Bình Phước lập dự án “khủng” - dân đi tìm sự “công tâm”
Bài 1: "Chúng tôi đã đổ mồ hôi, xương máu để khai hoang"
(Dân trí) - “Ít nhất 5% trong số những người như chúng tôi đã nằm xuống giữa thời bình khi đi khai khẩn đất hoang. Hao tổn biết bao mồ hôi, xương máu để hôm nay cây trái được xanh tươi, chúng tôi không phản đối dự án nhưng cần sự công tâm về quyền lợi của mình.”
Hơn một tháng qua, báo Dân trí nhận được rất nhiều phản ánh của người dân thuộc vùng quy hoạch dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp Đồng Phú. Người dân cho rằng, tỉnh Bình Phước lập dự án “khủng” tiến hành quy hoạch, “rục rịch” phương án thu hồi đất nhưng chính sách bồi thường cho dân không thỏa đáng. Trước những phản ánh trên, PV Dân trí đã vào cuộc tìm hiểu vụ việc.
"Chúng tôi không xâm canh"
Đó là ý kiến của ông Phan Đề (xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) một trong những hộ dân nằm trong vùng giải tỏa của khu quy hoạch dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp Đồng Phú trong cuộc đối thoại với ông Nguyễn Huy Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước (ngày 23/9). Trong vai của một người dân, PV Dân trí đã tham dự cuộc “họp kín” tại văn phòng UBND tỉnh.
Ông Phan Đề bày tỏ, sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, những người dân lại đi theo tiếng gọi tham gia đẩy lùi giặc đói, giặc dốt trong đó có gia đình tôi. Những năm sau giải phóng, khu vực tại huyện Đồng Phú còn như một cánh rừng, nhà nước kêu gọi người dân khai hoang, vỡ đất để phát triển kinh tế. Mỗi người được phát một con dao, một cái cuốc hoặc cái búa, làm việc quần quật cả ngày đào gốc cây, bứng gốc nứa nhưng cũng chỉ khai vỡ được vài mét vuông đất.
Giữa chốn rừng thiêng nước độc, chúng tôi phải chịu cảnh đói khát và những cơn sốt rét hành hạ. Nhưng chưa dừng lại ở đó, bom mìn còn sót lại trong cuộc chiến khốc liệt quanh Chiến khu D (thuộc huyện Vĩnh Cữu, Đồng Nai, giáp ranh huyện Đồng Phú, Bình Phước) khiến ít nhất 5% trong số những người đi khẩn hoang như chúng tôi phải nằm xuống giữa thời bình. Mồ hôi xương máu của họ đã đổ xuống, để hôm nay cây trái mới được xanh tươi và con cháu mới bắt đầu được hưởng thành quả lao động.
Từ đó đến trước khi dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp ra đời, chưa ai là người nói chúng tôi chiếm đất lâm trường. Và trên thực tế, người dân chúng tôi cũng không biết ranh giới của đất lâm trường là ở đâu. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, công sức của mình bỏ ra để đi theo Đảng, theo Nhà nước thì lẽ đương nhiên mình có quyền được hưởng thành quả. Đất bà con chúng tôi đang canh tác là nhờ mồ hôi xương máu mà có, chúng tôi không xâm canh, không lấn chiếm.
Lập ấp, đo đất cấp sổ rồi… thu hồi?
Dẫn chứng cho thực tế được pháp luật thừa nhận đã diễn ra, ông Dụng Quý Đông, xã Tân Hưng cho biết, nếu đất của chúng tôi là đất xâm chiếm bất hợp pháp vậy tại sao lại có số nhà, có trường học, nhà văn hóa ấp… thành lập ngay trên mảnh đất này? Tại sao chính quyền vẫn thu thuế của dân đều đặn? Hàng trăm giấy khen của tỉnh Bình Phước về gương nông dân sản xuất giỏi không lẽ đã cấp cho những người vi phạm pháp luật của Nhà nước? Từ người có công khai phá, chúng tôi đang mang tiếng oan là kẻ đi lấn chiếm đất của lâm trường.
Bên cạnh các vấn đề trên, ông Hồ Quốc Hưng (ấp Pa Pếch) cho biết, tháng 10/2011 người dân chúng tôi vui mừng không xiết khi chính quyền địa phương tiến hành đo đạc cắm mốc ranh giới và lập “Danh sách công khai trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Tân Hưng” cho 924 phần đất.
Tuy nhiên, sau đó chỉ một số rất ít hộ trong xã được nhận sổ. Cần có sổ để thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, chúng tôi liên hệ với Sở Tài nguyên Môi trường, trên danh sách vẫn có tên được cấp sổ nhưng xin nhận sổ thì họ không cho và cũng không giải thích lý do.
Đến ngày 25/10/2013, người dân huyện Đồng Phú chúng tôi chết lặng khi UBND tỉnh ra quyết định số 1981 QĐ-UBND thu hồi toàn bộ đất đai của chúng tôi để quy hoạch dự án. Đến lúc này thì người có sổ cũng như chưa có sổ, chúng tôi trở thành những kẻ vô gia cư trên chính mảnh đất gia đình đã bỏ công khai phá.
Vân Sơn