Bạn đọc chia sẻ ý kiến về sách giáo khoa Tiếng Việt 1

Thật mừng khi có những con người "bình thường" luôn quan tâm và dõi theo từng bước trong cải cách giáo dục và đặc biệt là chú ý đến bậc học Tiểu học. Kịp thời phát hiện và đưa ra ý kiến để mọi người cùng xem xét và thảo luận... <B>Nu Hoang Anh 19/4/2010 10:13:00 PM</B>

Thật là mừng khi có những con người "bình thường" nhưng luôn quan tâm và dõi theo từng bước đi trong cải cách giáo dục và đặc biệt là chú ý đến bậc học Tiểu học, kịp thời phát hiện và mạnh dạn đưa ra ý kiến để mọi người cùng xem lại, cùng thảo luận để rồi đóng góp ý kiến với mong muốn có một cuốn sách giáo khoa ngày càng hoàn thiện hơn, cả hình thức lẫn nội dung để đáp ứng một cách hiệu quả hơn đối với người học cũng như người dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nền giáo dục nước nhà. Thật đúng là một nhà giáo thì cho dù dạy học ở bất cứ lĩnh vực nào cũng luôn thể hiện lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo . Sự băn khoăn trăn trở của tác giả bài viết trên (một nhà giáo giảng dạy ở  lĩnh vực khoa học tự nhiên và kĩ thuật ) âu cũng là nỗi băn khoăn của không ít người khi mà cho dù ở lĩnh vực nào đi nữa  thì đòi hỏi trước đó mỗi chúng ta cũng phải biết đọc biết viết ngôn ngữ tiếng Mẹ đẻ mà ta hay nói là Tiếng Việt và chắc chắn chúng ta không ai dám nói rằng mình chưa học qua lớp một trước khi trở thành nhà giáo hay một kĩ sư, bác sĩ ...

Tôi không có sự am hiểu sâu về ngôn ngữ học nên không dám luận bàn nhiều vấn đề về ngôn ngữ nhưng tôi cũng đồng nhất với một số ý kiến mà tác giả băn khoăn đưa ra cùng luận bàn và trao đổi ý kiến “cách đọc viết một số tiếng trong khi ghép vần  trong SGK lớp một chưa rõ ràng, không dựa vào một  yếu tố hay quy tắc nào nên ngay cả giáo viên - một số người vẫn  lúng túng khi đánh vần chứ đùng nói gì đến cách dạy học sinh đánh vần để đọc đúng cũng như dạy học sinh viết đúng chính tả". Chỉ có một số giáo viên đã từng dạy nội dung chương trình và SGK Tiếng Việt của GSTS Hồ Ngọc Đại biên soạn thì đã mạnh dạn vận dụng, lựa chọn và phối hợp các phưong pháp thích hợp để nêu bật cách đánh vần cũng như hướng dẫn góp phần giúp học sinh ghi nhớ và viết đúng theo quy tắc chính tả nhưng đôi lúc cũng ngại vì không tuân theo 100% ý tưởng SGK mới mà gặp phải chuyên môn dự giờ thì e "khổ". Âu đây cũng là nỗi lo lắng và ngần ngại của không ít một số giáo viên, nếu không thì trả lời qua loa khi hỏi về việc đánh vần một số vần như tác giả đã có nêu ở bài viết trên.

 

Trên đây là một vài lời tâm sự và chia sẻ cùng tác giả bài viết trên cũng như ý kiến của cá nhân tôi cùng trao đổi với bạn đọc, có gì không hài lòng mong quý vị thông cảm và bỏ qua! 

 

Công Dương  22/4/2010 2:23:00 PM: Bài viết rất hay. Tôi đồng ý với ý kiến "Vấn đề là ở chỗ có tồn tại 1 quy tắc: Vần nào được quy định ghép với qu thì không thể ghép với c và ngược lại", quy tắc này là không thỏa mãn, nếu viết quy tắc đó và có kèm theo ngoại lệ và chỉ ra tất cả các ngoại lệ ví dụ như "cuốc đất", "tổ quốc"... thì chấp nhận được. "Theo các tác giả thì chữ cái y chỉ đươc dùng với tư cách là nguyên âm trong một số chữ chỉ gồm 1 nguyên âm, không gồm phụ âm, như ở các từ chú ý, y tá ở trang 54 tâp 1" điều này cũng không hợp lý, tôi lấy ví dụ chữ "quy tắc" sẽ viết thành "qui tắc"? Theo ý kiến của tôi thì những từ đi với "qu" ví dụ như "quê", "quý", "quốc"... thì đều là "quuê", "quúy", "quuốc"... nhưng nhìn ở mặt mỹ quan nên viết là "quê", "quý", "quốc"... cho nên khi đánh vần thì phải có thêm chữ "u" có nghĩa là "quê" -> "quờ uê quê", "quý" -> "quờ uy quy sắc quý", "quốc" -> "quờ uôc quốc sắc quốc". Chữ "cuốc" là "cờ uôc cuốc sắc cuốc", chữ "quốc" là "quờ uôc quốc sắc quốc", chữ "quờ" phát dài hơi hơn chữ "cờ". Tôi thấy vấn đề như chữ "nước Mỹ", "ký kết" hay "nước Mĩ", "kí kết". Chữ "Mỹ", "Mĩ", "ký", "kí" đều đánh vần như nhau nhưng theo tôi thì nhìn ở góc độ mỹ quan thì viết "nước Mỹ", "ký kết" trông sẽ đẹp hơn "nước Mĩ", "kí kết". Còn những chữ như "gì", "gìn"... thì cũng vậy theo tôi thì chữ "gì" -> "giì", chữ "gìn" -> "giìn" khi viết thì lược bỏ bớt chữ "i" để nhìn mỹ quan hơn. "Ta cứ mặc nhiên công nhận là tiếng miền bắc, nhưng không hiểu có văn bản nào chính thức ở cấp quốc gia quy định điều đó không" theo tôi thì tiếng Việt cũng thể mặc nhiên công nhận là tiếng miền Bắc vì ở miền Bắc cũng tùy theo từng tỉnh và địa phương mà phát âm khác nhau, theo tôi hiểu thì tiếng Việt là một ngôn ngữ chung đặc trưng cho một quốc gia, tiếng Việt là những tiếng được phát âm chuẩn như trong sách "HỌC VẦN" hay gọi là tiếng phổ thông chứ không phải theo vùng miền nào. Trên đây là ý kiến riêng của bản thân tôi. Nếu có điều gì không đúng mong nhận được ý kiến của mọi người để được mở mang và hiểu biết hơn.