Sai phạm trong việc cấp “sổ đỏ” ở Thanh Trì (Hà Nội):

Bài 2: Một quyết định "tiền hậu bất nhất" của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao

(Dân trí) - Ngày 24/12/2009, VKSNDTC có Quyết định 43/QĐ/KNGĐT-V12 về việc Kháng nghị bản án hành chính phúc thẩm của TANDTC tại Hà Nội. Thế nhưng, gần 5 tháng sau, cũng chính Viện KSND tối cao lại ra một quyết định rút Kháng nghị trên với lý do không rõ ràng…

Bài 2: Một quyết  định "tiền hậu bất nhất" của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - 1
Công văn của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng gửi TANDTC và VKSNDTC (ảnh: Vũ Văn Tiến)

Trước đó, Kháng nghị đã chỉ rõ, giả sử giấy biên nhận tiền giữa ông Phạm Tiến Dũng (đã chết, chồng bà Rào) và ông Nguyễn Văn San là có thật đi chăng nữa thì giấy tờ này cũng không hợp pháp. Vì, tại thời điểm này, ông Dũng và bà Rào đang tồn tại quan hệ hôn nhân, theo quy định tại Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 vẫn có hiệu lực thì “vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước, sau khi cưới”. Nghĩa là, ông Dũng không có toàn quyền định đoạn mảnh đất nêu trên. Hơn nữa, giấy biên nhận không có người làm chứng và không có xác nhận của chính quyền địa phương nên có thể khẳng định đây là giấy tờ mua bán không hợp pháp.

Tài liệu giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất mà ông Đông, bà Bắc xuất trình trong hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” sở hữu nhà và sử dụng đất là không có giá trị pháp lý. Bởi, ông San không phải là chủ sở hữu nhà, chủ sử dụng thửa đất; giấy chuyển nhượng không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chưa sang tên trước bạ nên giấy chuyển nhượng đất giữa ông San và ông Nhân không có tính pháp lý. Hơn nữa, ông Đông và bà Bắc chưa bao giờ quản lý, sử dụng mảnh đất trên và cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh là đã được ông Nhân cho sử dụng nhà, đất trên. Kháng nghị khẳng định, Quyết định 1263/QĐ-UB ngày 05/3/2001 của UBND TP. Hà Nội cấp GCNQSD đất ở, sở hữu nhà cho ông Đông, bà Bắc là trái với quy định của pháp luật, cấp GCNQSD đất và sở hữu nhà cho người không đủ điều kiện được xét cấp.

Nói về trình tự, thủ tục xét cấp “sổ đỏ” cho ông Đông và bà Bắc, Kháng nghị cho rằng, UBND thị trấn Văn Điển, UBND huyện Thanh Trì và Sở Tài nguyên Môi trường TP.Hà Nội đã có nhiều sai phạm ở chỗ:
 
Thứ nhất, việc xác định hiện trạng đất ở của UBND thị trấn Văn Điển thể hiện trên bản đồ địa chính năm 1989 có một số điểm không chính xác. Bởi, mục đích sử dụng đất ghi trong tờ bản đồ và sổ địa chính là “đất ở” nhưng thực tế là “ất ao” từ năm 1958 đến nay. Ngoài ra, theo hồ sơ địa chính thì thửa mà ông Đông bà Bắc kê khai có mâu thuẫn về số thửa và diện tích đất giữa bản đồ và sổ địa chính. Thêm vào đó, trong hồ sơ đăng ký kê khai xin cấp “sổ đỏ” của ông Đông, bà Bắc không có biên bản xác định ranh giới QSDĐ với các chủ hộ liền kề.
 
Thứ hai, việc công khai kết quả phân loại các hồ sơ trước khi báo cáo UBND cấp huyện hoặc Sở Địa chính. Theo Kháng nghị, UBND thị trấn Văn Điển đã làm không đúng nguyên tắc, bởi theo khoản 3 Điều 10 Quyết định số 69/1999/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội thì: “Các hồ sơ trước khi báo cáo UBND cấp quận hoặc chuyển Sở Địa chính Nhà đất, UBND cấp phường phải niêm yết công khai kết quả phân loại tại trụ sở UBND phường trong thời hạn 10 ngày và thông báo cho nhân dân trong địa phương biết”, nhưng thực tế UBND thị trấn Văn Điển lại công khai kết quả tại “trụ sở dân phòng”.
 
Kháng nghị đề nghị Hội đồng Thẩm phán – TANDTC xử hủy bản án hành chính phúc thẩm số 11/2009/HCPT ngày 19/01/2009 của Tòa Phúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội, bản án hành chính sơ thẩm số 01/2008/HCST ngày 14/08/2008 của TAND TP. Hà Nội, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
 
Gần 5 tháng sau khi Viện KSND tối cao ra Kháng nghị bản án, vụ án tranh chấp đất đai của gia đình bà Ngô Thị Rào đã rơi vào im lặng khó hiểu. Theo khoản 1, Điều 373 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định “Toà án nhân dân tối cao xét quyết định của Toà án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, Kháng nghị trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ; trường hợp cần phải yêu cầu giải thích theo quy định tại khoản 2 Điều 367 của Bộ luật này thì thời hạn này được kéo dài, nhưng không quá hai tháng.”

Không hiểu vì sao, đến ngày 19/05/2010, “bỗng dưng” Viện KSND tối cao lại ra Quyết định  số 02/QĐ/RKN-GĐTHC do Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm ký về việc rút quyết định giám đốc thẩm trước đó. Lý do mà Quyết định này đưa ra là “Viện trưởng Viện KSND tối cao nhận thấy không cần thiết Kháng nghị đối với bản án hành chính phúc thẩm nêu trên”.

Như vậy, việc ra quyết định rút Kháng nghị đã vô hình chung phủ nhận toàn bộ những sai phạm của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho ông Đông và bà Bắc, sai phạm trong quá trình xét xử của hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm mà chính Viện KSND tối cao đã chỉ ra. Việc ra quyết định rút Kháng nghị của Viện KSND tối cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thể hiện sự “tiền hậu bất nhất” của cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Trước Quyết định trên của Viện KSNDTC, ngày 1/6/2010, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3695/VPCP-KNTN kiến nghị “Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra, xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật việc khiếu nại của bà Rào…”.
 
Ngày 22/07/2010, Ủy ban Tư pháp Quốc hội có Công văn số 4063/UBTP 12 do ông Phạm Quý Tỵ, Phó chủ nhiệm ký gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Công văn nêu rõ: Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị các đồng chí xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời bà Ngô Thị Rào và thông báo kết quả đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội”.
 
Tiếp đến, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có Công văn số 369/VPBCĐ-V.I đề nghị Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật khiếu nại của bà Rào. Kết quả thông báo về Văn phòng Ban chỉ đạo để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương.  
 
Vũ Văn Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm