu cực rất lớn đối với xã hội.
Cụ thể, tình trạng này tiếp diễn gây hoang mang cho dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác dạy và học của giáo viên, học sinh, tạo tâm lý lo lắng cho các bậc phụ huynh. Mặt khác, cũng ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội của địa phương, khu vực. Đặc biệt là đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng, nhất là nhà trường, chính quyền địa phương nơi trường học đóng chân cần chủ động ra quân, có biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh, xử lý, loại bỏ những nguy hiểm rình rập, đe dọa đến các em học sinh. Theo đó, cần thường xuyên kiểm tra các hàng quán, đối tượng bán thức ăn, đồ chơi trước các cổng trường và khu vực lân cận, nhất là những đối tượng mới xuất hiện, không bán thường xuyên, cố định ở khu vực đó.
Bất cứ trường hợp có nghi vấn cần phải rà soát, xác minh cụ thể, nắm đầy đủ thông tin chi tiết của đối tượng để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả các trường hợp vi phạm. Điều này cũng nhằm răn đe, phòng ngừa các đối tượng có ý định thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến trẻ em.
ThS, luật gia Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum