Bài học chống tiêu cực trong thi cử của ông cha ta
(Dân trí) - Dưới thời Phong kiến, những đời vua thịnh trị thường chọn cách thi cử là biện pháp quan trọng nhất để tuyển chọn đội ngũ quan lại. Việc tổ chức các kỳ thi chặt chẽ, nghiêm minh đã thật sự góp phần tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Lịch sử còn ghi danh những vị Vua coi trọng việc tuyển chọn nhân tài qua thi cử, đã trực tiếp ra đề thi, trực tiếp chấm bài thi của thí sinh để chọn ra những người ưu tú, bổ nhiệm làm quan chăm lo việc nước, việc dân.
Có thể nói, đi học thi đỗ để ra làm quan là mơ ước và tâm nguyện của nhiều người đương thời. Muốn thi đỗ, các sĩ tử phải miệt mài trau dồi kiến thức, khi đủ độ chín muồi có thể đem thực tài ra thi thố. Bên cạnh đó cũng có những kẻ dốt ná , lười biếng vẫn mong thi đỗ, đó là những kẻ ỷ lại vào quyền lực hay tiền bạc để mua chuộc, luồn lụy quan giám khảo, giở trò gian lận trong thi cử.
Ông cha ta đã nhận thức được tác hại của việc gian lận trong trường thi và đã có những biện pháp tức thời hoặc lâu dài để đấu tranh. Xin giới thiệu về lệ Khảo khoá của Vua Lê Thánh Tông và một số vụ án trường thi dưới thời Lê Trịnh.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Tác dụng của Khảo khoá để chọn ra những người có thực tài , đủ tiêu chuẩn để làm quan, còn những kẻ “mua quan” hay gian lận trong trường thi để đỗ làm quan cũng khó tồn tại lâu trong chốn quan trường.
Sử sách không ghi rõ lệ khảo khoá tồn tại bao lâu, nhưng có ghi lại một số vụ án liên quan đến trường thi dưới thời Lê Trịnh như sau:
Vụ gian lận trường thi đầu tiên sử cũ còn ghi lại có lẽ xảy ra vào năm Quí Sửu, niên hiệu Dương Đức thứ 2 (1673). Bấy giờ, tại kỳ thi Hương, Tham chính xứ Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) là Vũ Vĩnh Hồi cùng chú là Vũ Bật Hài “ăn tiền bạc, gửi gắm sĩ tử trong bốn kỳ thi”. Ngô Sách Dụ là Phủ Doãn Phụng Thiên coi việc trường thi, ngầm đem sách vở văn cũ vào trường, cho người nhà viết thay quyển thi, trà trộn đưa vào chấm lấy đỗ để chiếu theo giá đã định trước. Việc bị phát giác cả Vũ Vĩnh Hồi và Ngô Sách Dụ đều bị tội đồ. Cùng khoá thi đó , Lê Chí Đạo làm tham chính xứ Sơn Tây làm sai lệch trong việc thi khảo, việc bị lộ Chí Đạo bị luận tội phải bãi chức.
Năm Giáp Dần 1674, Tham chính xứ Nghệ An, Lương Khoái ức hiếp sĩ tử để lấy tiền bạc bị phát giác và bị giáng chức xuống làm Đông Các Hiệu thư (cơ quan văn phòng giúp việc choVua)
Tháng 12 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hoà thứ 17 (1696) Ngô Sách Tuân là Hội Khoa đô cấp sự Trung được sai đi làm giám thị ở trường Thanh Hoa. Vì muốn nâng đỡ cho con quan đồng triều đã làm sai lệch kết quả bài thi mà khi bị phát giác, đưa ra đình thần bàn xét. Ngô Sách Tuân bị khép vào tội giảo (thắt cổ) Ngô Hải khi ấy là Đề điệu (như chức chánh chủ khảo về sau) biết việc gian của Sách Tuân nhưng hứa giữ kín bị bãi chức vì không thẳng thắn giữ phép nước .
Các tân khoa đồng cảm tạ Tổng Đốc Nam Nam Định (1897)
Đầu thế kỷ 20, có tên Lê Tấn đã thuê người thi hộ mà đỗ cử nhân. Tuy nhiên, chuyện gian lận thi cử của y đã không qua được mắt ông viện trưởng Đô sát chính trực Hồ Lệ và học vị cử nhân của Lê Tấn bị tước bỏ.
Lê Tấn là con nhà giàu ở Nghệ An, hạch thi ở tỉnh không đậu nên không được đi thi Hương. Y vào Huế, chạy chọt được vào học chữ Pháp tại trường Quốc học và nhờ trường Quốc học làm hồ sơ đi thi Hương khoa Quý Mão (1903) tại trường Thừa Thiên. Đến ngày thi, y thuê một ông tú tài ở Nghệ An lấy tên Lê Tấn đi thi thế và đậu cả bốn trường. Khoa ấy lấy đỗ 32 người, ông Võ Hành người Quảng Nam đỗ đầu, ông Nguyễn Thúc Khẩn - người Quảng Bình, đỗ thứ 32.
Đến ngày xướng danh Cử nhân, đích thân Lê Tấn đi lãnh áo mão. Các sĩ tử, nhất là những người quê ở Nghệ An, biết rõ Lê Tấn không thi mà đỗ, mà lại đỗ cao (thứ 11/32) thật là chuyện lạ xưa nay chưa từng có.
Dư luận ấy đã đến tai ông Hồ Lệ - người Quảng Nam, lúc đó đang làm Viện trưởng viện Đô sát. Ông cho điều tra để biết dư luận thực hư như thế nào. Khi ấy Lê Tấn đã về quê vinh quy bái tổ, được đón tiếp linh đình, tiệc tùng thả cửa. Nhân danh Viện trưởng Đô sát, ông tâu lên vua, xin đòi Lê Tấn vào Kinh để hội đồng sát hạch lại.
Lê Tấn nghe tin, rất hoảng sợ. Một mặt y lẩn trốn theo ông tú đã đi thi hộ để tập bài, tập chữ cho giống với nét chữ của ông đã viết trong bài thi, một mặt thân nhân của y vào Huế chạy chọt lo lót. Và thân nhân của y đã đến được khắp các cửa trừ có chỗ ông thượng thư bộ Binh kiêm viện trưởng viện Đô sát là vô không lọt. Họ bèn nhờ đến Nguyễn Thúc Dinh đang dạy học cho các con ông Hồ Lệ tại chái Tây bộ Binh, bẩm với ông Hồ Lệ cho họ vô tạ lễ, nếu được họ sẽ biếu riêng ông Dinh một nghìn đồng (thời ấy giá trị một nghìn đồng bạc là to lắm).
Nhưng ông Dinh nhất định từ khước vì ông Dinh không dám nói chuyện ấy với ông "Viện trưởng viện Đô sát". Sáu tháng sau, Tỉnh Nghệ An bắt được Lê Tấn đưa vào Huế. Khi đó ông Hồ Lệ tâu xin vua lập một hội đồng sát hạch có đủ thượng thư sáu bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công).
Hội đồng sát hạch ngồi tại công đường bộ Binh. Ngoài sân có cắm cờ và lính gác nghiêm trang, các viên ngự sử lại qua kiểm soát đàng hoàng. Sáu ông Thượng họp ở giữa bộ đường để ra đề. Còn Lê Tấn thì ngồi trên chiếc chiếu trải ở góc trong bộ đường, có đủ dụng cụ để làm bài.
Đề hạch là bài Kinh nghĩa "Văn lý mật sát". Sau khi hội đồng chấm bài, thì thấy nét chữ trong bài có hơi giống nét chữ trong quyển thi, mà văn lý trong bài thì quá kém.
Ông Hồ Lệ bèn tâu Vua xin tước bỏ học vị cử nhân của Lê Tấn. Trong tờ phiến có câu:
"Bài hạch so với bài thi tuy tự hoạch có hơi giống nhau, mà văn lý thì cách xa một trời một vực. Thời tên Lê Tấn này, đáng tước bỏ tên trong danh sách cử nhân".
Khi vừa được phiến ông tâu lên, vua Thành Thái phê sau tờ phiến rằng: "Tên Lê Tấn này, đem vào mạt hạng cử nhân cũng được".
Sở dĩ có lời châu phê như vậy, vì lúc ấy gia đình Lê Tấn đã tìm đủ cách lo lót với các bà thần thế ở Nội cung để tâu vua tha thứ cho y.
Tiếp được lời phê của vua, ông Hồ Lệ rất phân vân suy nghĩ rồi dâng sớ can vua. Trong sớ có những câu:
"Tên Lê Tấn quả làm được cử nhân thì thần không mặt mũi nào còn đứng giữa triều đình. Như thế công luận thiên hạ sẽ ra sao? Và phép thi tương lai sẽ sinh tệ hại ra sao".
Trước những lời lẽ chính trực ấy, vua Thành Thái phải nghe theo, mà tước bỏ tên Lê Tấn trong danh sách cử nhân năm ấy. Vì thế danh sách cử nhân năm Quý Mão (1903) chỉ còn 31 người.
Giới học thức đất kinh kỳ lúc ấy rất hài lòng, bọn quan lại ăn hối lộ một phen sởn gáy.
Như vậy, việc gian lận trong thi cử đã có từ xa xưa, người xưa cũng nhìn nhận tác hại và đấu tranh với nó rất nghiêm khắc. Gian lận trong thi cử được coi là trọng tội, nghiêm trọng sẽ chịu đến tội chết.
Phạm Ngọc Cường
(sưu tầm & biên soạn)
LTS Dân trí - Bài viết trên đây là tư liệu lịch sử được ghi lại trong sử sách cho thấy ông cha ta rất nghiêm minh trong thi cử, không để lọt lưới những tên bất tài con nhà giầu dùng tiền đút lót và thuê người thi hộ, hoặc con cháu những người có thần thế dùng những thủ đoạn gian lận trong trường thi.
Sự việc diễn ra từ nhiều thế kỷ trước nhưng xem ra đến nay vẫn còn có tính thời sự, là tấm gương sáng cho cách ứng xử thời nay, nhất là vận dụng tinh thần nghiêm minh đó trong việc coi thi và chấm thi cũng như tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức sao cho chọn đúng những người có thực tài.