Bình Phước lập dự án “khủng” - dân đi tìm sự “công tâm”

Bài 3: Người dân bị thu hồi đất được hỗ trợ theo kiểu… bần cùng hóa?

(Dân trí) - "Là người có công khai phá đất hoang nhưng chúng tôi bị quy thành những kẻ lấn chiếm đất rồi áp mức giá “hỗ trợ” rẻ mạt. Nếu bị giải tỏa, chúng tôi đề nghị được bồi thường thỏa đáng, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và nhân dân".<br><a href='http://dantri.com.vn/ban-doc/bai-2-dien-tich-thu-hoi-la-dat-thuoc-lam-truong-bi-dan-lan-chiem-950255.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Bài 2: Diện tích thu hồi là đất thuộc lâm trường bị dân lấn chiếm?</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/ban-doc/bai-1-chung-toi-da-do-mo-hoi-xuong-mau-de-khai-hoang-949806.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Bài 1: "Chúng tôi đã đổ mồ hôi, xương máu để khai hoang"</b></a>

Người dân đang làm giàu trên đất

Đó là ý kiến chung của người dân thuộc 5 xã nằm trong vùng quy hoạch dự án khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ Đồng Phú có diện tích 14.531 héc ta được tỉnh Bình Phước lập dự thảo xây dựng. Hơn một tháng qua, khi tỉnh Bình Phước triển khai lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo, hàng nghìn hộ dân đang hoang mang lo lắng trước nguy cơ trắng tay vì mất đất.

Đứng trước nguy cơ mất đất, người dân ăn ngủ không yên.
Đứng trước nguy cơ mất đất, người dân ăn ngủ không yên.

Ông Hứa Văn Thi (ấp Nam Đô, xã Tân Phước) cho biết, đất trong khu vực bị thu hồi là đất đỏ ba-zan rất màu mỡ, với mức giá thị trường hiện nay mỗi héc ta có giá từ 600 đến 700 triệu đồng. Tuy nhiên, người có tiền chưa hẳn đã mua được đất bởi lẽ từ nhiều năm qua bà con đã bỏ vốn đầu tư trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su, điều, cà phê, tiêu đang cho thu hoạch. “Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm chúng tôi có thể thu lợi trung bình 200 triệu đồng từ thành quả lao động của mình trên 1 héc ta cây công nghiệp.”

Hiệu quả từ đất sản xuất còn mang lại nhiều nguồn lợi lớn cho các hộ gia đình có hướng đầu tư kinh doanh hiện đại. Ông Dụng Quý Đông (ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng) cho biết: “Gia đình tôi đã vay mượn hơn 10 tỷ đồng để xây dựng trang trại cây ăn quả, diện tích 16 héc ta với các giống cây: sầu riêng, quyết đường, bơ sáp Mỹ,… theo mô hình trạng trại của Thái Lan. Hiện các loại cây trên đã bắt đầu cho thu hoạch với nguồn lợi hàng tỷ đồng một vụ. Riêng tiền thuế mỗi năm trang trại của gia đình đóng vào ngân sách tỉnh Bình Phước khoảng 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, để định hình được một mô hình kinh tế ổn định, hầu hết người dân đã phải trải nghiệm với nhiều lần thay đổi các giống cây trồng. Vì thế, khi lợi nhuận từ mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao chưa đủ để chi trả những khoản vay phục vụ đầu tư phát triển thì các hộ dân không khỏi bàng hoàng vì đứng trước nguy cơ mất đất. “Nếu đất bị thu hồi đồng nghĩa với việc người dân chúng tôi phải làm lại từ đầu. Song, để cây công nghiệp cho thu hoạch không phải ngày mốt ngày hai, diện tích đất và khoản tiền hỗ trợ không đủ để tái sản xuất.” Ông Quý Đông cho biết.

Hỗ trợ 10% đến 35% là đã cao

Theo dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong khu vực dự án Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp thì tỉnh Bình Phước sẽ không bồi thường đất cho dân. Theo quyết định số 1981/QĐ-UBND (ngày 25/10/2013) về việc thu hồi đất tại huyện Đồng Phú, toàn bộ diện tích 14.531 héc ta nằm trong khu vực xây dựng dự án đều là đất của lâm trường. Do đó, tỉnh Bình Phước chỉ hỗ trợ đất và tài sản trên đất với mức từ 10% đến 35% (tùy thời gian và tính chất sở hữu trong thời gian lấn chiếm, nhưng diện tích thuộc quyền sử dụng đất không quá 3 héc ta).

Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Trăm chủ trì buổi họp báo.
Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Trăm chủ trì buổi họp báo.

Chiều 25/9, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội trong 9 tháng của năm 2014ông Nguyễn Thành Chương, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cho rằng: “Đất bị lấn chiếm hay giao khoán cho dân cũng là đất nhà nước nên chỉ hỗ trợ một phần đất và cây trồng trên đất. Mức hỗ trợ từ 10% đến 35% đang là dự kiến, nhưng nếu quy ra tiền so với giá đất hiện tại thì người dân cũng được khoảng 60 triệu đồng mỗi héc ta là đã caoCòn việc cấp sổ đỏ cho dân (báo Dân trí đã phản ánh trong kỳ trước) là đúng, nhưng phần nhiều do… cấp sai nên chúng tôi tính toán lại” (?!).

Sau phát ngôn của ông Nguyễn Thành Chương, người dân trong khu vực đất có nguy cơ bị giải tỏa cho rằng, dù là dự thảo nhưng UBND tỉnh Bình Phước đưa ra mức hỗ trợ dân theo kiểu bần cùng hóa. Là người có công khai phá đất hoang nhưng chúng tôi bị quy thành những kẻ lấn chiếm đất công rồi áp mức giá “hỗ trợ” rẻ mạt. Nếu bị giải tỏa, chúng tôi đề nghị được bồi thường thỏa đáng, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và nhân dân.

Sau nhiều lần đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND huyện Đồng Phú và UBND tỉnh Bình Phước nhưng không không mang lại kết quả, người dân tại 5 xã có đất trong diện tích dự kiến bị thu hồi đã cử đại diện của mình gửi bản đề xuất lên UBND tỉnh. Bà con cho rằng, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả, phần lớn diện tích đất đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc gây lãng phí lớn. Do đó “Việc thu hồi đất thực hiện dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp nhân dân không đồng ý.”

Khẳng định, diện tích đất canh tác hiện tại là do chính bàn tay mình đã khai hoang từ những thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, người dân đề nghị tỉnh Bình Phước nhanh chóng cấp quyền sử dụng đất cho dân, đồng thời bỏ cụm từ “đất lấn chiếm sang nhượng trái phép” thay bằng “đất chưa được cấp quyền sử dụng đất và mua bán, sang nhượng chưa được nhà nước công nhận”. Trên cơ sở đó, nếu giải tỏa nhà nước cần xem xét lại mức hỗ trợ từ 10% đến 35% diện tích đất và bồi thường đất, tài sản trên đất cho dân theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; sớm công bố quy hoạch; có chính sách thỏa đáng trong việc tái định canh định cư để ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Vân Sơn