Hà Nội:

Bài 1: Sông Đà - Hà Đông xâm hại quyền lợi cư dân

(Dân trí) - Bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu căn hộ tại tòa nhà hỗn hợp Sông Đà - Hà Đông trên đường Trần Phú, quận Hà Đông. Nhưng qua gần 2 năm sử dụng, các cư dân tòa nhà tỏ ra rất bức xúc khi chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng.

Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, siêu thị, căn hộ Sông Đà - Hà Đông tọa lạc trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội được đưa vào sử dụng cuối năm 2010. Theo thiết kế được phê duyệt, tòa nhà gồm 34 tầng, với 8 tầng cho thuê văn phòng và siêu thị, cùng hơn 200 hộ cư dân. Để sở hữu được căn hộ, các hộ cư dân đều phải chi trả hàng tỷ đồng với mong muốn được hưởng những lợi ích tương xứng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm chuyển về ở, những quyền lợi thiết yếu của hàng trăm hộ dân đang có dấu hiệu bị xâm hại nghiêm trọng.
 
Đơn kiến nghị Ban đại diện tòa nhà gửi đến báo Dân trí
Đơn kiến nghị Ban đại diện tòa nhà gửi đến báo Dân trí
 
Theo đơn kiến nghị của Ban đại diện lâm thời tòa nhà gửi đến báo Dân trí, lãnh đạo Bộ Xây dựng, thanh tra Sở Xây dựng: Đã gần 2 năm chờ đợi và đấu tranh, hàng trăm hộ cư dân vẫn chưa được hưởng những quyền lợi xứng đáng, trong khi lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (mã chứng khoán là SDU) gần như bỏ qua lời kiến nghị chính đáng của người dân.
 
Cụ thể, Ban đại diện lâm thời tòa nhà nêu ra 6 điểm mà SDU thực hiện sai quy định của Bộ xây dựng, cùng nhiều cơ quan quản lý nhà ở. Sau khi tòa nhà đưa vào sử dụng năm 2010, hiện đã có 180 hộ dân về ở nhưng SDU vẫn chưa triệu tập họp các hộ dân để bầu ra Ban quản trị tòa nhà làm nhiệm vụ bảo vệ, bộ phận có chức năng đại diện cho quyền lợi hàng ngày của hàng trăm hộ dân theo đúng quy định.
 
Dựa trên thiết kế được Bộ Xây dựng phê duyệt, tầng hầm H1 tòa nhà SDU được dùng để chứa xe máy với tổng số 1060 xe. Tầng hầm H2 làm nơi để ôtô với sức chứa 81 xe. Tuy nhiên, kể từ khi lãnh đạo tòa nhà ký hợp đồng với siêu thị điện máy, toàn bộ phần diện tích sử dụng chung của các hộ dân tầng H1 được dùng làm kho chứa hàng của siêu thị, được quây tôn kín xung quanh ẩn chứa nhiều nguy cơ cháy nổ khó lường.
 
Thiết kế tầng hầm H1 làm chỗ để xe máy bị biến thành kho hàng
Thiết kế tầng hầm H1 làm chỗ để xe máy bị biến thành kho hàng

Vì hầm H1 biến thành kho siêu thị, toàn bộ xe máy, ôtô văn phòng tòa nhà buộc phải dồn xuống hầm H2 gây ra tình trạng quá tải và mất an toàn về giao thông. Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn bất ngờ xảy ra giữa ôtô và xe máy trong quá trình lưu thông lên - xuống, do để xen lẫn ôtô – xe máy cùng chung tầng hầm. Không những vậy, hàng ngày ban quản lý tòa nhà còn tận thu cả những khoảng không gian sinh hoạt làm bãi xe bổ sung, nơi đỗ xe chuyển hàng của siêu thị khiến tòa nhà mất mỹ quan. Theo phản ánh của Ban đại diện, nếu trong trường hợp xảy ra cháy nổ sẽ rất khó khăn để lực lượng PCCC áp sát chữa cháy.

Ở tầng 1, tòa nhà được thiết kế một khoảng không gian sinh hoạt làm nơi cho cư dân nghỉ ngơi khi lên - xuống thang máy. Tuy nhiên, hiện khoảng không chung đã được xây dựng thành văn phòng cho thuê. Khi các hộ cư dân lên tiếng thắc mắc, lãnh đạo SDU khẳng định đó được dành làm chỗ nghỉ ngơi của bảo vệ, dù trên thực tế khu vực này đang sử dụng vào mục đích kinh doanh của SDU.

Trước khi nhận bàn giao nhà tất cả các hộ dân đều đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với SDU, nhưng sau 21 tháng sử dụng và nộp đầy đủ những giấy tờ liên quan, hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo đúng quyền lợi và quy định của pháp luật.
 
Việc tận thu lối đi chung quanh tòa nhà thường xuyên khiến giao thông
Việc tận thu lối đi chung quanh tòa nhà thường xuyên khiến giao thông
tắc ngẽn, xen kẽ là những rủi ro về tai nạn giao thông
 
Trong nỗ lực đấu tranh để được hưởng những quyền lợi tương xứng, thời gian qua, Ban đại diện lâm thời các hộ cư dân sinh sống tại tòa nhà hỗn hợp SDU đã nhiều lần gửi đơn đề nghị đến lãnh đạo tập đoàn Sông Đà, gặp trực tiếp Tổng GĐ Hoàng Văn Anh và Phó TGĐ Lê Tùng Hoa đề nghị giải quyết những quyền lợi cấp thiết, nhưng mọi thứ đều rơi vào bế tắc.
 
Hàng ngày các hộ cư dân sinh sống tại đây vẫn phải đối mặt với nguy cơ cháy nổ, không có không gian sinh hoạt, đặc biệt là sự an toàn của hàng trăm cháu nhỏ khi đi lại vui chơi ở lối đi chung của tòa nhà. Để đảm bảo quyền lợi chung, Ban đại diện lâm thời tòa nhà đã gửi kiến nghị ra UBND phường Văn Quán, quận Hà Đông đề nghị can thiệp, nhưng những thắc mắc sát sườn của hàng trăm hộ dân chưa được phía SDU và các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, dù trên thực tế họ xứng đáng được hưởng sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ sở hữu là SDU.
 
Các hộ dân sinh sống tại tòa nhà SDU chưa được hưởng những quyền lợi xứng đáng
Các hộ dân sinh sống tại tòa nhà SDU chưa được hưởng những quyền lợi xứng đáng

Sau những bức xúc và thiệt thòi phải hứng chịu, Ban đại diện lâm thời tòa nhà SDU kiến nghị Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hà Đông vào cuộc kiểm tra làm rõ những sai phạm của SDU trong việc việc tuân thủ quy hoạch đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, thực hiện sai quy định nhà nước gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng mà hàng trăm hộ cư dân đang sinh sống tại đây xứng đáng được hưởng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương