Trà Vinh:

Bài 3: Người dân bức xúc vì cả huyện không cưỡng chế được nhà máy nước đá sai phạm?

(Dân trí) - Sau 10 năm kiện tụng, tòa án tuyên ông Nhẫn trả lại đất cho ông Dân. Thế nhưng, hơn 1 năm trôi qua, hơn 20 lần ông Dân yêu cầu ngành chức năng thi bản án. Nhưng đến nay, cả huyện Trà Cú vẫn không thể cưỡng chế, tháo dỡ nhà máy nước đá trả lại đất cho ông Dân?

Không đủ khả năng hay bao che cho sai phạm?

Khoảng cuối tháng 12/2018, PV Dân trí đến Chi cục thi hành án Dân sự huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh),  tìm hiểu vụ việc chậm thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật mà ông Bùi Thiện Dân (thị trấn Định An, huyện Trà Cú) gửi đơn phản ánh đến báo Dân trí.

Tại buổi làm việc này, chấp hành viên thi hành án huyện Trà Cú cho biết, lí do chưa thể cưỡng chế, tháo dỡ một phần nhà máy nước đã của ông Nguyễn Hồng Nhẫn (thị trấn Định An, huyện Trà Cú) xây trên diện tích 230m2 đất của ông Dân là vì chưa tìm được đơn vị tháo dỡ hệ thống gas của Nhà máy nước đá.

Sau đó, cơ quan thi hành án tiếp tục vận động gia đình ông Dân chờ đợi và phối hợp với đơn vị trong việc tìm đối tác có khả năng tháo dỡ hệ thống gas của Nhà máy nước đá. Nhiều lần ông Dân đến yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự huyện Trà Cú tiến hành cưỡng chế, buộc ông Nhẫn tháo dỡ nhà máy trả lại đất cho ông thì được Chi cục thi hành án hẹn lại, báo cáo Cục thi hành án tìm hướng giải quyết...

Bài 3: Người dân bức xúc vì cả huyện không cưỡng chế được nhà máy nước đá sai phạm? - 1

Sự "bình chân như vại" của cơ quan thi hành án huyện Trà Cú và tỉnh Trà Vinh làm cho gia đình ông Bùi Thiện Dân khổ sở đòi lại 230m2 đất mà còn làm người dân mất niềm tin vào sự tôn nghiêm của pháp luật và chính quyền sở tại

Ông Dân bức xúc, nói: “10 năm trời tôi khổ cực đi kiện tụng tòa mới tuyên buộc ông Nhẫn trả lại 230m2 mà ông chiếm lấy xây dựng một phần công trình Nhà máy nước đá. Khi bản án có hiệu lực, hơn 1 năm qua tôi đã nhiều lần gửi đơn và hơn 20 lần tôi trực tiếp đến UBND huyện, Chi cục thi hành án dân sự huyện để yêu cầu các ngành chức năng tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình trả lại phần đất 230m2 cho tôi. Nhưng đến nay các cơ quan vẫn im tiếng, ông Nhẫn vẫn thu lợi bất chính trên phần đất của tôi. Chẳng lẽ, cả huyện Trà Cú này không đủ khả năng, thẩm quyền tháo dỡ công trình sai phạm của ông Nhẫn?”

Để tìm hiểu rõ vụ việc này, PV Dân trí liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Trà Cú (Trưởng Ban thi hành án huyện) nhưng hai lần ông đều nói bận họp và tắt máy điện thoại, không sắp xếp được buổi gặp gỡ PV để cung cấp thông tin. Còn Chi cục thi hành án Dân sự huyện Trà Cú thì cho biết chỉ ghi nhận câu hỏi nhưng không có thẩm quyền phát ngôn? Đề nghị PV liên hệ với Cục thi hành án Dân dự tỉnh.

Bài 3: Người dân bức xúc vì cả huyện không cưỡng chế được nhà máy nước đá sai phạm? - 2

Từ ngày PV Dân trí đến đặt câu hỏi đã hơn 15 ngày, Cục thi hành án vẫn chưa có văn bản trả lời, dù PV chỉ muốn biết việc thi hành án đang gặp khó khăn gì mà chưa thi hành án được cho người dân

Ngày 30/5, PV Dân trí đến Cục thi hành án Dân sự tỉnh Trà Vinh và gặp ông Nguyễn Văn Dương – Chánh Văn phòng Cục thi hành án Dân sự tỉnh Trà Vinh. Tại buổi làm việc này, ông Dương cho biết chỉ ghi nhận câu hỏi của PV để trình lãnh đạo và sẽ có văn bản trả lời trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên đến nay, Cục thi hành án Dân sự trà Vinh vẫn chưa có văn bản trả lời cho PV Dân trí.

Ông Dân bức xúc nói: “Mới đây, tôi thấy Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nói: “Khi tiếp dân thì cán bộ cần đặt mình vào vị trí người dân…” Trong vụ việc của tôi, nếu cán bộ huyện Trà Cú thấy được nổi khổ của tôi trong 10 năm trời đi kiện tụng đòi lại chính mảnh đất của mình thì cán bộ sẽ có cách giải quyết cho gia đình tôi. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, các ngành chức năng cứ “đá” trái bóng trách nhiệm, từ cơ quan này qua cơ quan khác. Như vậy, gia đình tôi phải chờ đến bao giờ nữa đây?”

Diễn biến vụ việc…

Như Dân trí đã thông tin, ông Bùi Thiện Dân có mảnh đất 551m2 (thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Từ năm 2008 - 2009 bị vợ chồng ông Nguyễn Hồng Nhẫn (cùng địa phương với ông Dân) lấn chiếm 230m2 đất và xây công trình nhà máy sản xuất nước đá.

Ngày 22/10/2009, TAND huyện Trà Cú đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, buộc ông Nguyễn Hồng Nhẫn tháo dỡ toàn bộ nhà máy nước đá xây dựng trên phần đất ông Dân theo đúng hiện trạng ban đầu. Đến năm 2010, TAND tỉnh Trà Vinh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cũng buộc ông Nhẫn tháo dỡ công trình trả lại 230m2 đất cho ông Dân.

Tuy nhiên đến lúc thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú không thể thi hành vì vợ ông Nhẫn là bà Tăng Thị Hồng Nghiệp có đơn phản ánh vì cho rằng bà cùng các thành viên trong gia đình là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan nhưng các cấp từ sơ thẩm đến phúc thẩm TAND tỉnh Trà Vinh đều không đề cập đến.

Bài 3: Người dân bức xúc vì cả huyện không cưỡng chế được nhà máy nước đá sai phạm? - 3

Ngày 15/11/2012, TAND tối cao quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh. Đến 3/1/2013, Hội đồng Giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tối cao. Hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh về “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Bùi Thiện Dân và bị đơn ông Nguyễn Hồng Nhẫn. Đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Trà Cú xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Sau đó, lần lượt năm 2017 và năm 2018, TAND huyện Trà Cú và TAND tỉnh Trà Vinh bổ sung những người liên quan và đưa vụ án ra xét xử lại. Kết quả hai phiên tòa (sơ thẩm, bản án số 15/2017/DS –ST, ngày 15/11/2017 của TAND huyện Trà Cú và bản án phúc thẩm số 49/2008/DS-PT, ngày 29/3/2018 của TAND tỉnh Trà Vinh) đều buộc ông Nhẫn tháo dỡ công trình, trả lại 230m2 đất và số tiền hơn 128 triệu đồng cho ông Dân.

Nhưng đến nay, gia đình ông Dân vẫn chưa nhận được đất. Nhà máy sai phạm của ông Nhẫn thì vẫn hoạt động bình thường, trong khi quyền lợi chính đáng của ông Dân thì không được chính quyền địa phương bảo vệ. Chính sự “bình chân như vại” của cơ quan thi hành án huyện Trà Cú đang gây bức xúc trong dư luận và mất lòng tin của dân.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm