Hà Nội:
Bài 1: Đóng thuế hàng chục năm, chủ nhân không được vào nhà
(Dân trí) - Sinh sống trên mảnh đất thuộc xóm 3, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội kể từ năm 1973. Nhưng từ ngày 22/7/2012, chị Huyền và các thành viên trong gia đình đã không thể vào nhà do bị gia đình hàng xóm tự ý xây tường bịt cổng.
Mảnh đất thuộc thửa 108, tờ bản đồ số 5 thuộc xóm 3, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm có nguồn gốc sở hữu thuộc cụ Đỗ Bản. Năm 1938 nhà cụ Bản bị cháy, sau đó ông Đỗ Văn Trường, tức Đỗ Văn Ất (con trai cụ Bản) và vợ là Đỗ Thị Lưu đã bỏ tiền ra xây lại. Sau cải cách ruộng đất, mảnh đất có sang tên cho ông Đỗ Văn Trường. Sau khi cụ Đỗ Bản qua đời năm 1947 và ông Đỗ Văn Trường qua đời vào năm 1964, bà Đỗ Thị Lưu cùng các con sinh sống tại mảnh đất này và không có xảy ra khiếu kiện gì với dòng họ Đỗ.
Năm 1973, bà Đỗ Thị Lưu lập giấy viết tay bán toàn bộ phần nhà đất, công trình phụ, sân vườn với tổng diện tích 618m2 cho vợ chồng ông Phan Mạnh Ngân và Nguyễn Thị Khoai (bố mẹ chị Phan Thanh Huyền). Năm 1974, ông Đỗ Thế Hậu khởi kiện bà Nguyễn Thị Khoai ra TAND huyện Từ Liêm. Theo Quyết định bản án số 431/PTDS ngày 6/12/1974 của TAND TP. Hà Nội, tòa xác định phần diện tích đất thuộc quyền sở hữu của dòng họ Đỗ, việc mua bán giữa bà Đỗ Thị Lưu và Nguyễn Thị Khoai là không hợp pháp. Tuy nhiên, tòa cũng khẳng định ông Đỗ Thế Hậu và Đỗ Văn Trường (chồng bà Lưu) có quyền sử dụng thửa đất số 109, tờ bản đồ số 3 xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm.
Từ năm 1976 đến tháng 8/2010, gia đình bà Khoai, sau đó là các con thuộc diện thừa kế không xảy ra bất cứ tranh chấp nào với các thành viên dòng họ Đỗ và những gia đình hàng xóm xung quanh. Kể từ khi Nhà nước thực hiện việc thu thuế đất với người dân, ông Phan Mạnh Ngân (bố chị Huyền), sau đó đến anh Phan Thanh Đạm (con trai ông Ngân) và hiện nay là chị Phan Thanh Huyền đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hàng năm.
Năm 2002, gia đình cụ Đỗ Thị Lưu gửi đơn đến TAND huyện Từ Liêm đề nghị xác định quyền sở hữu nhà đất đối với phần diện tích 268 m2, do ông Đỗ Quốc Hiến (con trai ông Đỗ Thế Hậu) nắm quyền quản lý từ lúc lập biên bản thi hành án ngày 6/9/1976 quy định dòng họ Đỗ sử dụng phần đất từ cột mốc phất xuống phía Nam. Trong các bản án số 40/DSST ngày 28/11/2002 của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm, bản án số 90/DSPT ngày 25/4/2003 của tòa án nhân dân TP. Hà Nội, bản án phúc thẩm số 125/DSPT ngày 21/6/2005 của tòa án nhân dân Tối cao đều công nhận quyền sở hữu phần diện tích 268,6m2 của bà Đỗ Thị Lưu và tạm giao quyền quản lý cho bà Đỗ Thị Lưu và các con.
Ngày 17/9/2009, TAND TP. Hà Nội đã ra quyết định số 48/2009/QĐST - DS Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự liên quan đến phần diện tích 268,6m2. Quyết định nêu rõ, phần diện tích 268,6m2 do ông Đỗ Quốc Hiến đang sử dụng là đất của dòng họ Đỗ được ghi trong biên bản thi hành án lập năm 1976 chứ không phải lấn sang phần nhà bà Đỗ Thị Lưu. Trong Quyết định này cũng không nhắc đến phần diện tích 350,1m2 mà chị Huyền và các thành viên gia đình sinh sống từ năm 1976.
Tuy nhiên, đến ngày 3/8/2010, Gia tộc họ Đỗ đã lập biên bản họp gia tộc với nội dung thu hồi phần diện tích 350,1m2 mà bà Nguyễn Thị Khoai và các thành viên gia đình đã sinh sống từ năm 1976. Sau cuộc họp này, ông Đỗ Quốc Hiến và một số thành viên dòng họ Đỗ đã tự ý khóa cửa nhà chị Phan Thanh Huyền và các thành viên gia đình (thuộc diện thừa kế tài sản của bà Đỗ Thị Lưu), có hành động đe dọa, đập phá tài sản. Đỉnh điểm nhất là ngày 22/7/2012, khi ông Đỗ Quốc Hiến cho xây tường bịt cổng vào phần diện tích đất do chị Huyền và các thành viên trong gia đình đã sử dụng liên tục từ năm 1976.
Theo lời chị Huyền, sau sự cố xảy ra ngày 22/7/2012, tất cả các thành viên gia đình phải đi ở nhà nơi khác do không có đường vào và cảm thấy không an toàn trước những hành động đe dọa của nhiều đối tượng lạ mặt. Vì sự an toàn và điều kiện ăn ở của các thành viên gia đình, chị Phan Thanh Huyền mong mỏi các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và có biện pháp ngăn chặn các hành động phá hoại.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương