“Tháp đôi đại học” nghìn tỷ “mình voi đầu chuột”:

Bài 1: Một kiểu đầu tư “cha chung không ai khóc”

(Dân trí) - Tòa nhà trung tâm Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) Hà Nội là một dự án nhóm A được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003, là một công trình hiện đại nhất của ngành giáo dục nhưng sau 9 năm triển khai nay đã “đắp chiếu” với 7 tầng xây thô.

Nguyên nhân chính do Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong xử lý vốn; đề xuất “úp nóc” công trình xây dở này, khiến dự án rơi vào tình trạng “thân voi đầu chuột”, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng…
Bài 1: Một kiểu đầu tư “cha chung không ai khóc”
Phối cảnh Tòa nhà trung tâm Trường Đại học KTQD sẽ là tòa nhà hiện đại nhất của nền giáo dục Việt Nam
   

Tiền ít muốn xây nhà…cao tít

Ngày 28/1/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 124/QĐ-TTg phê duyệt dự án xây dựng Nhà trung tâm đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD).  Trong số dự án nhóm A của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được Chính phủ phê duyệt năm ấy, chỉ có 3 dự án nên đây là một sự quan tâm đặc biệt, với kỳ vọng ưu tiên đào tạo nhân lực cho ngành kinh tế và hiện đại hóa giáo dục, giúp Việt Nam sớm có một cơ sở đào tạo đạt đẳng cấp quốc tế. Theo đó, công trình sẽ là một tòa tháp đôi 19 tầng và 13 tầng, tổng diện tích gần 96.000 m3 sàn. Công trình được xây dựng trên khuôn viên 14 ha do Trường ĐHKTQD quản lý, nằm ở đường Giải Phóng, cửa ngõ phía Nam thủ đô, riêng diện tích sử dụng đất của tòa nhà chiếm hơn 3,67 ha. Tổng mức đầu tư của dự án năm 2003 là 518,1 tỷ đồng và hiện nay khoảng 1400 tỷ đồng.

Năm 2006, dự án mới được khởi công, Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) là nhà thầu. Thời gian thực hiện dự án được xác định đến năm 2010 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay đã là giữa năm 2012, hai tòa tháp mới đến tầng thứ 7 thì tạm dừng, “đắp chiếu”. Chiều 22/6 vừa qua, chúng tôi có mặt tại công trường thì thấy tòa nhà chìm trong vắng lặng, cẩu tháp, giàn giáo đứng chỏng chơ, các cột thép chờ thi công như những cánh tay chới với giữa trời trong tuyệt vọng và phần lớn các cột thép này đã han rỉ sau 2 năm dãi dầu mưa nắng. Đi sâu vào khu tầng hầm, thấy ngổn ngang vật liệu và nước đọng.

Hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều

Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 bức xúc cho biết: “Theo hợp đồng đã ký thì chủ đầu tư phải bảo đảm vốn cho nhà thầu theo tiến độ nhưng chúng tôi không ngờ sau khi ký hợp đồng, tiếng là dự án trọng điểm của một Bộ được Chính phủ đầu tư ngân sách cực lớn, chiếm tới 20% tổng chi ngân sách Nhà nước nhưng việc bố trí vốn cho nhà thầu lại “lôm côm” như vậy. Tổng công ty của tôi đến nay đã làm hàng nghìn dự án, cho hàng chục bộ, ngành, địa phương nhưng chưa thấy ở đâu “ông chủ quản” làm ăn “tiền hậu bất nhất”, thiếu chữ tín như ở đây”.

Để triển khai dự án, ông Giáp nhiều lần phải chấp nhận “bỏ tiền túi” của đơn vị ra làm trước. Nhưng rồi, đến năm 2010 thì chuyện thiếu vốn lên đến đỉnh điểm, buộc tòa nhà xây đến tầng thứ 6 thì tạm dừng.

Đâm lao phải theo lao, với doanh nghiệp xây dựng, công trình đắp chiếu đồng nghĩa với tiền tỷ đi nuôi…ngân hàng nên dù không phải nhiệm vụ của mình, đúng ra là việc của chủ đầu tư, ông Giáp vẫn phải nhiệt tình đi cùng ông Nguyễn Văn Nam hiệu trưởng đi gõ cửa các quan chức của Bộ GD&ĐT, xin được họ “rủ lòng thương” xử lý bế tắc của dự án.
…và tòa nhà dở dang “đắp chiếu” 9 năm xây dựng
…và tòa nhà dở dang “đắp chiếu” 9 năm xây dựng

Tại một cuộc gặp gỡ vào cuối năm 2010, Cục trưởng  Cục cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em Trần Duy Tạo ghi nhận, hứa sẽ giải quyết vướng mắc về vốn, thủ tục kèm theo cái bắt tay trấn an ông Giáp “cứ yên tâm”. Trong nhiều cuộc gặp gỡ khác, phía Trường ĐHKTQD cũng như Bộ GD&ĐT còn “hứa” với ông Giáp rằng cứ yên tâm đầu tư rót vốn cho công trình, chắc chắn sang năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường, Bộ sẽ rót vốn cho dự án hoàn thành, ra mắt. Những lời hứa hẹn khiến ông Giáp tin tưởng, tiếp tục dốc hầu bao ngót trăm tỷ đồng đầu tư cho dự án hi vọng ngày “về đích”. Không những thế, lễ ra quân đầu xuân năm 2011, ông Giáp cũng cho chọn Trường ĐHKTQD làm nơi ra quân, hi vọng hoàn thành dứt điểm dự án.

Nhưng sự đời ai học được chữ ngờ, theo ông Giáp, sang năm 2011, ông Tạo bắt đầu “quay ngoắt 180 độ”, không chấp nhận ký gia hạn hợp đồng, cũng không  tăng thêm vốn để công trình hoàn thiện như lời ông đã hứa với nhà thầu.  Gần một năm trời, tòa nhà chỉ được xây thêm có một tầng, đến tầng thứ 7 thì phải dừng lại lần thứ hai.

Ngày 19/11/2011, Trường ĐHKTQD đành tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập, các cơ quan chức năng một lần nữa ghi nhận và hứa sẽ quan tâm tới công trình có ý nghĩa rất quan trọng này. Nhưng rồi, đúng là “bộ về rồi bộ lại quên thôi”.

Kết thúc năm 2011, việc gia hạn hợp đồng cũng không được ký.  Không những thế, phần vốn ngân sách bố trí cho dự án chỉ có 30 tỷ đồng nhưng khi giải ngân, thanh toán, Tổng công ty 36 được 18,3 tỷ đồng, còn 11,7 tỷ đồng bị Bộ GDDT thu về, cấp cho dự án khác, khiến Tổng công ty 36 rơi vào cảnh khóc dở mếu dở vì gần 100 tỷ đồng đầu tư cho dự án không thu hồi vốn được mà vẫn phải chịu lãi ngân hàng rất lớn. Việc điều chuyển vốn này theo ông Phạm Thanh Giang, Phó TGĐ Tổng công ty 36 là “không bình thường” nếu không muốn nói là có dấu hiệu khuất tất bởi Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể cho phép ký gia hạn hợp đồng trước khi trình Thủ tướng phê duyệt phương án dự toán mới. Phần vốn 30 tỷ vẫn trong tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt.

Vô cảm trước thiệt hại ngân sách?

Từ đó đến nay, đã gần 2 năm trời, Tổng công ty 36 đã gửi hàng chục công văn tới Trường Đại học KTQD, Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lý nhưng chủ đầu tư hoàn toàn…im lặng. Trong công văn gần đây nhất gửi tới nhà trường và Bộ trưởng Bộ GDDT, ông Giáp nêu rõ: Nhà thầu đã đầu tư gần 180 tỷ đồng cho dự án nhưng mới được thanh toán 115 tỷ, còn thiếu tới 65 tỷ đồng chưa được thanh toán trong khi phải chịu lãi suất vốn vay và khấu hao máy móc lên tới 3,1 tỷ đồng/mỗi tháng. Đặc biệt, chỉ riêng hệ thống cáp dự ứng lực để chống động đất phải nhập khẩu 100% với số lượng 120 tấn, theo đúng thiết kế 13 tầng đã lên tới 16 tỷ đồng, nay bị tồn kho 9,6 tỷ… “Nếu việc xử lý công nợ còn để kéo dài, chúng tôi sẽ kiện Trường ĐHKTQD ra tòa vì đã vi phạm hợp đồng, vi phạm Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng…” – Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cho biết.

Xét cho cùng thì toàn bộ những thiệt hại này, phần lãi ngân hàng và chi phí phát sinh do công trình hư hỏng phải sửa chữa do đắp chiếu cuối cùng sẽ vẫn rơi vào gánh nặng ngân sách Nhà nước. Và để xảy ra tình trạng đó, không ai khác chính ông cục trưởng Trần Duy Tạo là người phải chịu trách nhiệm khi đại diện cho bộ chủ quản mà không tính đến hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn ngân sách. Khó có thể đổ lỗi cho cơ chế hay do khách quan khi mà công trình bị đắp chiếu gần 2 năm nhưng ông Tạo mới chỉ tổ chức có…hai cuộc họp để tháo gỡ vấn đề. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Vụ trưởng vụ III, Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Lỗi trước hết thuộc về Bộ GD - ĐT, bởi những công trình đang làm dở dang cần phải ưu tiên số một …”.      
 
Kết luận của Thanh tra Chính phủ từ tháng 9/2010 đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch bổ sung nguồn vốn, Bộ GD-ĐT và trường ĐHKTQD xác định rõ tỉ lệ từng nguồn vốn để sớm hoàn thành dự án. Kiến nghị này đã được Thủ tướng chấp thuận và yêu cầu thực hiện, nhưng thay vì thực hiện chỉ đạo này, ông Trần Duy Tạo đã tham mưu cho Bộ GD-ĐT đề xuất theo hướng “úp nóc” phần đã xây thô đi vào sử dụng để khi nào có tiền đầu tư tiếp. Nếu phương án này được chấp thuận thì sẽ xảy ra chuyện hi hữu trong ngành xây dựng Việt Nam khi một công trình có kết cấu hiện đại, đầu tư rất lớn vào phần móng và các tầng hầm nhưng lại chỉ sử dụng 7 tầng, đồng nghĩa với việc rất nhiều tiền bị “chôn vào lòng đất” một cách lãng phí, khiến công trình rơi vào cảnh “mình voi đầu chuột”.
 
Theo nhà thầu thì hiện những phần phức tạp nhất đã đầu tư xong, phần tháp từ tầng 7 lên tầng 19 không quá tốn kém, chỉ có đầu tư hoàn thiện đi vào khai thác mới bảo đảm hiệu quả kinh tế. Việc úp nóc chờ đầu tư sẽ gây lãng phí lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng khi mà toàn bộ hệ thống cầu thang máy, cáp điện, nước, điều hòa… cùng nhiều thiết bị khác sẽ phải bỏ đi khi thực hiện giai đoạn 2, chưa kể chi phí thiết kế lại.

Vũ Văn Tiến

 

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm