Bạn đọc nói gì về “người nhà quê”?

(Dân trí)- Sau khi Dân trí đăng bài viết “Chẳng nên có cái nhìn hà khắc về "người nhà quê" đã nhận được hàng nghìn ý kiến phản hồi, chia sẻ của bạn đọc. Hầu hết các ý kiến đều nói lên tình cảm, gợi nhớ những ký ức, kỷ niệm đẹp đẽ về các miền quê.

Bạn đọc nói gì về “người nhà quê”? - 1
Ai đó xa quê hẳn không thể không có những phút nao lòng
mỗi khi nhớ về những kỷ niệm bên gốc đa làng. (nguồn ảnh internet)

Lê Hằng (lehangmd@yahoo.com.vn):

Mình cũng là một người sinh ra và trưởng thành nơi nhà quê. Thành đạt nơi thủ đô sầm uất, nhưng có lẽ nếu không có cái nơi nhà quê nghèo nàn lạc hậu đó thì mình không thể có những thành công và mãn nguyện như bây giờ.

Mình có một gia đình đủ đầy, hạnh phúc, công việc không chê vào đâu và hơn nữa mình luôn tự hào khi chồng vẫn nói "nếu có kiếp sau anh vẫn chọn cô gái nhà quê như em làm vợ". Bố mẹ chồng mình là người gốc Hà thành nhưng không có lý do gì để khinh miệt một nàng dâu nhà quê được, và giờ đây hai con mình đã đến lúc biết đến nơi nguồn gốc mẹ chúng được lớn lên, nên mình yên tâm gửi con về sống cùng ông bà ngoại. Ai bảo ở quê ko có điều kiện học hành, ai bảo ở quê con người luôn lạc hậu... có thể đúng phần nào.

Những gì liên quan đến công nghệ, khoa học, kỹ thuật rồi tự mình cũng sẽ bù đắp được đầy chỗ trống. Nhưng có một điều mà càng lớn con người càng cảm thấy khó làm và khó đắp xây đó là "tình người". Nếu không xây dựng từ ngày bé và trong môi trường "trong sạch" thì có lẽ sau này có bỏ ra cả núi tiền cũng ko ai mua nổi được đâu. Người nhà quê chỉ đẹp trong con mắt những người biết cảm nhận và sẻ chia.

Ngọc Bảo (ngocbao.lc@gmail.com):

Không quê không thể thành người. Không quê không thể sống đời được đâu. Nhà quê có phép nhiệm màu. Yêu thương, đùm bọc giúp nhau mọi đường. Đô thành ít nghĩa yêu thương. Đường bí, bí mọc ,đường bầu, bầu leo.

Minh (vuhoangminh010101@gmail.com):

Đọc bài viết của bạn tôi lại nghĩ về bố mẹ chồng tôi. Ông bà sống ở quê 2/3 đời người và mới chuyển lên Hà Nội được 7 năm nay, nhưng mỗi lần nói chuyện gì liên quan đến những chuyện ở quê là ông bà lại dè bỉu: nào là bẩn như người nhà quê, thô lỗ như người nhà quê, vô duyên như người nhà quê... cơ man bao nhiêu cái xấu đều do người nhà quê...

Hồi mới về làm dâu, nhiều lúc thấy ông bà có nhiều suy nghĩ coi thường người nhà quê quá tôi còn tranh luận và phản đối, nhưng rồi tôi thấy ông bà càng ngày càng khinh miệt người nhà quê hơn... mà bản thân ông bà là con nhà bần nông bao nhiêu đời nay, nhờ con cái ăn lên làm gia ở HN nên ông bà mới được lên HN sống. Tôi thấy lo khi con cái mình hàng ngày ở gần ông bà, tôi sợ ông bà lại truyền vào cháu sự khinh miệt đó... Nghĩ mà thấy buồn.

Tung (tung@gmail.com):

Đọc bài này xong mình phải sửa thói quen thôi. Tôi cũng hay dùng từ "quê thế" nhưng không hề có ý miệt thị nhà quê đâu, đó chỉ là thói quen mang ý nghĩa là lỗi thời không theo kịp thời đại thôi. Tôi nghĩ nhiều người cũng giống tôi (bạn bè tôi). Thực ra đúng là có người miệt thị thật và cũng nhiều khi là do người ở quê lên thấy thiếu tự tin nên lại cảm thấy vậy. Đặc biệt là rất nhiều người ở quê ra giầu có lên và bắt đầu có tính "tinh tướng" quay lại miệt thị người quê mình. Tôi sợ những người này nhất, họ chính là những người thiếu tự tin vào bản thân vào quê của họ nhất.

Hoang Anh (esoteric.anh@gmail.com):

Bài viết chí lý quá! tôi đã chứng kiến nhiều cảnh chướng tai gai mắt như trên nhiều lần. Có những anh, chị chắc cũng mới ở quê ra (dễ nhận nhất là qua giọng nói) nhưng do làm ăn may mắn nên có nhà, có xe đẹp, tiền rủng rỉnh trong túi... nên muốn từ chối cái gốc của mình nên hễ có điều kiện là chê bai người khác quê mùa. Cũng lại có anh, chị sống cả đời ở Hà Nội có thế nói là xịn thành thị thế mà vào TP. Hồ Chí Minh chơi nửa tháng quay về đã thấy nói lơ lớ, hễ mở miệng là thấy "ủa" với " zậy" nghe nó chướng vô cùng. Mong chúng ta có cái nhìn văn hóa và cách xử sự văn minh hơn.

HTB (boht@bâcging.vnpost.vn):

Cảm ơn tác giả, tôi sẽ in và niêm yết bài viết trên để thay những ý nghĩ và tâm tưởng của mình khi muốn nói với các con cháu mình, vì tôi cũng là người xuất thân từ nhà quê mà!

Nguyen Nam (nguyennam121185@gmail.com):

Tôi cũng từng đi học và là sinh viên ở Thủ đô Hà Nội, một lần anh bạn dùng xe mang biển số Nam Định chở đi chơi, đến khúc cua đông người anh bạn phanh gấp, làm cản trở đến xe đi phía sau, thế là chúng tôi được nghe ngay câu: "Mẹ hai thằng nhà quê" từ một người thành phố.

Hoàng (hoangmtb@gmail.com):

Một bài viết rất hay và rất có ý nghĩa, 5 năm trước tôi cũng có ra Hà Nội học và khi đi làm thêm để có thu nhập tôi cũng có bị một phụ nữ trẻ đèo mẹ trên chiếc xe tay ga và nói, đúng là thằng nhà quê...giờ nghĩ lại thấy hay hay...vì câu nói của anh Xuân Bắc, uh thì tôi nhà quê nhà quéo, mà nhà quê nhà nhà quéo thì có làm sao!

Khongten (tqml2006@gmail.com):

Tôi chưa bao giờ có ý coi thường người ở quê, nhưng trước đây đối với tôi họ dường như xa lạ. Cho đến khi tôi gặp anh, một người con trai quê chính hiệu. Anh tuyệt vời hơn tất cả những kẻ trai phố phường sành điệu mà tôi đã từng quen. Anh hiểu biết, thông minh, biết tường tận về thế giới ăn chơi sành điệu, nhưng anh vẫn luôn tự hào mình là người từ quê đến. Không một ai dám coi thường anh, và tôi thì tự hào về anh vô cùng. Dù không thể có một kết cục hạnh phúc, nhưng tôi luôn ước ao chia sẻ cuộc sống ở quê với anh. Nhất là khi Tết đến, tôi thèm được tận hưởng không khí Tết ở quê anh, không khí mà tôi mới chỉ được nghe anh kể lại, thèm được làm con dâu của mẹ anh, người mẹ nhỏ bé, luôn tràn đầy lòng hiếu khách, mắt sáng lên khi kể về con trai mình... Giờ đây, anh không còn bên tôi nữa, nhưng không bao giờ tôi thôi ao ước được sống cùng anh, được về quê mỗi ngày chủ nhật...

Điên Mừng (gmail@dienmung.com):

Tôi rất tán thành với câu kết của bài viết này. Người coi thường người nhà quê, hãy nghĩ lại xem: Ông cha của họ sinh ra từ đâu? Tôi cũng có cội nguồn từ nhà quê, tôi đã từng nhiều năm sống ở trung tâm thành phố, Hà Nội có Sài Gòn cũng có, thế mà tôi vẫn giữ dáng vẻ của nhà quê vì một lẽ tôi thương người nhà quê nghèo về vật chất nhưng chan chứa tình người.

HieuNhan (phunghieunhan@yahoo.com.vn):

Huyền Minh thân mến, đầu tiên xin chúc mừng bạn đã có bài viết được nhiều người chia sẻ và đồng cảm. Tuy nhiên, vì thấy bạn có ghi là bạn đang học hoặc công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nên tôi có đôi lời viết gửi bạn, rất mong bạn đọc và cùng suy ngẫm nhé.

Đúng là hiện nay nhiều người vẫn có thái độ coi thường và miệt thị "người nhà quê" thật nhưng có thể bạn chưa phân tích và nhìn nhận sự việc từ nhiều phía nên bài viết của bạn có gì đó như đi vào lối cũ của lý lẽ “nhà quê” mới là cội nguồn, là cái nôi sinh ra thành thị".

Có thể có những người nhìn rất tiêu cực, có những người lại chỉ do vui miệng mà trêu đùa và tôi thấy đều không nên vậy. Nhưng tôi sẽ kể cho bạn nghe chuyện về bố mẹ tôi thôi. Hai cụ thân sinh ra tôi đều sinh ra từ một miền quê Bắc Trung Bộ. Các cụ chuyển ra HN từ cuối những năm 40 thế kỷ trước. Sau này, chứng kiến trước những gì xô bồ và bon chen của cuộc sống như hiện nay mẹ tôi có kể rằng: khi ra HN sống, mẹ tôi luôn ý thức dù mình có được ăn học ở quê nhưng "nhập gia tùy tục" nên mẹ luôn cố gắng hòa nhập theo cách mà người dân bản xứ đang sống. Mẹ tôi nhận thấy người HN ngày đó nhiều điều tuyệt lắm, và đã hay thì tại sao mình không học tập. Cụ nói, nếu mình cứ giữ khư khư cái gọi là "bản sắc" mà không học hỏi cái hay thì sao mà tiến bộ được. Đó chính là cái văn minh của người HN và người nhập cư về HN từ xưa đó bạn.

Cụ nhận xét, ngày nay khi làn sóng di cư dồn về thành phố, rất rất nhiều người mang nét văn hóa làng quê áp vào cuộc sống đô thị, Cụ thấy buồn vì không còn HN thanh lịch ngày nào mà sự bon chen khiến con người sống vô tâm và ít văn hóa với nhau quá. Còn tôi thì có ý nghĩ thế này, cuộc sống hiện đại đòi hỏi nhiều sự đổi thay nhưng mình hãy cố gắng học tập những gì văn minh và hiện đại bạn à, đừng tự ti mà đưa ra suy nghĩ như có chút thách đố hoặc so sánh rất trẻ con như vậy. Cái gốc rễ chính là văn hóa sống đó bạn à!

Phạm Mạnh Tùng (tungpm75@yahoo.com):

Tôi thấy bài viết này rất hay.Tôi đã được nghe câu: “Đồ nhà quê” phát ra từ miệng của nhiều người, trong khi chính họ hoặc nguồn gốc gia đình của họ ở quê mà ra thành phố.

Thu Vân (bap_rang_bo_03111991@yahoo.com.vn):

Sen mọc lên từ đáy bùn ấm áp! Cánh diều bay lên từ bàn tay của trẻ chăn trâu! Chúng mình trưởng thành cũng từ quê mà ra chứ đâu.

Ngọc Khuê (khue.bn@gmai.com):

Cách đây cũng trên 10 năm rồi, khi tôi còn là sinh viên năm nhất của đại học Luật Hà Nội, ngày đó gia đình tôi cũng được sếp vào hạng trung bình khá ở Thái Nguyên, tôi đi học bằng xe mifa đến trường thì được một anh bảo vệ quát là “Con nhà quê ai cho mày để xe ở đó?”. Tôi còn buồn từ đó cơ.

Ngô Minh (nmp@gmail.com):

Tôi cũng thấy tâm đắc bài viết trên. Nhớ lại những năm 60 và đầu 70 của thế kỷ trước người thành phố đi sơ tán về nông thôn được người dân nông thôn chia nhà cho ở, chia bếp cho nấu, chia cả khoảnh vườn cho để trồng rau,... mà người thành phố không phải trả một xu. Ngày nay, người nông thôn ra thành phố học, lao động thì được một số người thành phố xây những căn nhà tạm bợ cho thuê, không những thế mà còn ăn chặn tiền điện, tiền nước…

Hà Tĩnh (Giuvungniemtin_ndl@yahoo.com):

Tôi luôn tự hào vì tôi là người nhà quê, dù quê tôi nghèo "nắng cháy đỏ đồng, mưa thấm cả bùn non" nhưng trong tim tôi quê hương mình vẫn đẹp hơn bao giờ hết, vẫn ân tình, vẫn yêu thương! Mảnh đất nơi tôi sinh ra dù là nhà quê nhưng vẫn là đẹp nhất trong trái tim tôi: "Đi xa càng muốn về, khổ đau lại muốn về". Hãy yêu lấy cái nhà quê của mình bạn nhé!

Nguyễn Nung (anvien1975@yahô.com.vn):

Bài viết của bạn Huyền Minh khá hay, tôi rất thích. Tôi rất tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên ở nông thôn cho đến khi nhập ngũ. Số phận đưa đẩy, những năm cuối cùng của đời bộ đội tôi được điều về công tác tại Hà Nội. Tôi rất vui, rất tự hào mình được làm công dân Thủ đô; nhưng tôi không bao giờ quên chính hạt thóc, con cua, con cá ở vùng chiêm trũng đã nuôi tôi lớn lên, văn hóa đồng quê đã dạy tôi cốt cách làm người.
 
Có lần một anh bạn cùng cơ quan bảo tôi rằng: cậu không phải là người Hà Nội gốc! Tôi hỏi lại: Thế theo anh thì cụ Lý Công Uẩn có phải là "người Hà Nội gốc" không?, vì cụ cũng được sinh ra ở vùng quê Kinh Bắc đấy. Tôi nghĩ, "quê" hay "tỉnh" không quan trọng, điều đáng nói là ta đã và sẽ làm được điều gì có ý ngĩa đối với đất nước mà thôi.

Vũ Văn Tiến (tổng hợp)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm